24/06/2013 09:41 GMT+7

"Lội ngược dòng" cứu thị trường lúa gạo

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH
NGUYỄN ĐÌNH BÍCH

TT - Cho dù còn xa mới được như mong muốn, nhưng nếu nói việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân đã thất bại là không khách quan. Bởi lẽ nếu không áp dụng giải pháp này, chắc chắn giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long những tháng qua còn “rơi tự do” và nông dân đã lãnh đủ.

Mua tạm trữ lúa gạo: nhiều tỉnh bức xúc chuyện phân bổ

Tuy nhiên, cũng sẽ là lạc quan tếu khi nói rằng việc mua tạm trữ lúa gạo đông xuân vừa qua đã “xuôi chèo mát mái”. Bằng chứng rõ ràng nhất là “quả đắng” không hề nhỏ mà không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã và đang phải gánh chịu.

Bởi lẽ như thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết, vào đầu tháng 4-2013 chỉ riêng các doanh nghiệp trong tổ chức này tồn kho tới gần 2 triệu tấn gạo, còn tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói chung đầu tháng 5 vẫn là trên 2 triệu tấn và đầu tháng 6 khoảng 1,7 triệu tấn.

Chính vì vậy, toàn bộ ngành hàng lúa gạo nước ta đang đối diện với nguy cơ có thể nói là mù mịt trong những tháng tới. Bởi cho dù được hỗ trợ lãi suất, nhưng với giá xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ còn rất thấp như vậy trong khoảng ba tháng tới, để ngừa “hậu họa”, đương nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ tính toán giá mua lúa xoay quanh giá gạo xuất khẩu này. Và do đó, thật khó để hi vọng cho nông dân có lãi dù chỉ là chút đỉnh.

Lời “có cánh” đầy chua chát của chủ tịch VFA với báo giới đầu tháng này: “Với tình hình hiện tại, đừng nên đòi hỏi mức lời tối thiểu 30% mà hãy hỏi bán hay để vịt ăn?” đủ nói lên tất cả.

Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là tất cả sẽ đều phải “nín thở” chờ qua tháng 7, thị trường thế giới sẽ sôi động hơn, như dự báo mới nhất của chủ tịch VFA, hay giá lúa gạo cũng sẽ vẫn “tréo ngoe” với dự báo tăng nhẹ cũng của chủ tịch VFA hồi đầu tháng 4?

Nếu đúng như dự báo, có thể các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ “dễ thở hơn”, bởi thị trường sôi động thường có nghĩa giá sẽ nhích lên, nhưng hiện đang có dấu hiệu cho thấy kịch bản giá gạo thế giới sắp tới có thể sẽ giảm. Do phải vật lộn với vấn nạn “kép ba”: dự trữ, nợ công và thua lỗ ngày càng khổng lồ, rất có thể Chính phủ Thái Lan sẽ phải tiếp tục hạ giá gạo trắng để tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, giá gạo của Pakistan và Ấn Độ hiện đã quá cao so với của chúng ta cũng sẽ chịu sức ép giảm từ cả hai phía Thái Lan và Việt Nam.

Cho dù vậy, chúng ta vẫn có cơ hội để giải cứu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thoát khỏi tình trạng lỗ đậm từ tháng 4 đến nay, đồng thời cũng có thể giúp nông dân thoát khỏi nguy cơ lỗ đậm vụ hè thu này.

Cách duy nhất là không “án binh bất động” chờ qua tháng 7 như ý kiến của chủ tịch VFA, mà lập tức tăng giá gạo xuất khẩu. Rõ ràng, khoảng cách rất “mênh mông” so với của Ấn Độ và Pakistan và vẫn rất “khủng” so với của Thái Lan hoàn toàn cho phép chúng ta làm điều đó. Nhìn rộng hơn, thực tế cũng đã cho thấy với giá ngang ngửa so với của Ấn Độ và Pakistan, năm 2012 chúng ta vẫn xuất khẩu được 1,55 triệu tấn gạo sang châu Phi, thậm chí nửa cuối năm 2011, với giá cao hơn rất nhiều, lượng xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục trên 1 triệu tấn.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là “ngược dòng” với thế giới, đẩy giá xuất khẩu xuống quá thấp trong một thời gian quá dài là giải pháp có lẽ không sáng suốt của VFA, bởi chẳng những chắc chắn đã và đang khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâm vào cảnh thua lỗ, mà còn đẩy toàn bộ thị trường lúa gạo hiện nay vào thế bế tắc. Còn hiện nay, tương quan trên thị trường thế giới hoàn toàn cho phép chúng ta “sửa sai”, một lần nữa “ngược dòng” với giá cả thế giới để khai thông những bế tắc cả trong xuất khẩu lẫn thị trường trong nước. Để tạo bước ngoặt đó, thay vì vẫn “cất trong kho” bấy lâu nay, “vũ khí” giá sàn xuất khẩu hiện duy nhất được pháp định để bảo đảm hài hòa các lợi ích phải được đem ra sử dụng, bằng không mọi sự vẫn quay theo guồng mà có lẽ không ai muốn chứng kiến.

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên