14/06/2012 08:08 GMT+7

Chính trị làm ơn tránh xa bóng đá

 TRUNG NGHĨA (từ Ba Lan)
 TRUNG NGHĨA (từ Ba Lan)

TT - Sáng 13-6, báo chí Ba Lan đăng tràn ngập hình ảnh về vụ ẩu đả giữa cổ động viên Ba Lan và Nga trước trận hai đội này gặp nhau ở Warsaw.

Các cuộc đấm đá giữa thanh niên hai bên diễn ra trên đường phố, trên cầu Poniatowski bắc ngang dòng sông Vistula và cả trước cổng sân vận động quốc gia. Tỉ số bóng đá chỉ hòa 1-1, nhưng “tỉ số” trên đường phố thật đáng buồn: 10 cảnh sát bị thương, 184 cổ động viên quá khích của cả hai phía bị bắt giữ.

Anh Quốc Quân, một Việt kiều mê bóng đá ở Warsaw, nói: “May mà hòa, nếu một trong hai bên thắng thì không biết kết cục trên đường phố bình yên ở Warsaw sẽ như thế nào”.

Thế giới chứng kiến qua hình ảnh lẫn các đoạn phim cho thấy những cảnh bạo lực đáng xấu hổ, đặc biệt là diễn ra tại một giải đấu được nhiều người quan tâm không chỉ khía cạnh thể thao mà còn nhiều nét đẹp khác về văn hóa, tinh thần thượng võ, thắt chặt tình thân hữu giữa cổ động viên các quốc gia. UEFA cũng đề cao tinh thần tôn trọng: tôn trọng quốc gia mình, đội tuyển mình, đối thủ của mình và tôn trọng chính mình.

Nhưng tại Euro 2012 đã có nhiều sự kiện làm hoen ố sự trong sáng của bóng đá, đặc biệt là những mâu thuẫn về chính trị. Trước trận Ba Lan - Nga, thay vì đào sâu về chuyên môn trận đấu, một bộ phận truyền thông lại đi tập trung vào việc kích động thái quá về tư tưởng “bài Nga” của nhiều người Ba Lan. Những dữ kiện lịch sử lâu đời được nhắc lại, những mâu thuẫn có từ nhiều thế hệ được khơi lên. Những bài báo đó, những bản tin phát qua sóng bán dẫn đó đã vô tình xới lại kích động hận thù dân tộc.

Có thể truyền thông mượn bóng đá để nói chuyện dân tộc, và cũng có thể những trang tin “lá cải” muốn làm nóng, hấp dẫn trước trận đấu... Nhưng điều đó đã trái với tinh thần câu khẩu hiệu “Cùng nhau làm nên lịch sử” của Euro 2012. Bóng đá có thể là dịp để thể hiện tự hào dân tộc nhưng không thể bằng kích động, bạo lực và chủ nghĩa cực đoan.

Hôm qua 13-6, khi chia sẻ những thông tin buồn về tình trạng bạo lực vừa diễn ra tại Ba Lan với chúng tôi, cô Katarzyna Raiter, nhân viên trung tâm báo chí thành phố Poznan, cho rằng: “Đại đa số các cổ động viên bóng đá đều thân thiện, cổ vũ bóng đá bằng tình yêu thể thao và lòng yêu nước đích thực. Chỉ có một bộ phận nhỏ bị kích động vì những động cơ khác nhau. Dù gì đi nữa, điều này là rất không nên xảy ra tại giải đấu cao đẹp như Euro”.

Cũng hôm qua, Hanna Gronkiewicz-Waltz, thị trưởng Warsaw, đã phát biểu: “Tôi hi vọng hành vi của một số ít côn đồ sẽ không bao giờ xảy ra nữa ở Warsaw. Họ sẽ bị trừng phạt đích đáng”. Còn phía Nga, chủ tịch LĐBĐ nước này, ông Sergey Fursenko, bày tỏ sự thất vọng: “Tôi cho rằng trận đấu chỉ nên diễn ra trong khuôn khổ bóng đá. Đừng để chính trị xen vào bóng đá”.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi chợt nhớ đến một hình ảnh thật đẹp xuất hiện mấy ngày qua: trước trận đấu Tây Ban Nha - Ý, một CĐV vẽ mặt màu vàng - đỏ đặc trưng của xứ sở đấu bò và một CĐV vẽ mặt màu xanh tiêu biểu cho Ý đã ôm nhau thắm thiết. Đó mới là cái đích cao nhất mà bóng đá cần vươn tới. Còn chính trị, làm ơn tránh xa, đừng bôi bẩn bóng đá.

 TRUNG NGHĨA (từ Ba Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên