26/04/2012 07:33 GMT+7

Sức dân có hạn thôi, thưa bộ trưởng!

NGUYỄN VỸ DU
NGUYỄN VỸ DU

TT - Ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa nhậm chức được một thời gian ngắn đã nhìn thấy ngay số tiền hàng ngàn tỉ đồng mà người dân có thể đóng góp vào quỹ bảo trì đường bộ.

Sau đó ông còn nhìn thấy một số tiền lớn khác có thể thu được qua phí hạn chế xe cá nhân, phí hạn chế xe vào khu trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Tại buổi giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 24-4, ông bộ trưởng còn cho biết mình thấy thêm một khoản tiền kha khá nữa: ông đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông lên gấp nhiều lần để hạn chế việc vi phạm giao thông - lý do mà ông cho rằng đã làm 99% người dân chết vì tai nạn giao thông hằng năm.

Cụ thể, ông đề nghị tăng mức phạt tối đa lên gấp 4 lần (200 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng trước đó) và nâng thẩm quyền phạt của thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông cũng gấp hơn 4 lần (từ 200.000-500.000 đồng lên 2 triệu đồng).

Theo diễn tiến của sự việc xảy ra thời gian qua thì lý lẽ của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được dân hiểu như sau: nếu như muốn đi đường tốt cũng như không muốn kẹt xe thì dân phải đóng tiền, không kể những khoản tiền thuế các loại mà dân đã đóng góp để xây dựng quốc gia. Cũng như vậy là tai nạn giao thông làm chết 10.000-12.000 người dân mỗi năm cũng bị ông bộ trưởng quy cho lỗi của dân và bắt dân đóng thêm tiền phạt.

Cách nhìn của ông bộ trưởng khiến người ta thấy Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý việc đi lại của cả quốc gia, không chịu một chút trách nhiệm nào trong việc để đường sá thiếu thốn và xuống cấp; trong việc quản lý, phân luồng giao thông và phòng chống yếu kém tai nạn giao thông đường bộ...

Trong khi người dân ngày càng “viêm màng túi” của mình vì những vấn đề về giao thông thì hệ thống cán bộ làm việc liên quan đến giao thông lại được hưởng lợi.

Chính bà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh - người công khai ủng hộ việc lạm thu trong lĩnh vực giao thông với câu nói ấn tượng: ”Nếu không lạm thu, không giải được bài toán vi phạm giao thông” (VNExpress 24-4-2012) - đã cho biết tổng số tiền phạt vi phạm giao thông khá lớn trong năm 2011 (2.540 tỉ đồng) đã được kho bạc phân phối lại cho “các bộ phận liên quan” là cảnh sát giao thông (70%), thanh tra giao thông (10%), ban an toàn giao thông các cấp (10%)...

Như vậy, nếu số tiền phạt càng lớn thì số tiền chảy vào “các bộ phận liên quan” càng lớn, thay vì chúng được sử dụng để bảo trì hay nâng cấp hệ thống đường bộ của quốc gia cho người dân được nhờ. Ngoài tiền lương, tiền dưỡng liêm, nay người dân lại biết thêm có thứ tiền bồi dưỡng cho công vụ từ lỗi vi phạm của người dân. Như vậy, các công bộc phụ trách giao thông của chúng ta quả là sung sướng trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn, người dân còn nghèo nhưng phải bóp bụng đóng phí.

Rõ ràng, trăm dâu đổ đầu tằm. Người dân chịu nhiều thiệt thòi quá. Thế cho nên, dễ hiểu là tại sao ngay trong buổi họp giải trình của Bộ Giao thông vận tải, thay vì yêu cầu ông bộ trưởng điều trần đến nơi đến chốn, các đại biểu Quốc hội của chúng ta chỉ biết gợi lòng thương xót từ ông bộ trưởng, hi vọng ông “làm sao để đỡ thu tiền dân”. Đau nhất là lời than của người chủ trì cuộc họp giải trình - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: ”Sao cứ nhằm vào thu phí của dân. Dân khổ lắm rồi”.

Vâng, dân khổ thiệt mà, thưa bộ trưởng!

NGUYỄN VỸ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên