Phóng to |
Bác sĩ Bùi Hoàng Hải Thủy, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Mai Vinh |
Cụ là một người điềm đạm, dễ nhìn, thân thiện và biết quan tâm tới người khác. Tôi nhớ những ngày đầu khi bắt đầu vào làm nhân viên của cụ tại khoa chẩn đoán hình ảnh, tôi căng thẳng lắm vì kể từ đây phải có trách nhiệm với chính bệnh nhân mà mình khám.
Trước khi đi làm, tôi tự hứa với bản thân sẽ làm việc tận tâm, tận lực. Nhưng đến khi bắt tay vào công việc, tôi thật sự căng thẳng, lượng bệnh quá đông, tôi chưa quen việc nên làm chậm... Có lúc tôi tự nhủ: “Hay mình cứ làm qua loa cho nhanh, khám bệnh cho kịp, vừa được đồng nghiệp khen làm nhanh, làm giỏi mà bệnh nhân thì làm sao biết được những sai sót của mình”. Nhưng tôi lại không cho phép mình làm như vậy, lỡ sai sót, lỡ ảnh hưởng tới kết quả điều trị hoặc thậm chí là mạng sống của bệnh nhân thì sao.
Trong tôi diễn ra cuộc đấu tranh của lý trí, cảm tính và lương tâm, đầu tôi như căng ra, có lúc tôi tưởng như nó sắp nổ tung. Và cụ đã nhận ra những áp lực đó của tôi, cụ động viên tôi cứ làm sao cho đúng với lương tâm nghề nghiệp, cứ làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân... Cảm xúc trong tôi như vỡ òa, tôi khóc nức nở. Sau hôm đó, cụ hay để ý và khi nào tôi có dấu hiệu ùn tắc là cụ xông vào “giải cứu”. Những lúc ấy tôi mang ơn cụ lắm và tự nhủ sẽ ráng trau dồi chuyên môn lẫn kỹ năng làm việc để chất lượng công việc ngày càng tốt hơn.
Cụ là một bác sĩ rất có uy tín, bệnh nhân tại nhà của cụ khá đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi vào trực là thứ bảy. Từ hôm trước tôi đã chuẩn bị tâm lý nhưng không hiểu sao lo lắng vẫn bao trùm, tôi bước vào ngày trực đầu tiên đầy lo lắng. Giống những gì tôi lo nghĩ, cuối buổi chiều hôm đó bệnh nhân đông lắm, đứng chật kín hành lang, mà lại toàn là bệnh nặng, tôi thật sự thấy bối rối, chân tay tôi như thừa thãi. Cuối cùng tôi quyết định gọi cầu cứu cụ, rồi phân vân “liệu cụ có đến không vì hôm nay bệnh nhân ở nhà của cụ rất đông”. Năm phút sau cụ xuất hiện, tôi như người sắp chết đuối bắt được phao...
Cụ cũng là một người cầu toàn và khá nóng tính. Những khi nóng giận cụ khó giữ lại trong lòng, chính vì vậy nên tôi và mọi người ai cũng ngại. Tôi nhớ như in buổi chiều ngày ấy, bệnh nhân của chúng tôi là một cậu thanh niên 19 tuổi, cậu bị đau vùng hố chậu phải (vùng ruột thừa) đã bốn ngày, đau ngày càng tăng, siêu âm thấy có một dị vật dạng que ở vùng này được các cơ quan trong ổ bụng bao quanh và có ít dịch ổ bụng. Bằng nhạy cảm nghề nghiệp, cụ đề nghị chụp CTscanner bụng có cản quang cho cậu thanh niên đó. Sau khi chụp xong, tôi thấy anh chàng này cũng không đau nhiều nên cho về, dặn mai lên lấy kết quả, nhưng khi nào đau bụng nhiều phải vào bệnh viện ngay.
Đến tối, cụ gọi điện hỏi thăm và cho tôi biết cậu thanh niên nọ cần được mổ vì có thể dị vật đã làm thủng ruột. Tôi lo sợ thú thật với cụ rằng tôi đã cho cậu ấy về, sau khi nghe xong cụ la tôi té tát, cụ nói đã giúp bệnh nhân phải giúp đến nơi đến chốn, phải nghĩ đến những diễn biến xấu nhất và đảm bảo được an toàn cho tính mạng người bệnh. Tôi tìm cách liên lạc với người nhà bệnh nhân nhưng không được. Cả đêm tôi không chợp mắt, ray rứt khôn nguôi và chỉ biết cầu mong cậu thanh niên ấy bình an. Rất may, đến sáng hôm sau, cậu ấy và người nhà quay trở lại. Đúng là một phen hú vía!
Ngày tháng trôi qua, cụ đã hướng dẫn tận tình những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi. Tôi tự tin hơn, bản lĩnh hơn và thận trọng hơn trong từng chẩn đoán của mình. Cuối tháng 7-2012 tôi làm đám hỏi, điều này có nghĩa tôi sẽ theo chồng, sẽ chuyển công tác và không còn được làm việc cùng cụ nữa. Trong đầu tôi luẩn quẩn những câu hỏi: “Liệu mình có nên nói thật về quyết định của mình cho cụ biết? Nếu mình nói ra, cụ có còn chỉ bảo tận tình cho mình như trước? Hay là đợi tới lúc nộp đơn xin chuyển công tác hãy nói cho cụ biết?”.
Và tôi quyết định sẽ kể tất cả với cụ. Cụ lặng im không nói, tôi cũng nghẹn ngào. Không gian tĩnh mịch, chỉ còn tiếng máy hút ẩm chạy rè rè, ngoài kia mưa đêm rả rích. Bao kỷ niệm vui, buồn trong thời gian qua ùa về. Phá tan sự im lặng, cụ bảo: “Em làm ở đâu cũng được, miễn em cảm thấy hạnh phúc và phải luôn nhớ trong mọi quyết định em phải đặt chữ TÂM lên trên hết, làm gì cũng nên quan tâm đến cảm giác của bệnh nhân và người nhà, có như vậy mình mới thật sự giúp được nhiều người. Trong thời gian còn lại, em xem cái gì cần học thì cứ tích cực học để làm hành trang cho mình sau này em nhé”. Bao lo lắng trong tôi tan biến, chỉ còn hạnh phúc xen lẫn tiếc nuối...
Và giờ đây, tôi đang công tác tại bệnh viện mới với một chuyên ngành khác nhưng cụ vẫn thường thăm hỏi và hỗ trợ tôi về mặt chuyên môn. Những bài học về chữ TÂM mà cụ đã trao cho tôi ngày nào, tôi vẫn luôn ghi nhớ.
Cảm ơn cụ - người bạn đã cùng tôi chia sẻ những buồn vui nghề y. Cảm ơn cụ - người đàn anh, người đồng nghiệp đã đem lại nguồn cảm hứng cho tôi về chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Cảm ơn cụ - người đã trao cho tôi những bài học về y đức. Xin tri ân cụ - người thầy chưa từng đứng trên bục giảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận