Nhà nước phải quyết định giá điệnĐừng mơ chuyện giảm giáSẽ tăng giá điệnNgành điện nhất quyết phải mở cửa
Sau khi báo chí liên tục phản ánh về tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi thời gian qua, hàng loạt nguyên nhân đã được ngành điện đưa ra, song có lẽ vẫn không thấy épphê nên tuần qua, vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã thẳng thừng tuyên bố “thiếu điện là hậu quả của giá điện thấp”. Còn một phó tổng giám đốc EVN thì cảnh báo “tình hình cấp điện mùa khô 2011 và cả những năm sau sẽ khó khăn”.
Thế nên, người dân không mấy bất ngờ với thông tin về một dự thảo quyết định giá điện theo cơ chế thị trường đang được xây dựng, trong đó có quy định giá điện bán buôn sẽ tăng, giảm theo quý dựa trên biến động của yếu tố đầu vào - một “ý tưởng” mà TS Ngô Tuấn Kiệt, viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, cho rằng thực chất là “để kéo theo tăng giá bán lẻ”.
Mỗi khi thiếu điện, người dân bức xúc, chỉ thấy nhiều lý do, lời giải thích luẩn quẩn được đưa ra để rồi đề nghị tăng giá điện mà không thấy những giải pháp hay những cam kết giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Nhiều chuyên gia đã khẳng định về lâu dài, để thu hút vốn đầu tư phát triển nguồn điện thì phải có lộ trình tăng giá điện cụ thể để nhà đầu tư yên tâm. Còn hiện tại, nói thiếu điện do thiếu vốn phát triển nguồn điện nên phải tăng giá điện có vẻ không lọt tai. Ai cũng thấy thực tế có hàng loạt dự án nhà máy điện đang xây dựng bị chậm tiến độ mà không rõ chủ đầu tư đã có biện pháp gì để nhà máy sớm đi vào hoạt động.
Phân tích về giá điện hiện tại, TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng, khẳng định tỉ lệ hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh điện mỗi tháng hiện nay không cao. Điều đó đồng nghĩa với việc không nhiều hộ gia đình được hưởng mức giá điện thấp nhất là 600 đồng/kWh trong biểu giá điện bậc thang.
Theo vị chuyên gia này, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng trên 50kWh điện mỗi tháng rất cao mà giá điện cho kWh từ thứ 51-100 là 1.004 đồng/kWh; từ 101-150 là 1.214 đồng/kWh... nên giá điện trung bình EVN đang thu của mỗi hộ gia đình không thể là 5,2 cent/kWh (khoảng 1.100 đồng) như EVN công bố mà chắc chắn sẽ cao hơn. Từ hóa đơn thu tiền điện hằng tháng của gia đình mình, ông Hiến tính được trung bình một hộ gia đình trung lưu mỗi tháng đang phải mua điện với giá 7,5 cent/kWh.
Chi li như vậy không phải để “đôi co” với EVN mà để thấy rằng đề xuất tăng giá điện, như các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị, cần phải tính toán một cách khoa học, minh bạch. Vì thế, một cuộc kiểm toán đầy đủ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN, trong đó có việc xác định xem thực chất giá điện EVN đang bán cho các hộ gia đình hằng tháng là bao nhiêu là điều cần thực hiện.
Khi chưa có những thông tin khoa học, minh bạch đó, vòng luẩn quẩn về thiếu điện do thời tiết, thiếu điện do thiếu vốn, thiếu điện do nhà máy thép, thiếu điện do giá điện thấp sẽ còn tiếp tục quay trở lại và người dân sẽ còn phải thấy những đề xuất tăng giá điện mà không rõ tính khoa học, sự hợp lý ở đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận