07/03/2012 08:25 GMT+7

Lại chiêu trò "găm hàng, bán nhỏ giọt"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Cứ mỗi dịp giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước giữ nguyên, ngoài điệp khúc kêu lỗ, nhiều cây xăng thuộc các hệ thống bán lẻ đồng loạt lấy cớ đóng cửa, tạo sức ép buộc các cơ quan nhà nước phải điều chỉnh giá xăng dầu.

Một số cây xăng ở Huế xin tạm nghỉ bánKhông để tái diễn bán xăng dầu nhỏ giọtĐà Nẵng: nhiều cây xăng tạm ngưng bán

tOjPiuHT.jpgPhóng to

Cây xăng của Công ty Nhật Khánh - Đà Nẵng với 12 cột bơm xăng dầu thông báo ngưng bán để sửa chữa - Ảnh: Trường Trung

Doanh nghiệp không thể chịu lỗ mãi, nhưng chỉ vì thế mà bỏ qua quy định về an ninh năng lượng, tạo áp lực lên Nhà nước, đe dọa người tiêu dùng... là không thể chấp nhận.

Đó là chưa kể cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhiều thời điểm đã được các doanh nghiệp đầu mối ưu tiên tăng chiết khấu lên mức rất cao, tới trên 1.000 đồng/lít, trước khi giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Quang Tú - giám đốc văn phòng tư vấn phản biện xã hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, các công ty bán lẻ sở hữu các cây xăng đòi dừng bán hàng vì chiết khấu thấp là khó chấp nhận bởi về nguyên tắc, các cây xăng cũng như doanh nghiệp phải hạch toán theo năm. Một số thời điểm lỗ, nhưng những thời điểm khác lãi, tổng hòa cả năm thường các cây xăng vẫn lãi. Vì vậy, khi vừa lỗ đã dừng bán ngay cần được xử lý thật nghiêm.

Thậm chí, theo ông Tú, cần xem xét cả hành vi găm hàng để đầu cơ bởi hành động dừng bán hàng thực chất là tạo sức ép buộc các cơ quan nhà nước cho tăng giá, sau đó bán hàng cũ ra hưởng lợi. Đặc biệt, cũng cần xem liệu có ai xúi giục các cửa hàng bán lẻ dừng bán không. Lý do ai cũng biết, nếu các cơ quan nhà nước lo ngại đứt nguồn cung, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, lợi ích các cây xăng thu được không đáng bao nhiêu so với các doanh nghiệp lớn khác.

Năm 2011, tình trạng găm xăng dầu không bán nghiêm trọng đến mức sản xuất một số nơi ngưng trệ, người dân phải đi hàng chục kilômet mới mua nổi xăng dầu. Cuối cùng, liên bộ Tài chính - Công thương đã phải điều chỉnh tăng giá. Sau đó, lãnh đạo Bộ Công thương công nhận có một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong thời điểm khó khăn đã không nhập xăng dầu về theo đúng định mức dự trữ lưu thông.

Năm nay, Bộ Công thương cũng công nhận nhập khẩu xăng dầu về VN đã giảm tới trên 31%. Ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, giải thích đó là do nhu cầu của thị trường giảm. Đây có thể là sự thật. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đặt câu hỏi liệu nhu cầu thị trường có giảm mạnh đến thế? Liệu đã có doanh nghiệp cố tình vi phạm?

Để bảo vệ thị trường, Bộ Công thương nên công bố ngay biện pháp xử lý những cây xăng vi phạm, những doanh nghiệp có dấu hiệu không đảm bảo dự trữ lưu thông. Và đã đến lúc Bộ Công thương nên công bố những biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp đã không nhập hàng về đúng theo quy định dự trữ lưu thông năm 2011 - điều mà một thứ trưởng Bộ Công thương từng khẳng định “rất muốn xử lý”.

Điều hành giá xăng dầu đã được định hướng theo thị trường. Tuy nhiên, khi giá chưa được điều chỉnh, trước mắt cần ngăn chặn những hành vi đe dọa an ninh năng lượng, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng bằng các biện pháp mạnh. Các cơ quan hữu quan cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tránh chỉ đi xử phạt các cửa hàng bán lẻ, với mức phạt theo quy định hiện nay không đáng kể.

Quy định hiện hành yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về hệ thống đại lý, cửa hàng của mình. Vì vậy, cần áp dụng cả những chế tài nghiêm khắc với những doanh nghiệp để xảy ra tình trạng găm hàng, bán xăng dầu nhỏ giọt... trong hệ thống của mình. Nếu chỉ xử lý những cửa hàng nhỏ lẻ thì tình hình găm hàng, bán xăng dầu nhỏ giọt dễ... đâu lại hoàn đấy, đến hẹn lại lên.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên