Tuy vậy, câu hỏi ấy cũng làm thầy cô trong đoàn tư vấn thoáng buồn. Câu hỏi đó là: “Thưa thầy cô, có ngành nào mà khi học ra trường dễ kiếm việc làm, không phải nhờ thân quen hoặc chạy chọt? Em nghe nói có chỗ làm phải tốn mấy chục triệu...”.
Tương tự, khi đoàn tư vấn về Gia Lai, một câu hỏi được người dẫn chương trình đọc lên cũng nhận được sự tán đồng của học sinh: “Em nghe nói bây giờ muốn kiếm việc làm phải có nhất thân thế, nhì quan hệ, ba tiền tệ. Ở tỉnh mình có như thế không? Làm thế nào để có được việc làm sau khi tốt nghiệp?”.
Những câu hỏi ấy đáng ra không có ở lứa tuổi học sinh, đang dồn sức cho kỳ thi quan trọng nhất của đời mình. Thay vì hỏi cách nào học tốt, ngành nghề nào phù hợp với sức mình..., nhiều học sinh đã lo học xong không có tiền để chạy được chỗ làm và mong muốn tìm một ngành nghề dễ xin việc mà không tốn tiền. Suy nghĩ này không phải là cá biệt trong học sinh hiện nay, mà đã thành xu hướng trong việc chọn ngành, chọn nghề. Ngoài những nguyên nhân để học sinh lựa chọn nhóm ngành như sở thích, truyền thống gia đình... thì có một nguyên nhân hiển nhiên nhất để các em chọn lựa, đó là: tốt nghiệp xong có việc làm, không phải bận tâm chuyện “bôi trơn”.
Kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 cho thấy tham nhũng vặt diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương. Trong đó tỉ lệ người dân đánh giá về tình trạng tham nhũng thì tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước chiếm tỉ lệ cao nhất với 42%, ngang với tỉ lệ người dân cho rằng phải hối lộ khi đi khám bệnh ở bệnh viện tuyến quận huyện (xem Tham nhũng vặt khắp nơi, Tuổi Trẻ ngày 3-4-2014), cho thấy điều mà không ít học sinh lo lắng là có cơ sở. Một con số nữa cũng ám ảnh những người trẻ sắp rời ghế nhà trường, đó là gần 160.000 lao động có trình độ cao đẳng trở lên thất nghiệp. Số liệu này do Bộ Lao động - thương binh và xã hội thống kê sơ bộ tính đến quý 4-2013, tăng gần gấp đôi so với quý 4-2012. Vì thế với không ít bạn trẻ, chuyện học thành tài là nhỏ, làm sao có tiền để kiếm chỗ làm mới là mối bận tâm lớn.
Đừng trách thế hệ học trò bây giờ già trước tuổi, chưa đi mà đã lo chạy... Người trẻ phải lo chạy bởi hằng ngày cha mẹ, kể cả các em, phải đối mặt với những chuyện tham nhũng vặt và trước ngưỡng cửa cuộc đời họ phải nghĩ đến chuyện “bôi trơn”, chạy chọt. Cứ như thế, liệu các bạn trẻ khi đã trở thành người trong bộ máy nhà nước sẽ có đủ bản lĩnh để nói không với chuyện tham nhũng vặt, chuyện “bôi trơn” và dứt khoát không chấp nhận chạy chọt? Để nạn tham nhũng vặt tràn lan là nguy hiểm. Nhưng xóa tham nhũng vặt không chỉ là chăm bẳm vào cải cách thủ tục hành chính, mà còn cả trong công tác nhân sự, sòng phẳng khi tuyển chọn nhân lực...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận