08/11/2012 07:15 GMT+7

Dẫn đầu nhưng chưa vui

ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH
ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH

TT - Nhiều khả năng VN xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo trong năm 2012 và lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thế nhưng, người trồng lúa đón nhận thông tin này với tâm trạng kém hồ hởi.

Lý do: lợi nhuận từ trồng lúa thấp hơn năm ngoái.

czKexz70.jpgPhóng to

Ông Lê Văn Giàu (Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) chuẩn bị lúa giống cho vụ đông xuân. Theo ông Giàu, chi phí sản xuất tăng cao nên mỗi hecta chỉ còn lãi 15 triệu đồng - Ảnh: Đức Vịnh

Hay tin VN là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nông dân Lê Văn Giàu (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, An Giang) cho rằng tới đây chắc cần thêm nhiều gạo để xuất khẩu nên quyết định chọn mua giống lúa IR50404, một loại lúa chất lượng kém mà nhiều năm nay Nhà nước khuyến cáo giảm diện tích.

Nông dân vẫn nghèo

“Lúa này tuy giá bán thấp hơn chỉ vài trăm đồng so với lúa hạt dài nhưng được cái là năng suất cao. Những lúc xuất khẩu được nhiều gạo thì thương lái đâu có phân biệt lúa thường với lúa dài” - ông Giàu giải thích.

Ông Giàu cho biết vụ đông xuân vừa qua khi thu hoạch giá lúa ở mức thấp lại khó bán. Nghe tin có đợt mua tạm trữ, thay vì bán lúa tại ruộng vợ chồng ông thuê xe chở về nhà chờ giá. Thế nhưng hết đợt tạm trữ giá lúa chẳng nhích thêm tí nào, đành phải bán với giá 5.200 đồng/kg để trả tiền mua thiếu vật tư và chuẩn bị xuống giống vụ hè thu. Vụ hè thu cũng không khá hơn khi chi phí tăng, năng suất giảm, giá lúa cũng thấp. “Trừ các chi phí thì với diện tích 17 công ruộng (1,7 ha), cộng hai vụ lúa năm nay gia đình tôi chỉ lời 25 triệu đồng, so với năm 2011 lợi nhuận giảm gần 20%” - ông Giàu nói. Theo ông Giàu, với các chi phí sản xuất ngày càng tăng thì thu nhập từ 1,7 ha ruộng chỉ tạm đủ đắp đổi, khó có thể đủ lo chi phí cho con cái học lên đại học.

Không có nhiều đất như ông Giàu, phần lớn nông dân trồng lúa có diện tích dưới 1ha nên cuộc sống bà con khá chật vật. Bà Võ Thị Tiếm (Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang) nói trước kia ngoài làm ruộng, vào mùa nước nổi người dân thường giăng lưới thả câu kiếm cá đem ra chợ bán, hoặc đan lưới bán cũng có thêm thu nhập. Gần đây nguồn cá cạn kiệt, chồng bà phải đi xa xin làm phụ hồ, còn bà đi bán trái cây dạo mới đủ nuôi con. “Ngày xưa trên ruộng dưới cá, còn nay chỉ có mỗi ruộng nên vất vả lắm” - bà Tiếm than thở.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết sau khi nghỉ hưu ông có làm 2ha ruộng nên biết rõ tình cảnh người nông dân ở nông thôn. Theo ông, nhu cầu cuộc sống hiện nay ngày một tăng, một hộ làm trên 3ha đất may ra mới có dư để tích lũy, còn canh tác diện tích ít hơn mức đó không thể khá lên nổi, nếu gặp chuyện ốm đau, tai nạn... dễ nghèo như chơi.

Giá trị thấp...

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến cuối tháng 10 VN vẫn tạm thời dẫn đầu về xuất khẩu gạo, đứng thứ hai và ba lần lượt là Ấn Độ và Thái Lan. Đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu được trên 7,6 triệu tấn gạo. Theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, nếu không có gì thay đổi, năm 2012 VN có thể xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo, vượt qua Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh sản lượng tăng hơn năm 2011, thị trường xuất khẩu khó khăn, việc xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua là một thành tích đáng ghi nhận của ngành lương thực.

TS Nguyễn Văn Sánh, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng khi được tiếng là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới sẽ tạo uy thế, lợi thế cho VN trên trường quốc tế, trên thị trường xuất khẩu. Từ đó có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, tiêu thụ, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo thêm công ăn việc làm, đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về ngành gạo lại cho rằng chỉ xét về lượng thì chưa nói được gì, bởi cái quan trọng là hiệu quả xuất khẩu và cuối cùng là đời sống của người trồng lúa.

Giá xuất khẩu gạo trung bình của VN trong mười tháng qua là 433,7 USD/tấn, thấp hơn khoảng 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với đó là giá lúa trong nước cũng giảm hơn nhiều so với năm 2011. Trong khi chi phí các loại đầu vào tăng, rõ ràng thu nhập của người trồng lúa giảm so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Minh Nhị, giá trị xuất khẩu gạo của VN thấp hơn năm 2011 và còn thua xa Thái Lan, Ấn Độ do giá bán thấp. Do đó, trở thành nước có lượng gạo xuất khẩu số 1 thế giới cũng không có ý nghĩa gì khi lâu nay đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo, thu nhập lại bấp bênh. “Cần tập trung đầu tư tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng thời làm tốt khâu thị trường để bán được giá cao, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa” - ông Nhị nói.

Theo VFA, giá gạo xuất khẩu giảm do tình hình xuất khẩu chung toàn cầu, không chỉ riêng VN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Bích - Viện Nghiên cứu thị trường (Bộ Công thương) - lại cho rằng bên cạnh nguyên nhân thị trường nói chung, giá gạo VN giảm mạnh và bất ổn trong năm 2012 còn vì những sai lầm về nhận định tình hình và điều hành xuất khẩu của VFA. “Họ đã nhận định sai tình hình nên đã neo giá gạo VN quá cao theo giá của Thái Lan từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 nhưng không biết rằng có một Ấn Độ với một nguồn hàng tồn kho cực lớn, giá rất cạnh tranh đang ở phía sau” - ông Bích cho biết.

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 9-2011 các nhà điều hành xuất khẩu gạo VN đã nâng giá gạo lên để bám sát giá Thái Lan. Đến tháng 10-2011 giá gạo VN đã bắt kịp Thái Lan, sau đó dù có giảm thì khoảng cách này chỉ ở mức trên 20 USD/tấn so với mức gần 40 USD/tấn trong tám tháng đầu năm 2011. Trong khi đó, khi quay trở lại xuất khẩu gạo vào cuối năm 2011, Ấn Độ để giá thấp hơn gạo VN tới gần 100 USD/tấn, có lúc lên 119 USD/tấn (tháng 11-2011). “Với mức giá trên thì không có gì khó hiểu khi khách hàng bỏ VN để đến với Ấn Độ và Pakistan” - ông Bích khẳng định.

rH3fTB42.jpgPhóng to
Xuất khẩu gạo của VN so với các nước tính đến ngày 23-9 (đơn vị tính: triệu tấn)

VN giữ ngôi vị số 1 được bao lâu?

Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, vị trí số 1 về xuất khẩu gạo năm 2012 của VN (nếu được) cũng sẽ không giữ được lâu. VN vượt qua Thái Lan vì chính sách mua lúa giá cao cho người dân nên các doanh nghiệp của họ không thể cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu còn lại. Tiềm năng xuất khẩu của Thái Lan trên 10 triệu tấn gạo/năm, một con số mà VN có thể sẽ không bao giờ đạt được. Một khi Thái Lan quyết định bung hàng thì VN sẽ sớm mất vị trí số 1, thậm chí ngay cả vị trí số 2 cũng khó giữ trước sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong thời gian qua.

(còn tiếp)

ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên