09/11/2012 08:14 GMT+7

Số 1 nhưng nông dân vẫn nghèo

TS Võ Hùng DũngTRẦN MẠNH ghi
TS Võ Hùng DũngTRẦN MẠNH ghi

TT - Liên tục những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin VN trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới như một kỳ tích của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng.

Tuy nhiên, không nên quá hào hứng với vị trí số 1 thế giới mà quên mất một điều rằng trong khi số lượng xuất khẩu tăng lên thì thu nhập của người nông dân làm ra hạt lúa không được tăng lên tương ứng.

Dẫn đầu nhưng chưa vui

Nếu cứ mải mê hãnh diện với vị trí số 1 số 2 thế giới mà nông dân mình vẫn nghèo thì thật là đau lòng.

Việc gia tăng ào ạt khối lượng gạo xuất khẩu trong những năm qua thật ra là một dạng xuất khẩu tài nguyên, càng bán nhiều gạo thì càng nhanh kiệt quệ tài nguyên đất đai, môi trường của đất nước. Đã đến lúc phải thay đổi chiến lược chạy đua về số lượng gạo xuất khẩu kéo dài 20 năm nay vốn đã lỗi thời để chuyển sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, có thương hiệu.

Phải có chiến lược xây dựng thương hiệu ở cả ba cấp là thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành và thương hiệu riêng của các doanh nghiệp. Ở tầm quốc gia, thương hiệu gạo VN phải mang ý nghĩa đó là loại gạo của một đất nước trồng và xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao, an toàn và uy tín. Ngành lương thực mà ở đây là Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cũng phải xây dựng thương hiệu cho mình. Đó là hệ thống những tiêu chuẩn của ngành với những tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể nhằm cụ thể hóa hơn cho thương hiệu quốc gia. Sau đó mới đến các thương hiệu gạo riêng của từng doanh nghiệp xuất khẩu.

Các doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình một thương hiệu gạo theo những hướng đi riêng để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Có thể VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ đổ lỗi cho việc VN có quá nhiều giống lúa và diện tích từng loại không đủ lớn để làm thương hiệu. Nhưng đó là cách nghĩ của nhà xuất khẩu chỉ thừa hưởng kết quả của nhà sản xuất kiểu anh trồng được gì tôi bán cái đó. Lẽ ra VFA phải có trách nhiệm cùng với nhà sản xuất để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, chuỗi cung ứng. Muốn có loại gạo nào thì VFA phải xây dựng chuỗi cung ứng cùng nhà sản xuất, nếu không 10 năm nữa VN vẫn chưa có thương hiệu lúa gạo.

Vị trí số 1 mà VN đang tạm có có phần rất lớn nhờ chính sách mua lúa giá cao cho nông dân của Chính phủ Thái Lan. Nhưng đây lại là một bài học giá trị cho VN để tránh đi vào vết xe đổ, đó là để nâng cao thu nhập trước mắt của nông dân mà thoát ly giá lúa trong nước với giá của thị trường thế giới. Hậu quả của chính sách này là Thái Lan từ vị trí số 1 đã tụt xuống vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, lượng tồn kho lên đến 15 triệu tấn. Một chính sách như vậy sẽ làm cạn kiệt nguồn ngân sách của Nhà nước mà VN không thể thực hiện nổi và hiệu quả của chính sách này cũng không thể lâu dài. Có thể khi thu nhập đột ngột tăng lên thì kinh tế nông thôn sẽ tốt đẹp hơn, nhưng một khi chính sách này bị ngưng lại thì sự phồn thịnh giả tạo đó cũng sẽ nhanh chóng xẹp xuống.

Muốn người nông dân có cuộc sống bền vững thì phải tạo điều kiện cho thu nhập của họ tăng đều đặn. Muốn vậy phải có sự đầu tư xứng đáng của Chính phủ vào khu vực nông thôn. Ngành nông nghiệp cần phải được đầu tư nhiều hơn cho hệ thống canh tác, giống lúa, hệ thống bảo quản để có những giống lúa có chất lượng, có thương hiệu để có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, đầu tư cho nông dân không chỉ đối với hệ thống canh tác mà còn cả việc cải thiện điều kiện học hành, sức khỏe để nâng cao năng lực của người dân.

TS Võ Hùng DũngTRẦN MẠNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên