22/05/2014 08:40 GMT+7

Áp trần giá sữa từ 1-6

L.THANH
L.THANH

TT - Ngày 21-5, Bộ Tài chính công bố quyết định về việc áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời khẳng định sẽ giám sát chặt và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sữa vi phạm.

Từ 1-6, áp giá trần 25 mặt hàng sữa trẻ emHãy để các bà mẹ kiểm soát giá sữaHãng sữa lại lách luật tăng giá

iY4TZBoA.jpgPhóng to
Người tiêu dùng nghe giới thiệu về sữa Enfa Grow tại một cửa hàng ở TP.HCM - Ảnh: Th.Đạm

Với việc áp trần giá sữa, nhiều chuyên gia và bà mẹ đang nuôi con nhỏ đều kỳ vọng giá sữa tới đây sẽ không còn tự do “nhảy múa” thường xuyên và có xu hướng ngày càng tăng như trước.

Giá trần thấp hơn ít nhất 10-20% so với hiện hành

Một chuyên viên Bộ Tài chính cho biết phần lớn sản phẩm sữa dành cho trẻ em được các bà mẹ chọn mua đều được đưa vào danh sách áp trần giá. Chẳng hạn, các sản phẩm như Enfamil A+1 900g, Enfamil A+2 900g, Dielac Alpha 123 HT 900g, IMP Friso Gold 3 1.500g, NAN 2 BL InfMPwdr LEB011A-2 800g VN, Enfagrow A+3 vanilla 1.800g, Grow G-Power vanilla 900g...

Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết đây là các sản phẩm có doanh thu bán hàng lớn của năm doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường trong nước vừa được thanh tra trong tháng 4 (Vinamilk, Nestlé VN, Mead Johnson VN, Friesland Campina VN và Công ty CP dinh dưỡng 3A).

Về mức giá bán buôn tối đa của 25 sản phẩm sữa bị khống chế giá trần, Bộ Tài chính khẳng định thấp hơn 10-15%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn 20% so với giá bán buôn hiện hành trên thị trường. Với biện pháp này, chắc chắn giá bán buôn 25 sản phẩm sữa này sẽ giảm mạnh, đồng thời sẽ kéo các sản phẩm sữa khác của các doanh nghiệp còn lại cũng giảm theo. Khi giá bán buôn giảm thì giá bán lẻ cũng phải giảm theo.

5abOMroL.jpg
So sánh giá hiện hành và giá trần một số sản phẩm sữa (đơn vị tính: đồng/lon, hộp)

Giá bán lẻ không vượt quá 15% giá bán buôn

Về mức giá bán lẻ, Bộ Tài chính quy định giá bán lẻ không vượt quá 15% so với giá bán buôn. Chẳng hạn, sản phẩm Dielac Alpha 123 HT hộp 900g có mức giá bán buôn tối đa 167.000 đồng/hộp. Công ty CP Sữa VN sẽ phải đăng ký giá bán buôn sản phẩm này là 165.000 đồng/hộp. Trên cơ sở giá bán buôn đó, các cửa hàng, đại lý bán lẻ sẽ niêm yết giá bán lẻ tối đa là 189.000 đồng (165.000 + 15% của 165.000 đồng - PV).

Bộ Tài chính cũng cho biết không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đăng ký giá bán mà cả các cửa hàng đại lý bán lẻ cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý giá ở địa phương. Bộ Tài chính sẽ công khai mức giá bán buôn của doanh nghiệp đăng ký để người tiêu dùng theo dõi giám sát. Trường hợp cơ quan quản lý thị trường phát hiện doanh nghiệp nào có giá bán buôn và bán lẻ cao hơn quy định thì sẽ xử phạt theo quy định.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-6 nhưng giá bán buôn thực hiện chậm nhất là ngày 10-6, còn giá bán lẻ chậm nhất là ngày 20-6. Giải thích về quy định này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết do mặt hàng sữa là mua đứt bán đoạn. Nếu cơ quan quản lý yêu cầu thực hiện ngay sẽ gây khó khăn cho các cửa hàng đại lý kinh doanh sữa. Bởi có những cửa hàng còn lượng sữa tồn khá lớn. Nếu ép giá xuống ngay sẽ khiến họ bị thiệt hại không nhỏ.

Giá bán lẻ cao hơn trần giá bán buôn 150.000 đồng/hộp

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy hàng loạt mặt hàng sữa trong danh mục áp giá trần đều đang vượt mức trần mà Bộ Tài chính vừa chính thức yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng. Tại khu vực đường Nguyễn Thông (Q.3), dòng sữa Dielac Alpha 123 loại 900g được các cửa hàng bán ở mức 210.000-215.000 đồng/hộp, Nan Pro 3 loại 900g có giá khoảng 430.000 đồng/hộp. Trong khi đó, dòng Similac Gain IQ 900g bán với giá gần 490.000 đồng/hộp, Enfa Grow A+3 loại 900g được các cửa hàng bán ở mức 423.000 đồng/hộp.

Như vậy, giá sữa ngoài thị trường hiện được bán cao hơn giá trần khá nhiều. Theo quy định giá bán sỉ được Bộ Tài chính áp dụng làm giá trần sẽ cộng thêm tối đa 15% vào giá thành để bán lẻ ra thị trường. Với cách tính như vậy, giá nhiều mặt hàng bán lẻ hiện nay đều cao hơn giá trần cho phép. Ví dụ, với mặt hàng Dielac Alpha 123 loại 900g sau khi áp giá trần sẽ ở mức 192.000 đồng/hộp, trong khi ngoài thị trường lại chênh tới gần 20.000 đồng/hộp, tương tự Frisolac Gold loại 1,5kg giá trần cho phép là 632.000 đồng/hộp, nhưng thực tế các cửa hàng lại bán ở mức 660.000 đồng/hộp, chênh lệch gần 30.000 đồng. Hay Similac Gain IQ loại 900g, sau khi áp giá trần bán lẻ sẽ ở mức 466.000 đồng, nhưng hiện nay có cửa hàng bán ở mức 485.000-490.000 đồng/hộp.

Tương tự, tại thị trường Hà Nội, giá bán sữa tại các cửa hàng trên phố Đội Cấn, Hàng Buồm... (nơi tập trung nhiều cửa hàng bán lẻ sữa tại Hà Nội), giá Enfamil A+1 loại hộp 900g là 476.000 -485.000 đồng/hộp, Similac GainPlus IQ 900g (với Intelli-Pro) có giá 575.000 -590.000 đồng/hộp... Nếu so sánh mức giá trần bán buôn vừa mới được công bố thì giá bán lẻ trên thị trường đang cao hơn tới 120.000-150.000 đồng/hộp. Còn so với cách tính giá bán lẻ mà Bộ Tài chính quy định như nêu trên thì chắc chắn giá bán lẻ trên thị trường sẽ phải giảm 50.000-70.000 đồng/hộp tùy từng loại.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên