Tại sao những lĩnh vực quan trọng khác như kinh doanh điện, bảo hiểm, bất động sản thì Chính phủ đề xuất, Quốc hội xây dựng thành luật được mà xăng dầu, mặt hàng chiến lược, nhưng nhiều năm nay Chính phủ vẫn kiên trì điều chỉnh bằng văn bản dưới luật? Hiện nay, hành lang pháp lý cho kinh doanh xăng dầu là rất thiếu và yếu. Chúng tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thi hành để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng.
Hiện có 12 doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu nhưng tổng thị phần của Petrolimex, PV Oil và Sài Gòn Petro chiếm khoảng 90%, riêng Petrolimex đã chiếm trên 60%. Đây chính là nhóm DN thống lĩnh thị trường. Qua nhiều lần tăng giá cho thấy các DN đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Đây là điều bất thường! Có nhiều dấu hiệu: Nhóm DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm điều 9, điều 13 Luật cạnh tranh về cấm thỏa thuận ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh. Căn cứ Luật cạnh tranh và nghị định 116, đã có đủ điều kiện cần thiết để Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành một cuộc điều tra về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Nhưng do cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục Quản lý cạnh tranh đều là Bộ Công thương nên chưa từng có một cuộc điều tra nào được thực hiện!
Trong khi chưa có thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh mà DN lại được quyền điều chỉnh giá, nên đã đẩy Nhà nước và người dân vào thế phụ thuộc nhóm DN thống lĩnh thị trường. Đối với Nhà nước: Nhóm DN này thường xuyên gây sức ép đòi tăng giá. Đối với dân: giá nào DN đưa ra dân cũng phải mua. Nghịch lý xảy ra: đáng lẽ người tiêu dùng là đối tượng để các DN đầu mối chăm sóc, cạnh tranh, thì ngược lại đại lý bán lẻ trở thành đối tượng giành nhau giữa các DN. Nếu bắt tay nhau để thống nhất giá thì các DN và đại lý đều có lợi, họ chẳng dại gì cạnh tranh giảm giá cho dân để giảm lợi của chính mình. Vì vậy khi giá thế giới giảm, DN luôn trì hoãn giảm giá bán lẻ nhưng lại chạy đua tăng chiết khấu cho đại lý để lôi kéo họ. Đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại thẩm quyền điều chỉnh giá của DN trong điều kiện còn chưa giám sát tốt nhóm DN thống lĩnh thị trường để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Hiện nay, Bộ Công thương vừa là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN chiếm thị phần lớn, vừa quyết định hạn ngạch nhập, vừa tổ chức giám sát thị trường, quản lý cạnh tranh thì ngay từ trong quy định đã khó đảm bảo tính khách quan. Bộ Tài chính có nhiều thẩm quyền về thuế, phí, quỹ bình ổn, hải quan, vừa giám sát giá và nếu không công khai minh bạch dễ dẫn đến xin - cho. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà mỗi khi DN điều chỉnh giá, DN bị tố vi phạm thì Cục Quản lý giá, thứ trưởng Bộ Công thương lại phải đứng ra giải thích hộ DN như ở nước ta.
Trước những biểu hiện về độc quyền, mập mờ thông tin lỗ lãi, thiếu trách nhiệm giải trình, quản lý “vừa đá bóng vừa thổi còi”... cử tri đặt nhiều dấu hỏi về lợi ích nhóm, về tham nhũng trong kinh doanh, quản lý, điều hành về xăng dầu? Đề nghị bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan điều tra vào cuộc một cách khẩn trương để trả lời cho công luận và cũng để bảo vệ uy tín của những cán bộ trong sáng, những DN làm ăn chân chính. Và đề nghị Quốc hội xây dựng một cơ quan giám sát thị trường độc lập tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận