"Thầy tôi" gieo cảm xúc yêu thươngDấu ấn bài thi “Thầy tôi”
Cuộc thi “Thầy tôi” đã thật sự thành công, dù có lúc tưởng như nó có thể bị chìm ngập, hòa tan trong dòng chảy rất nóng của cuộc sống.
Hãy nói về mấy con số. Chỉ trong hai tháng đã có 770 bài dự thi từ 24 tỉnh thành trong cả nước gửi tới.
Phần lớn bài được gửi qua email, nhưng có tới non 200 bài nắn nót viết tay. Không chỉ có các thành phố lớn hưởng ứng mà khá nhiều địa phương xa xôi như Sơn La, Thái Nguyên, Đắk Nông, Cà Mau cũng nhiệt tình tham gia.
Xin hãy để ý một chút đến tuổi tác của người dự thi. Không chỉ có thanh niên và trung niên mà còn có em nhỏ mới 12 tuổi (Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 6) và cũng có cả bậc cao niên thuộc diện “xưa nay hiếm” như cụ bà Nguyễn Thuận, 93 tuổi, đang sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Bốn, năm thế hệ cùng nhiệt tình “lều chõng” dự thi đâu phải nhằm mục đích tranh lèo giật giải mà chủ yếu để có dịp nói lên một khía cạnh sâu kín, thiêng liêng của tình cảm: lòng mến trọng, tri ân đối với người đã từng dạy dỗ, chăm sóc, thậm chí cưu mang, nâng đỡ mình thuở ấu thơ hay lúc sắp trưởng thành.
Xin nói về “hồn cốt” của các bài viết. Đặc điểm của thể hồi ký là phi hư cấu, là tôn trọng những kỷ niệm sâu sắc, tươi nguyên, không bị nhạt nhòa theo năm tháng, là tôn trọng tuyệt đối tính xác thực của con người, sự việc, biến cố. Thiếu đặc điểm này, bài viết sẽ không còn chiếm được lòng tin, sự xúc động của độc giả.
Các bài dự thi lần này dù bị quy định chặt chẽ về số lượng trang chữ đã đảm bảo yêu cầu có tính nguyên tắc nói trên. Động tác “hậu kiểm” kỹ và nghiêm của tòa soạn đối với các bài được vào chung khảo là căn cứ để tin vào giá trị xác thực của các tác phẩm này.
Có thể nói các bài vượt qua kỳ sơ khảo, được lần lượt đăng trên báo, kể từ bài đầu của thầy giáo Nguyễn Văn Cải (Tuổi Trẻ 3-9) đã có một sức hấp dẫn riêng, lạ và đẹp, khiến những ai vốn nặng lòng với giáo dục không khỏi bồi hồi, xúc động. Hình ảnh người thầy trong các bài viết khá đa dạng. Có những người trực tiếp đứng lớp ở các cấp từ mầm non đến đại học. Cũng có vị là bậc chân tu như cố đại lão hòa thượng Thích Minh Châu (Trần Tuyết Hoa - Lửa thiêng trong tâm). Có cả tập thể quản giáo ở trại cai nghiện Phú Giáo tưởng như lạnh lùng, vô cảm, hóa ra ấm nóng tình người (Nguyễn Nhất Vinh - Đi cai nghiện và... làm thầy). Có bác sĩ không trực tiếp đứng lớp nhưng xứng đáng được tôn vinh là thầy vì đã tận tình với thế hệ đàn em, chăm sóc, truyền nghề và lặng lẽ rèn y đức cho họ (Phan Thị Lan Viên - Người thầy chưa từng đứng trên bục giảng).
Tài năng của người thầy được các tác giả trân trọng, nhưng nhân cách của người thầy mới thật sự là trọng điểm được quan tâm. Học sinh ở nhiều nơi nghèo quá. Đời sống vật chất của các thầy cô có khá hơn bao nhiêu đâu, nhưng nhiều người đã mở lòng với các em khốn khó, với tinh thần “lá rách đùm lá nát”, chia sẻ cho các em bữa cơm đạm bạc, manh áo ấm cũ, những món tiền nho nhỏ.
Các thầy cô không chỉ chú ý đến việc dạy chữ, mà quan tâm nhiều hơn đến việc “dạy người”, giúp các em khắc phục những biểu hiện tiêu cực, những nhận thức sai lạc, để hình thành những đức tính cơ bản của con người lương thiện: lòng tự trọng, ý chí vượt khó, tinh thần vị tha chứ không vị kỷ... Chính nhờ sự quan tâm chí tình, hết sức kiên trì nhẫn nại ấy của người thầy nên không ít học sinh đã vượt qua bi kịch, hóa giải được những điều nghiệt ngã và có chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống hôm nay.
Cuộc thi đã khép lại nhưng dư âm sẽ còn lan tỏa. Có thể tin nhiều bạn đọc vẫn sẽ lưu giữ những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp về hình ảnh người thầy trong các bài viết thành công của cuộc thi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận