Bài toán dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Kỳ cuối: Người dân phải cùng giám sát
TT - Cùng với việc Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương này, ông Nguyễn Đăng Vang, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, cho rằng cần công khai thông tin về dự án.
Ông Vang nói:
“Nhà tôi có chín người con, sống chủ yếu dựa vào nghề biển và chăn nuôi. Chúng tôi đang rất lo vì chưa biết phải di dời đi đâu khi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng” - ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Vĩnh Trường, nói. Phía sau ông là nơi dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: Đức Tuyên |
>> Kỳ 1: Lựa chọn công nghệ>> Kỳ 2: Phải đảm bảo an toàn>> Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và thủy điện Lai Châu: Yếu tố an toàn trên hết>> Kỳ 3: Chuyện từ phòng thí nghiệm Xô viết>> Kỳ 4: Trăn trở Vĩnh Trường - Thái An
- Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội thấy rằng những vấn đề được quy định trong Luật năng lượng nguyên tử, chương về nhà máy điện hạt nhân đã được tuân thủ đầy đủ, cũng như các quy định về công trình trọng điểm quốc gia cũng được đảm bảo. Vấn đề điện hạt nhân đã được các cơ quan chức năng, các tổ chức nghiên cứu chuẩn bị từ những năm 1990.
Các chuyên gia trong nước của Viện Nghiên cứu hạt nhân đã kết hợp với chuyên gia của các nước như Nhật, Pháp khảo sát nhiều địa điểm, sau đó dùng phương pháp loại trừ để xác định địa điểm thích hợp nhất, an toàn nhất.
* Về công nghệ mà VN ứng dụng, ông có đánh giá gì?
- Hiện nay trên thế giới đã có gần 500 nhà máy điện hạt nhân, trong đó một lượng lớn nhà máy sử dụng công nghệ thế hệ thứ hai, vốn đã cũ, nhưng đến nay vẫn vận hành an toàn. Riêng công nghệ nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba hoặc 3+ mà chúng ta dự kiến lựa chọn là thế hệ mới nên có độ an toàn rất cao. Trong tờ trình trước đây, Chính phủ đề nghị công nghệ nhà máy thế hệ thứ hai trở lên. Khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường yêu cầu phải chọn thế hệ thứ ba trở lên để bảo đảm mức an toàn cao nhất mặc dù sẽ phải tăng chi phí đầu tư.
* Một vấn đề mà các nước trên thế giới còn đang đau đầu là xử lý chất thải hạt nhân. Dự án của chúng ta đã có tính đến?
- Có. Một nhà máy mỗi năm dùng hết khoảng 30 tấn nhiên liệu với khối tích cỡ một chiếc ôtô và phần thải còn lại một tỉ lệ nhỏ. Theo quy trình có thể lưu giữ chất thải này vài chục năm ở một cái kho ngay trong nhà máy, được bảo vệ an toàn. Và theo tính toán, nếu là các nhà máy hạt nhân từ thế hệ thứ tư trở đi thì chất thải sẽ tự xử lý.
* Nghĩa là có thể trả lời rằng dự án này an toàn?
- Tôi nghĩ những gì có thể làm được để đạt mức độ an toàn cao nhất đã được tính toán rất kỹ. Các quy chuẩn quốc tế cũng được “nội luật hóa”, kết hợp với thực tiễn VN để cho ra một bộ tiêu chí đánh giá.
* Hiện nay chúng ta có thử khảo sát mức độ ủng hộ của người dân Ninh Thuận đối với dự án này chưa?
- Theo tôi biết, đã có 15 cuộc hội thảo được mở ra tại Ninh Thuận để nói chuyện với người dân và các đoàn thể địa phương về dự án này. Đại diện người dân và các tổ chức, đoàn thể cũng đã được bố trí đi thăm Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt và một số ít người cũng đã được tham quan các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài. Qua ghi nhận bước đầu, nói chung người dân cũng thấy yên tâm.
Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân là công trình quá mới mẻ với chúng ta nên tâm lý lo ngại ở một số người là khó tránh khỏi. Khi đưa vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân để lấy ý kiến về chủ trương của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận gần đây thì tỉ lệ nhất trí rất cao, lên đến 100%.
* Ông có nghĩ thời điểm này là lúc nên công bố rộng rãi, đầy đủ và rõ ràng về dự án để tranh thủ sự đồng thuận của người dân?
- Hiện ở Ninh Thuận đã công khai thông tin cho người dân, còn phạm vi toàn quốc tôi nghĩ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương, sau đó có thể công bố. Đây là công trình quan trọng quốc gia nên người dân phải được biết và cùng giám sát với Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (tỉnh Ninh Thuận): Lo vấn đề di dân Điều quan trọng là chúng ta phải ứng xử như thế nào để an dân, để người dân trong vùng dự án đồng tình và hỗ trợ chúng ta triển khai một cách tốt nhất. Với tờ trình của Chính phủ, tôi thấy chỉ nói mặt tốt, mặt thuận lợi mà chưa nói hết những mặt có thể có hại. Chẳng hạn như chuyện chất thải phóng xạ, tờ trình nói rất đơn giản và sơ sài rằng có thể lưu tạm tại nhà máy trong 30 năm, còn lâu dài thì Chính phủ chỉ nói đang nghiên cứu. Vậy 30 năm sau xử lý như thế nào, ai xử lý và chúng ta phải ứng xử với nó ra sao? Rồi phương án xử lý với rủi ro có thể xảy ra như thế nào cũng chưa thấy nói rõ, trong khi các đại biểu Quốc hội muốn biết giữa những cái chúng ta chịu hi sinh với những cái đạt được có tương xứng, có đáng để hi sinh hay không. Tôi là người dân Ninh Thuận, họ hàng và người thân chúng tôi ở đó. Đọc tờ trình tôi thấy rất lo. Chưa kể về vấn đề vốn, tờ trình của Chính phủ nói vốn của chủ sở hữu từ 15-25% mà chưa nói rõ là nguồn vốn nào. Riêng 75-85% vốn đi vay cũng chưa thấy nói vay của ai, ai vay, ai trả, phương án và lộ trình trả nợ như thế nào. Đây là vấn đề không chỉ một ngày một bữa mà có liên quan đến nhiều thế hệ nên phải rõ ràng. Vấn đề di dân tái định cư, tờ trình của Chính phủ cũng đề cập rất đơn giản. Quốc hội nên ra nghị quyết buộc Chính phủ cam kết bảo đảm cuộc sống lâu dài cho người dân khi đền bù giải tỏa. |
N.TRIỀU thực hiện
__________________
Số tới, mời bạn theo dõi những câu chuyện cảm động:
Hi sinh để gọi sự sống về
Người quyết tâm hiến quả thận của mình, người sẵn lòng vào phòng mổ lấy tủy ra... Họ nhận lấy hi sinh để người thân của mình vượt qua bệnh hiểm nghèo, được sống để viết tiếp câu chuyện đời dang dở.
Người cho sẵn lòng nhưng người nhận thì ngại ngần.
Những câu chuyện đọc mà cứ rưng rưng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận