04/03/2012 07:05 GMT+7

Cưới khủng lo khiếp

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Sau này chưa biết thế nào, chứ hiện tại thì đám cưới Hoàng - Loan vừa diễn ra ngày 29-2 trên đất Hương Sơn nhà choa là nhất “khủng” rồi.

So với nó thì các đám khác vẫn được coi là “khủng” như đám của hoa hậu biển Vũ Ngọc Diệp ở Hà Nội (14-10-2008), đám của đại gia V. tại Thái Nguyên (6-12-2011), đám của “hot girl” Quỳnh Chi tại Cần Thơ và TP.HCM (19-2-2012) chưa là cái đinh gì nhé. Đố ai bảo quê nghèo thì không biết/không dám/không có chơi sang, chơi trội.

Lối sống vật chất có lên ngôi?Đám cưới “khủng” ở Hà TĩnhBớt đi cái “siêu”

- Chơi trội là thế nào? Công thức của đám cưới “khủng” là thế này nhé: dàn siêu xe diễu hành rước dâu + dàn người mẫu, ca sĩ “ngôi sao” + dàn tiệc tùng thịnh soạn, linh đình = tiền nhiều tỉ. Ừ, thì tiền của bố mẹ làm được cho con cái, nhất là cái việc trăm năm đời người thì chi mạnh tay, chi tốn kém có sao đâu.

Ừ, thì tiền mình làm ra được, mình lo cho hạnh phúc của mình trong ngày trọng đại cuộc đời là đáng quá, đúng quá còn gì. Ừ, thì đám cưới xa hoa cho người ta ngó ra trông vào có cái mà nói chuyện, bình luận, bàn tán, mà ao ước, thèm thuồng, mà ghen tức, phẫn chí, mà đưa tin bán báo... cũng là vui chứ sao.

Dân choa quanh năm ở quê tối tắt mặt trời đi ngủ sớm chẳng có cái chi khác lạ làm trò, nay một đám cưới hoành tráng, đình đám ngay giữa quê mình như một cuộc biểu diễn tạp kỹ, được xem không mất tiền, chẳng cũng vui thêm được một vài trống canh sao.

- Rứa là có vẻ đám cưới được khoác màu sắc “văn hóa” à? Tiền tỉ, nhiều tỉ, chi ra không cốt để phô trương, khoe khoang cái sự giàu có, mà để trả ơn tình làng nghĩa xóm, để góp phần khuấy động không khí tĩnh lặng êm đềm chốn thôn quê. Thế còn những đám cưới mà thiệp mời được ghi rõ chức vụ của gia chủ thì chắc để chứng tỏ mình đàng hoàng, trịnh trọng, chính danh, cho người đi dự cưới biết cũng phải đứng đắn, nghiêm túc.

Vậy là đám cưới hiện nay không đơn thuần chỉ là nơi bỏ phong bì vào ăn, mà còn có sứ mệnh “giáo hóa” nữa nhé. Ôi là ôi! Cưới khủng thế thì lo khiếp cho văn hóa mất thôi! Càng lo hơn nữa cho đám trẻ.

- Kêu mà làm gì. Người ta có tiền thì mặc người ta tiêu tiền. Nhưng cách tiêu thế nào mới là cái làm nên văn hóa của người có tiền, mới chứng tỏ đẳng cấp văn hóa của người biết sử dụng đồng tiền. Cái này thì không dễ mà có được ngay. Nghèo chưa chắc đã hèn, giàu chưa hẳn đã sang là vậy.

Tiền đám cưới thu về có làm từ thiện hay không là tùy lòng người ta, không thể bắt buộc họ được, và nếu họ có từ thiện thật thì cũng không nói lên điều gì. Việc từ thiện của người giàu quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất, có khi lại chưa phải là đưa cho đồng tiền, mà là ở cái cách bày tỏ thái độ, tình cảm, ứng xử trong mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc làm, lời nói sao cho để người gặp phận khó, không may mắn, không thành đạt như mình thấy được sẻ chia và đồng cảm, thấy được gần gũi và khích lệ.

Tiền thì ra đi, tình thì ở lại. Một đám cưới tiêu tốn hàng chục tỉ đồng đặt giữa một vùng quê nghèo mới gần đây bị lũ lụt tàn phá nặng nề ngẫm ra vẫn có cái gì đó chua chát, đắng lòng.

- Cặp vợ chồng Hoàng - Loan bốn năm nữa mới có dịp kỷ niệm đúng ngày cưới của mình (29-2). Hiện giờ dân choa còn bàn tán về đám cưới của họ chút chút nữa rồi thì lại lo vật lộn mưu sinh. Thôi thì chúc cho đôi trẻ hạnh phúc và mong rằng họ hiểu được là hạnh phúc không chỉ riêng mình, hạnh phúc không chỉ ở tiền bạc, hạnh phúc không ở sự phô trương hào nhoáng bên ngoài, mà hạnh phúc là tình yêu thương và lòng quan tâm đến nhau giữa hai người và giữa những con người với nhau.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên