23/05/2014 08:46 GMT+7

Phải cao tay ấn

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TT - Sau hàng loạt biện pháp kìm cương “con ngựa bất kham” giá sữa bị thất bại, việc áp trần giá đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, kể từ ngày 1-6, là động thái thể hiện sự quyết liệt của cơ quan quản lý để đưa giá sữa vào khuôn khổ.

Áp trần giá sữa từ 1-6Hãy để các bà mẹ kiểm soát giá sữaHãng sữa lại lách luật tăng giá

Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng khi cho rằng giá sữa không còn biến động bất thường, nếu cơ quan chức năng không có thêm biện pháp quản lý giá sữa.

Dù nằm trong danh mục các mặt hàng được quản lý giá, nhưng từ nhiều năm nay giá sữa luôn làm các bậc cha mẹ đau đầu. Chỉ riêng năm 2013 và ba tháng đầu năm nay, theo kết luận thanh tra liên bộ được công bố cuối tháng 4-2014, năm “ông lớn” ngành sữa - chiếm 90% thị phần sữa dành cho trẻ em - đều tăng mạnh giá bán, có sản phẩm tăng gần... 31%. Việc kìm giá sữa dường như là nhiệm vụ bất khả thi của các cơ quan quản lý, được đưa ra bàn luận cả tại diễn đàn Quốc hội.

Việc áp giá trần một số mặt hàng sữa dành cho trẻ em, theo một số bạn đọc Tuổi Trẻ, “lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn để mang lại lợi ích cho trẻ em VN”. Như bạn đọc Lê Quang Hiếu “có thể nhịn ăn, nhịn uống, tăng ca... để có thêm tiền mua sữa cho con”, nên việc ngăn chặn doanh nghiệp làm giá, kiếm lợi quá đáng trên giá sữa là biện pháp cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng băn khoăn rằng liệu việc áp giá trần có kìm được giá sữa, khi các doanh nghiệp có thừa chiêu trò để tăng giá?

Lo lắng của các bậc cha mẹ là có cơ sở. Bởi trong thực tế, trước thời điểm công bố việc áp giá trần, hàng loạt hãng sữa đã nhanh chóng thay mẫu mã, giảm trọng lượng sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá bán, một hình thức tăng giá lách luật. Xa hơn, khi việc đăng ký giá với cơ quan quản lý là yêu cầu bắt buộc trước khi tăng giá, nhà kinh doanh cũng lách bằng cách không đăng ký là “sữa”, thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung” rồi vô tư tăng giá sữa. Trước đó, nhà kinh doanh cũng từng tăng “nhỏ giọt” 5-7% để lách quy định bị áp biện pháp bình ổn giá nếu tăng từ 20% trở lên...

Với việc áp giá trần tới đây, không loại trừ các nhà kinh doanh sữa tiếp tục tìm chiêu trò mới, “thay tên đổi họ” cho sản phẩm, giảm bớt trọng lượng, điều chỉnh tỉ lệ độ ẩm của sản phẩm... để vẫn đảm bảo được lợi nhuận khủng. Một khi nhà kinh doanh vẫn xoay trở để bảo vệ lợi nhuận khủng của họ thì cơ quan quản lý cần có thêm thuốc đặc trị mới có thể biến ước mơ được mua sữa với giá hợp lý của các bậc cha mẹ thành hiện thực. Không chỉ quản lý giá đối với tên từng sản phẩm, đảm bảo giá các sản phẩm không vượt trần, cơ quan quản lý cũng cần kiểm tra từ gốc, kể cả sự thay đổi sản phẩm bên trong. Đặc biệt, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đồng thời có giải pháp xử lý nghiêm và linh hoạt với các chiêu trò của hãng sữa để bảo vệ người tiêu dùng. Cao tay ấn hơn, khi đó cơ quan quản lý mới có thể kết thúc cuộc đuổi bắt giá sữa, không để phần thiệt rơi vào người tiêu dùng như đã xảy ra bấy lâu nay.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên