25/08/2013 09:44 GMT+7

Khi cán bộ điều tra không thuộc bài

THỦY CÚC
THỦY CÚC

TT - “Việc lấy lời khai của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện gia đình, người giám hộ” (điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự). “Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho đại diện của gia đình để bảo đảm sự có mặt của họ.

Học sinh tự tử, công an nói làm đúng quy trìnhBị nghi lấy 5 triệu, một học sinh tự tửPhỏng vấn công an viên lấy cung em Lê Hoàng Triệu Khang

Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi không có mặt đại diện gia đình chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia” (khoản 4, điều 10 thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên).

Trên đây là quy định bắt buộc trong Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc hỏi cung người chưa thành niên. Sở dĩ tôi trích nguyên văn những câu chữ khô khan nêu trên là muốn những ai tham gia quá trình tố tụng hình sự nên nhân dịp này đọc lại nhằm tránh những sự cố đau lòng. Bởi nếu bộ luật này bị vi phạm, toàn bộ quy trình tố tụng tiếp theo sẽ bị triệt tiêu. Chẳng hạn, khi một nghi phạm được lấy cung không đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì các bản cung không có giá trị. Bộ luật tố tụng hình sự có thể ví như một “bộ lọc” để bảo đảm việc thực hiện các hoạt động tố tụng được khách quan, chính xác, không làm oan sai người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, không phải vô cớ mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi hỏi cung trẻ em phải có mặt cha mẹ/người giám hộ, cũng như Bộ luật hình sự có những điều khoản đặc biệt dành cho người chưa thành niên phạm tội. Vì trẻ em vốn dĩ chưa phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần, không có được nhận thức hoàn chỉnh như người trưởng thành.

Quan trọng thế, nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều cán bộ điều tra không thuộc bài!

Năm 2007, có một vụ việc đau lòng là vụ bé H.T.N.T. - học sinh lớp 5 - bị giải lên Công an xã An Hiệp (Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) để hỏi cung vì trong lớp mất 47.800 đồng... Sau đó bé bị hoảng loạn tinh thần, trốn chui lủi vào góc nhà khi thấy người lạ. Tháng 12 năm ngoái, bé L.T.T. - học sinh lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng (xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM) - cũng bị công an xã dẫn giải về trụ sở vì nghi lấy trộm tiền của cô giáo. May nhờ sau đó cô giáo tìm thấy số tiền. Hay như chuyện em Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh, 17 tuổi) vì bị nghi ăn trộm nhà hàng xóm vào ngày 26-3 năm nay đã bị Công an P.8, TP Cà Mau giải về xã cùng với ba người bạn, trong đó có hai người chưa thành niên. Các em khai bị trấn áp, đánh đập lúc hỏi cung...

Tất cả những trường hợp kể trên đều không có người giám hộ đi cùng và tất cả sau đó đều được xin lỗi, minh oan.

Riêng trường hợp em Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi, ở xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã không có “may mắn” đó. Em đã phải lấy cái chết để chứng minh mình không ăn cắp 5 triệu đồng.

Nếu một học sinh không thuộc bài nhưng vẫn được lên lớp thì việc “ngồi nhầm lớp” đó chẳng ảnh hưởng đến ai ngoài bản thân em ấy, hoặc có thể ảnh hưởng một chút tới trường, tới công lao cha mẹ. Nhưng công an không thuộc bài, bao nhiêu oan sai có thể đổ trút xuống đầu người dân. Đó là chưa nói mỗi một lần không thuộc bài có thể phải trả giá bằng mạng sống của một người dân như trường hợp học sinh Lê Hoàng Triệu Khang.

THỦY CÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên