29/03/2014 07:42 GMT+7

Nông dân trông đợi vào ai?

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Những thông tin xấu có liên quan đến nông dân liên tục xuất hiện trên mặt báo mấy ngày qua, như chuyện chăn nuôi thua lỗ phải ôm nợ, nông sản bán rẻ như cho hoặc bỏ rụng đầy vườn... Những chuyện đang xảy ra với nông dân cho thấy một sự thật là họ không còn biết trông chờ vào ai lúc này.

1kg dưa hấu bằng ly trà đá3kg dưa hấu = 1 cốc trà đá

Cả tháng qua nông dân ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và các tỉnh miền Trung khóc ròng vì giá bắp cải chỉ còn 500-1.000 đồng/kg mà không có người mua, nên phải bỏ phơi nắng ngoài đồng hoặc nhổ rồi đem thả trôi sông. Người trồng dưa hấu trong cả nước chưa quên được nỗi buồn thua lỗ trong vụ dưa Tết Nguyên đán hơn hai tháng trước, giờ tiếp tục gánh thêm nỗi thất vọng mới vì giá bán 1kg dưa chỉ bằng ly trà đá. Hình ảnh hàng ngàn xe chở dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu, rồi một lượng lớn dưa bị thương lái Trung Quốc trả về phải đổ bỏ cho thấy bức tranh khá ảm đạm của nền nông nghiệp VN hiện nay.

Chưa hết, hàng triệu người chăn nuôi trong cả nước đang khánh kiệt vì giá bán không đủ trả nợ tiền thức ăn, tiền con giống, thuốc thú y. Đó là chưa kể rất nhiều, rất nhiều hộ đã lâm vào cảnh nợ nần khi dịch bệnh đột nhiên quét qua trại chăn nuôi của họ. Số liệu ngành chăn nuôi công bố mới đây làm mọi người choáng váng: hai năm ngành này thua lỗ tới 1,3 tỉ USD vì giá các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh.

Lúa gạo được xem là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, là niềm tự hào của VN nhiều năm qua cũng đang trong tình trạng đứng không vững. Ba tháng trôi qua, VN không ký được những hợp đồng tập trung lớn mà chỉ loay hoay thực hiện các hợp đồng cũ hoặc chỉ ký được một số hợp đồng nhỏ xuất sang thị trường Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đều gặp khó khăn về đầu ra nên chỉ mua nhỏ giọt đủ để giao cho khách hàng, chứ không dám mua nhiều để dự trữ như các năm trước.

Cho đến nay, VN vẫn xem nông nghiệp là bà đỡ của nền kinh tế. Cuộc sống của hàng chục triệu dân nông thôn vẫn phụ thuộc vào nghề nông. Nếu không trồng lúa thì cũng trồng rau màu, cây ăn trái hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Mặc dù những năm qua Nhà nước rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay và nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nhưng hiệu quả mang lại chẳng khác gì muối bỏ biển. Thực tế là dù chăn nuôi hay trồng trọt thì nông dân cũng không thể nào thoát ra được nguy cơ “được mùa, mất giá” hoặc “mất mùa, trắng tay”.

Điều mà nông dân quan tâm nhất vào lúc này là làm thế nào không còn sản xuất, chăn nuôi trong tình trạng biết chắc sẽ thua lỗ? Câu trả lời nằm ở phía Nhà nước. Đó là phải quy hoạch và thực hiện chặt chẽ quy hoạch sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Hằng năm ngành nông nghiệp và công thương phải đánh giá chính xác nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu từng loại nông sản để tổ chức sản xuất sao cho vừa đủ, không để cung vượt cầu. Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai kế hoạch sản xuất rải vụ cho các địa phương nhằm tránh tình trạng khi thừa lúc thiếu, nhưng mọi chuyện vẫn nằm trên bàn giấy.

Do đó, chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc quy hoạch, định hướng và tổ chức tổ sản xuất, đừng để nông dân tự bơi và tự chới với trong thua lỗ.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên