02/11/2013 04:40 GMT+7

Đi cai nghiện và... làm thầy

NGUYỄN NHẤT VINH
NGUYỄN NHẤT VINH

TT - Cuối lớp 9 tôi còn được thi học sinh giỏi toán cấp quận (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhưng hết lớp 12 tôi bắt đầu đua đòi chúng bạn và nghiện ma túy.

TftJVh48.jpgPhóng to
Cô Phạm Thị Hồi (trái) hiện là giáo viên quản nhiệm Trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM - Ảnh: tác giả cung cấp

Ngày 14-3-2003, tôi bị bắt và được đưa vào cai nghiện tại Trường Giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (Phú Giáo, Bình Dương). Cánh cửa cuộc đời tôi thật mờ mịt. Vào đội 3, tôi được lao động ở xưởng bóc tách hạt điều, vừa để tự nuôi thân, vừa để trị liệu sức khỏe. Chưa lao động bao giờ nên tay tôi rớm máu, lưng đau nhức, chỉ tiêu đội giao không đạt, tôi nản chí vô cùng.

Đúng lúc đó tôi gặp cô. Cô thật gần gũi, ấm áp, cô ân cần chỉ ra cho chúng tôi cái “mất” khi mình nghiện ma túy: mất lòng tin, mất hạnh phúc, mất sức khỏe và mất tất cả. Cô là người rất hòa đồng và thương học viên vô cùng, khi giảng chuyên đề cô rành rẽ, khúc chiết, vấn đề nào cô nêu ra chúng tôi đều phải suy ngẫm. Cô để mắt đến từng học viên, nắm bắt những biểu hiện của chúng tôi, ân cần, tận tình.

Có lần thấy tôi giải bài toán hình giúp bạn, phát hiện tôi rất giỏi toán nên cô càng chú ý đến tôi hơn. Cô giới thiệu tôi ra cơ sở dạy văn hóa để thực tập làm “thầy giáo” dạy lớp 5 “xóa mù chữ” cho các bạn đồng cảnh ngộ. Tôi đã khóc, thằng con trai 27 tuổi như tôi không ngờ mình đi cai nghiện mà được chọn làm “thầy”. Cô mua cho tôi cả bộ đồ thật oai (bộ quần áo thanh niên tình nguyện) để lên lớp, rồi cô hướng dẫn cách soạn bài, chấm chữa bài...

Ngày ấy, trường có mở lớp đại học từ xa chuyên ngành xã hội học cho học viên và cán bộ nhân viên của trường. Cô động viên tôi đăng ký đi học, tôi lo bao nhiêu năm không học liệu mình có theo nổi chương trình không, cô nói: “Có ý chí, nghị lực thì việc gì mà Vinh không làm được, cố gắng lên em!”.

Đó là tháng 5-2006, tôi là một trong 34 học viên, cán bộ nhân viên Trường 3 học đại học. Đi cai nghiện rồi được làm “thầy”, được đi học đại học, tôi không thể ngờ mình có được vinh dự như thế. Tôi khóc - những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc. Cảm ơn các thầy cô, cảm ơn xã hội bao dung đã cho những người lầm lỡ như tôi có cơ hội làm lại từ đầu. Con người không thể bị người khác làm ngã, người làm ngã chỉ có thể là chính mình.

Tôi đã đứng được, và đứng vững giữa cuộc đời đầy ắp yêu thương như thế!

Tháng 8-2007 tôi được hồi gia, việc học đại học tạm thời gián đoạn. Cô động viên tôi hãy vững lòng trước mọi cám dỗ của đời thường, chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống, tìm việc làm.

37 tuổi, tôi đang có một gia đình hạnh phúc ấm êm bên vợ và con trai, một cửa hàng bán quần áo nho nhỏ. Thi thoảng, cả gia đình tôi ghé thăm cô (cô giờ là giáo viên quản nhiệm tại một trường tư thục ở TP.HCM). Tôi hứa với cô: “Em sẽ đi học tiếp đại học cô ạ”. Vợ tôi thì cười: “Anh đã tốt nghiệp đại học làm người đó thôi”.

Trời Sài Gòn mưa rồi tạnh, nắng chan hòa.

Ngày 17-11 công bố và trao giải

* Danh sách ban giám khảo

Cho đến nay, ban tổ chức cuộc thi “Thầy tôi” đã nhận được 752 bài dự thi. Chúng tôi đã chọn ra 33 bài tham gia vòng chung khảo. Dự kiến lễ công bố và trao giải thưởng sẽ được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày 17-11.

Thành phần ban giám khảo gồm PGS.TS Trần Hữu Tá (chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM), PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM), cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên văn Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM), cô Trương Thị Việt Thủy (nguyên phó hiệu trưởng THCS Lê Quý Đôn TP.HCM), ThS Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM), nhà báo Lê Thế Chữ (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ), nhà báo Hà Thạch Hãn (phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ).

TUỔI TRẺ

NGUYỄN NHẤT VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên