03/09/2012 08:20 GMT+7

Nỗi đau lũ quét

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Thật khó cầm lòng trước những hình ảnh về trận lũ quét được cộng tác viên Tuổi Trẻ gửi về từ xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai). Hình ảnh người sống khiêng chiếc quan tài người chết ngập trong bùn đất.

Hình ảnh ông Lý Văn Khuẩy ngồi ôm mặt khóc, quỳ gối vái trời đất trong sự vô vọng khi gia đình con trai ông có tới năm người bị chết và mất tích. Đau lòng hơn, trong số đó có những đứa chắt của ông Khuẩy chỉ mới vài tháng tuổi.

Lũ quét - một thiên tai không mới - đã được nghiên cứu, được nhận diện và được đưa ra các biện pháp phòng tránh từ nhiều năm nay nhưng lại vẫn luôn gây ra những hậu quả đau lòng.

Với PGS.TS Lã Thanh Hà, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và tài nguyên nước (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường), ông có nỗi đau của một nhà khoa học bởi nơi xảy ra lũ quét là khu vực đã được nhận diện và đưa vào bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cho các tỉnh miền núi Bắc bộ. Đây là sản phẩm của dự án “Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi VN. Giai đoạn 1 - miền núi Bắc bộ” do ông Hà làm chủ nhiệm. Bản đồ phân vùng ấy chi tiết đến tận cấp xã và đã được chuyển giao, tập huấn cho các địa phương, trong đó có Lào Cai từ cuối năm ngoái.

Nỗi đau ở Nậm Lúc khiến không ít người đặt ra câu hỏi rằng các cơ quan chức năng đã làm gì để phòng tránh lũ quét?

Thực tế, có rất nhiều đề tài nghiên cứu về lũ quét và nhiều biện pháp phòng tránh được đúc kết như xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phù hợp để kịp thời cứu hộ và chỉ đạo phòng tránh lũ quét, xây dựng mạng lưới đo đạc thời tiết hợp lý để dự báo mưa trong lưu vực xảy ra lũ quét, xây dựng các công trình trong khu vực phải tính đến sự phát sinh và phát triển lũ quét... Thậm chí có hẳn những cuốn cẩm nang như Lũ quét, nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh được Nhà xuất bản Nông Nghiệp ấn hành từ năm 2000.

Vậy mà mỗi lần xảy ra lũ quét lại là một lần tang thương!

Có hay không sự chủ quan với lũ quét?

Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét là cơ sở giúp chính quyền các địa phương căn cứ vào đó để đưa ra biện pháp phòng tránh dựa trên điều kiện của địa phương. Lý tưởng nhất là di dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn hơn. Song với tập quán sinh sống của người dân nhiều tỉnh miền núi thường sống dưới chân núi, ven các con suối... thì không phải địa phương nào cũng dễ dàng thuyết phục được người dân di dời sang nơi ở mới.

Nhưng đấy không là cái cớ để chính quyền có thể vin vào nếu xảy ra thảm họa do lũ quét. Những địa phương trong vùng có nguy cơ lũ quét cần có một chiến lược cụ thể để đối phó. Chẳng hạn, với việc đầu tư lắp đặt thiết bị đo mưa phục vụ cảnh báo lũ quét, các số liệu của từng trận mưa sẽ là dữ liệu quan trọng để cơ quan chức năng phân tích, tính toán nguy cơ xảy ra lũ quét, tham mưu cho chính quyền lập phương án kịp thời sơ tán dân trước khi lũ quét qua.

Vậy nhưng thiết bị ấy hiện mới chỉ được lắp đặt rất hạn chế tại một số ít địa phương. Giá thành mỗi thiết bị chỉ trên 100 triệu đồng. Đó có thể là số tiền lớn nếu đầu tư lắp đặt tại tất cả khu vực có nguy cơ lũ quét trên cả nước, nhưng lại rất nhỏ và hiệu quả nếu có kế hoạch đầu tư cụ thể, trước mắt cho một số khu vực được cảnh báo lũ quét có thể tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người dân.

Rõ ràng, bên cạnh sự đầu tư thích đáng thì chính quyền cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra. Không thể để tính mạng người dân cứ bị cuốn trôi theo lũ một cách thảm thương chỉ vì sự chủ quan.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên