17/02/2014 08:02 GMT+7

"Mở cửa" cho kinh doanh

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Luật doanh nghiệp 1999, sau đó là Luật doanh nghiệp 2005 ra đời đã thay đổi cơ bản quyền kinh doanh của người dân, giúp số doanh nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên chỉ hơn hai năm qua, hơn 100.000 doanh nghiệp đã phải phá sản, dừng hoạt động. Để thúc đẩy một giai đoạn phát triển mới, VN thật sự vẫn cần “nhìn thẳng vào sự thật”...

Được kinh doanh nếu pháp luật không cấm

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 của Ngân hàng Thế giới, VN đứng thứ 99 trên 189 nước, vùng lãnh thổ về mức độ thuận lợi cho kinh doanh, trong khi Malaysia đứng thứ 6, Thái Lan đứng thứ 18... Mặc dù bảng thứ hạng rất phức tạp, nhưng có những vị trí thật sự cần suy nghĩ, khi các nước như Rwanda đã có thứ hạng 32, Zambia đứng thứ 83... Ngân hàng Thế giới nhận định thứ hạng của VN không thay đổi mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, thứ hạng Campuchia năm 2014 đã tăng 23 bậc, Indonesia, Philippines tăng 19 bậc...

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng chính Bộ Kế hoạch - đầu tư trong tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa Luật đầu tư đã công nhận dù VN khuyến khích đầu tư nhưng điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư lại thiếu tính minh bạch, khả thi. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án còn phức tạp, nhiều đầu mối... Đặc biệt, Bộ Kế hoạch - đầu tư nêu “cơ chế một cửa” đang thực hiện ở một số địa phương nhưng trên thực tế một cửa chỉ nhận và trả kết quả, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho... nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau. Rà soát thủ tục hành chính cũng cho thấy nhà đầu tư phải thực hiện trung bình tới 18 thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai được dự án đầu tư. Và điều này đã làm tăng chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải chịu.

Dự thảo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố đã đưa ra hàng loạt quy định mới, như bãi bỏ yêu cầu phải đăng ký trước lĩnh vực kinh doanh, bãi bỏ “Giấy chứng nhận đầu tư” thay bằng “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” và giới hạn chỉ bốn loại dự án phải xin loại giấy chứng nhận này...

Cải cách là nhu cầu thường xuyên, bức thiết từ cuộc sống, nhất là khi kinh tế VN gặp khó khăn nhiều năm qua. Mỗi khi khó khăn, VN thường có những thay đổi mạnh mẽ. Chỉ khi thật sự “mở cửa” cho kinh doanh theo thông lệ thế giới thì lúc đó mới có thể nghĩ đến đại bộ phận doanh nghiệp VN có sức cạnh tranh ngang bằng với các nước. Lúc đó nền kinh tế VN mới có cơ hội tiến nhanh và mạnh như các nước đi trước.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên