12/04/2005 00:37 GMT+7

"Con đường thứ ba" của nước Pháp

VÕ VĂN SUNG
VÕ VĂN SUNG

TT - Sau khi được “đường dây” thông báo về thời điểm, tôi trở về Paris với hai chặng dừng chân ở Prague và Zurich, vì ngày 14-4-1975 không còn chỗ trên chuyến bay thẳng Matxcơva - Paris và máy bay lên xuống sáu lần, nhưng tôi không thấy chút gì mệt mỏi mà đã có một tâm trạng mà từ bé cho đến lúc đó chưa bao giờ tôi có: có cái gì đó như tôi sắp nhận được một thứ mà mình mơ ước từ lâu và không có gì sánh được.

H6tZdH99.jpgPhóng to

Ông M.Schumann - bộ trưởng ngoại giao Pháp, chính khách theo đường lối của tướng De Gaulle

TT - Sau khi được “đường dây” thông báo về thời điểm, tôi trở về Paris với hai chặng dừng chân ở Prague và Zurich, vì ngày 14-4-1975 không còn chỗ trên chuyến bay thẳng Matxcơva - Paris và máy bay lên xuống sáu lần, nhưng tôi không thấy chút gì mệt mỏi mà đã có một tâm trạng mà từ bé cho đến lúc đó chưa bao giờ tôi có: có cái gì đó như tôi sắp nhận được một thứ mà mình mơ ước từ lâu và không có gì sánh được.

Đợi đến giờ G

Tôi cứ miên man nhớ lại những lời anh Sáu Thọ nói với tôi đầu tháng 12-1974, câu nói đặc biệt xúc động của anh Lê Thanh Nghị và hình ảnh chiến trường miền Nam với các địa danh mà tôi khá thông thạo ở Tây nguyên, ở Trị-Thiên, Đà Nẵng, ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ.

Tôi về đến Paris vào khoảng 11g đêm, nhưng vẫn gọi điện thoại triệu tập cuộc họp ban cán sự Đảng vào ngày hôm sau. Cả đêm tôi miên man suy nghĩ và tính đến mức độ những gì tôi cần phải thông báo cho hai thành viên khác của ban cán sự là anh Phạm Văn Ba và Nguyễn Tuấn Liêu, đồng thời ban cán sự cần bàn mức độ phải thông báo cho ba cán bộ chủ chốt của nhóm lãnh đạo phong trào Việt kiều là các anh bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - bí thư nhóm, Huỳnh Trung Đồng - phó bí thư và Lâm Bá Châu - ủy viên thường vụ.

Ngày 15-4-1975, khi họp ban cán sự tôi đã nói quan điểm của tôi là anh em ta phải thông suốt việc hoàn toàn giải phóng miền Nam bằng quân sự, và những vấn đề sách lược đã có sẽ phải vận dụng cho phù hợp với tình hình từng ngày sắp tới...

Quyền lợi của nước Pháp

Ngoài Mỹ ra, Pháp là nước có lợi ích ở miền Nam VN nhiều nhất so với các nước khác; lợi ích này bao gồm nhiều mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Về kinh tế, còn nhiều cơ sở công nghiệp và dịch vụ tại các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn và vùng phụ cận, đang còn dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn; lợi ích kinh tế ở các vùng do ta kiểm soát chủ yếu là các đồn điền cao su ở Nam bộ và các loại đồn điền khác ở Tây nguyên.

Lợi ích văn hóa gồm nhiều cơ sở trường học và một số viện nghiên cứu chủ yếu cũng ở các vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Về lợi ích chính trị, họ còn một số khá đông Pháp kiều ở trong các vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, Pháp quan tâm đến ảnh hưởng của họ trong tầng lớp trí thức và một số người thuộc các tổ chức đứng về lực lượng thứ ba.

Do đó ta cũng hiểu rằng Pháp không thể đơn giản rút lui theo kiểu các nước phương Tây khác; như Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ đều lần lượt rút các đại sứ quán của họ ở Sài Gòn từ ngày 24-4-1975.

Thái độ của Pháp dễ hiểu vì từ khi lực lượng quân Thiệu chạy hết khỏi Trung bộ và cánh cửa Xuân Lộc bị mở toang thì họ cũng thừa biết là số phận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu coi như đã kết thúc. Họ cũng thừa biết rằng so sánh lực lượng về quân sự trước khi ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 26-4-1975 là phía ta thì sung sức cả về vật chất và tinh thần, phía Thiệu thì tan rã về vật chất và rệu rã về tinh thần, cho nên việc quân ta vào Sài Gòn coi như là chắc chắn.

Tuy vậy do lợi ích quá nhiều của mình, Pháp hi vọng với sức ép nhiều mặt, Thiệu phải ra đi và nhường chỗ cho một chính quyền mới dưới sự cầm đầu của một nhân vật không thuộc phe Thiệu, đáp ứng các đòi hỏi của phía ta thì còn có một hi vọng nhỏ là đàm phán với Chính phủ cách mạng lâm thời theo các nội dung giải quyết các vấn đề nội bộ miền Nam Việt Nam của Hiệp định Paris, tiến đến có sự thu xếp với Việt Nam dân chủ cộng hòa để có “một con đường thứ ba” nào đó.

Chính sự ngoan cố của Thiệu đã làm cho “hi vọng” của Pháp ngày càng teo lại như một miếng da lừa, tuy họ vẫn ra sức vớt vát. Ngay trong nội bộ phía Pháp cũng khác ý kiến nhau cả ở Paris và trong Đại sứ quán Pháp ở Sài Gòn. Sau này tôi được thông tin là đại sứ Pháp ở Sài Gòn, ông Merillon và ông tham tán đại sứ quán lúc bấy giờ là Hennekine cũng có khác nhau.

Đại sứ Merillon ra sức hoạt động cho một sự thu xếp ngừng bắn, còn tham tán Hennekine thì chủ trương nên tính đến làm ăn với Chính phủ cách mạng lâm thời. Ở Paris tôi được một số thông tin rằng trong Bộ Ngoại giao Pháp và các cố vấn ở phủ tổng thống cũng có hai xu hướng như trên.

Tuy có nhiều lợi ích nhưng Pháp cũng biết rằng nếu không có “con đường thứ ba” thì phải dàn xếp với phía cách mạng thôi. Mặt khác là Pháp cũng có chút lo ngại là nếu quân ta giải phóng Sài Gòn mà có sự kháng cự nào đó theo lối “tử thủ” mà Thiệu kêu gào, thì tuy quân ta nhất định đè bẹp quân Thiệu nhưng Sài Gòn sẽ bị nhiều tàn phá, các lợi ích của Pháp có thể bị phá hủy, đồng thời có thể đẻ ra vấn đề “con người” rất lớn là tị nạn hoặc trả thù...

Sống theo giờ “chiến dịch”

Từ ngày 21-4-1975 bộ trưởng ngoại giao Pháp lúc bấy giờ là ông J. Sauvagnargues liên tiếp mời đại sứ VN Dân chủ cộng hòa và trưởng phái đoàn thường trực Chính phủ cách mạng lâm thời đến Bộ Ngoại giao để hỏi và thúc “giải pháp chính trị” mỗi khi họ có một tín hiệu gì mới, vì cho đến 28-4 phía Pháp vẫn “hi vọng một giải pháp chính trị là còn có thể”.

Sau khi Thiệu từ chức ngày 21-4 và Trần Văn Hương lên thay, thì trưa 22-4 ngoại trưởng Pháp lại mời tôi và anh Phạm Văn Ba lên Bộ Ngoại giao; anh Ba được mời đến trước tôi 30 phút. Ban cán sự chúng tôi có trao đổi và nhất trí là Trần Văn Hương cũng là tay chân của Thiệu, do đó ta cứ bác bỏ mọi sự “dàn xếp”.

Khi chúng tôi ra cửa Bộ Ngoại giao Pháp thấy có khá đông phóng viên báo viết, đài và vô tuyến truyền hình chờ sẵn. Câu hỏi của các nhà báo là: Thiệu đã ra đi, Hương thay Thiệu, như vậy là đòi hỏi của ta đã được đáp ứng? Anh Phạm Văn Ba trả lời: “Trần Văn Hương không phải là Nguyễn Văn Thiệu nhưng cũng là anh em của Thiệu”.

Đến lượt tôi, tôi chỉ nói một câu rất gọn được các đài, các báo và vô tuyến truyền hình nhắc lại: “Huong et Thiêu c’est bonnet blanc et blanc bonnet” (Hương và Thiệu là cùng một duộc). Sau đó, ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Sauvagnargues được nhà báo hỏi thì trả lời: “Pháp cho rằng giải pháp chính trị là rất khó, nhưng cũng có thể vì Thiệu ra đi là coi như một điều kiện tiên quyết của Chính phủ cách mạng lâm thời đã được đáp ứng”.

Sau khi gặp ngoại trưởng Pháp ra về, chúng tôi rất mong chờ tin tức trong nước về thái độ chính thức của ta đối với việc Hương thay Thiệu, và không lâu sau đó chúng tôi được tin qua Đài Tiếng nói VN là Chính phủ cách mạng lâm thời bác bỏ đề nghị ngừng bắn và đàm phán không điều kiện của Hương, và Chính phủ cách mạng lâm thời cho rằng Hương chỉ là con rối của Mỹ để hòng duy trì bè lũ Thiệu không có Thiệu mà thôi.

Tiếp đó chúng tôi được tin Mỹ bắt đầu di tản người Mỹ từ 21-4 và Tổng thống Ford tuyên bố tại Trường đại học New Orleans là: “Chiến tranh đã kết thúc đối với Mỹ”. Ban cán sự chúng tôi rất mừng vì đã có các bước đi khớp với trong nước cả về ý đồ chiến lược và vận dụng sách lược.

Về sau chúng tôi được biết thêm là đúng ngày 22-4, Tổng bí thư Đảng Lao động VN Lê Duẩn đã thay mặt Bộ Chính trị phát lệnh mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Đúng 17g ngày 26-4, chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng qui mô lớn kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh bắt đầu.

Ngày 28-4, liền sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đề nghị “anh em ở bên kia trận tuyến” ngừng bắn để dàn xếp thì trưa 28-4 Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Sauvagnargues lại mời tôi và anh Phạm Văn Ba lên gặp. Chúng tôi lúc đó chưa nhận được chỉ thị hay thông báo gì của trong nước và cũng không có thì giờ để thỉnh thị. Trao đổi trong ban cán sự, tôi nói ta có tuyên bố ngày 26-4 của Chính phủ cách mạng lâm thời, do đó cứ dựa vào tuyên bố đó mà nói...

Trong đêm 28-4 chúng tôi được tin ông Dương Văn Minh đã yêu cầu Hoa Kỳ đóng cửa sứ quán Mỹ và cho tất cả nhân viên phòng tùy viên quân sự về nước và đại sứ Martin đã đồng ý. Tiếp theo có tin ông Vũ Văn Mẫu, “thủ tướng”, tuyên bố sẽ thi hành đầy đủ Hiệp định Paris, đặc biệt là điều 1, điều 4 và điều 9, sẽ tổ chức lại bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương theo tinh thần thật sự dân chủ.

Trong suốt ngày 29-4 các báo đài phương Tây đều đưa tin Chính phủ cách mạng lâm thời đã “không để ý gì đến đề nghị của ông Dương Văn Minh”. Tiếp theo những tin tức trên các báo và đài đều tập trung đưa tin chiến sự, đưa tin về sự tan rã của quân ngụy và việc di tản của Mỹ và những người được Mỹ đưa đi. Không có báo chí và dư luận nào đề cập vấn đề đàm phán và ngừng bắn nữa.

Đến 4g sáng 30-4 giờ Paris, các đài đều đưa tin xe tăng quân giải phóng vào dinh Độc Lập và ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, và khác với những ngày trước, Bộ Ngoại giao Pháp không hỏi gì Đại sứ quán VN Dân chủ cộng hòa và phái đoàn thường trực Chính phủ cách mạng lâm thời.

Ngày 30-4 đang đến với VN. Cùng nhịp theo bước chân của đoàn quân giải phóng, từ ngàn dặm xa, một cuộc biểu tình chưa từng có đã diễn ra ở Paris.

Bắt đầu từ lễ tang một người cộng sản Pháp...

------------

* Kỳ sau: "Chúng tôi đúng khi ủng hộ các bạn!"

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Sự cố ngoại giao và sự hiểu lầm của một ngoại trưởng- Kỳ 2: Hai đại diện ngoại giao của chính quyền Sài Gòn- Kỳ 1: Phối hợp với chiến trường

VÕ VĂN SUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên