12/08/2013 08:48 GMT+7

Cho cũng không đắt

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ cuối cùng đã được Hà Nội tặng VTV để chiếu miễn phí cho khán giả trong và ngoài nước, không kèm theo bất kỳ điều kiện gì. Bộ phim dài 33 tập, kinh phí 56 tỉ đồng đã được bàn giao và giờ đây đang đợi ngày lên sóng, nhưng chưa ai biết là ngày nào.

Tặng phim Thái sư Trần Thủ Độ cho VTVThái sư Trần Thủ Độ tiếp tục chờ sóng

Có lẽ năm năm trước, khi nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn gửi tập kịch bản ra Hà Nội “ứng thí” cho kế hoạch làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông không ngờ số phận vị thái sư “của mình” lại long đong thế.

Và đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc lại cũng không ngờ khi mình đã hết được gọi là “trẻ” rồi mà phim vẫn chưa được chiếu.

Cũng chưa thấy cơ quan chuyên môn hay cá nhân nào trong ngành điện ảnh lên tiếng phê phán chê bai gì bộ phim. Các giải thưởng chuyên môn dành cho bộ phim không tạo nên bất cứ phản ứng nào. Khác hẳn với cách mà công luận ồn ào khi bộ phim mới bắt đầu quay, từ việc chọn bối cảnh, may phục trang đến việc diễn viên chính bỏ cuộc giữa chừng với lý do ngại cảnh nóng... Tất cả cứ im lìm một cách lạ lùng như hòn đá ném xuống ao bèo.

Hỏi “người cho” thì đại diện ngành văn hóa thủ đô nói chỉ trông chờ thiện chí của nhà đài. Hỏi “người nhận” thì nói tôn trọng thiện chí người tặng và tặng phẩm, nhưng tôn trọng mấy thì cũng phải... xếp hàng chờ sóng!

Có mấy câu hỏi mà bất kỳ ai quan tâm cũng phải đặt ra: năm năm trước, lúc quyết định duyệt kinh phí sản xuất phim truyền hình nhiều tập, Hà Nội đã nghĩ đến “đầu ra” chưa? Hà Nội định cho ra mắt bộ phim “chào mừng 1.000 năm Thăng Long” của mình trên sóng của đài truyền hình nào? HTV hay phủ sóng toàn quốc? Hay thậm chí trong hệ thống video gia đình? Có cam kết nào bằng văn bản hay thậm chí thỏa thuận miệng chưa? Ai cũng biết phim truyền hình có nghĩa là phải chấp nhận những ràng buộc nhất định của truyền hình về kỹ thuật, thời lượng, đặc biệt là về thời điểm phát sóng và khung giờ. Với Thái sư Trần Thủ Độ, hình như Hà Nội chỉ tập trung vào việc làm thế nào để cho ra một bộ phim, còn tất cả những gì sau đó hầu như chưa tính đến.

Về phía nhà đài, lâu nay VTV luôn kêu gọi nâng cao chất lượng phim truyền hình VN và mở rộng đầu vào của các phim bằng cách cho các đơn vị xã hội hóa tham gia sản xuất phim phát sóng, với mục tiêu hướng tới năm 2020 có 50% phim trên VTV là phim Việt. Nhưng cũng có một thực tế khác mà lâu nay ai cũng biết nhưng ngại nói ra: xếp hàng lên sóng “giờ vàng phim Việt” loanh quanh chỉ 2-3 “đại gia” trong làng sản xuất phim, các hãng phim nhỏ khó hòng chen chân. Ngay gần đây, một bộ phim của VFC - Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN trực thuộc đài - đã họp báo công bố ngày lên sóng, giờ chót còn bị bật ra bởi một phim dài tập khác có trùng... diễn viên chính của một “đại gia” làng sản xuất phim.

Phim xã hội hóa bao giờ cũng được đổi bằng quảng cáo - nhiều khi do chính đơn vị sản xuất phim tự khai thác. Phim “nhà nước” thì xưa nay vẫn là một sản phẩm độc lập, đạo diễn làm phim xong nộp Nhà nước, ai mua, ai bán, giá bao nhiêu, bao giờ chiếu là chuyện của cơ quan chủ quản. Chính vì thế, khi phải lựa chọn chiếu phim nào trước, phim xã hội hóa hay phim “nhà nước” ở góc độ kinh tế, ai cũng nhìn thấy sự thua kém nhãn tiền của dòng phim “quốc doanh”.

Và cũng chính vì thế mà số phận của Thái sư Trần Thủ Độ lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười: 56 tỉ cộng với ba Cánh diều vàng mà giờ này, nói như các cụ ta xưa “cho cũng không đắt”.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />