18/02/2005 06:37 GMT+7

Những người bạn đồng môn

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Theo lịch hẹn đến 18g mới đến lễ bái sư, nhưng 16g30 sư phụ đã cho thư ký Phong đến phòng khách sạn để đón chúng tôi. Phong nói thẳng: “Sư phụ đã đặt tiệc tại nhà khách thị ủy Đăng Phong, tất cả tốn hết 400 nhân dân tệ, anh thanh toán trước, nhưng ngài rất thất vọng vì anh không chịu bái sư như đã thỏa thuận ban đầu!”.

nxuoZBw1.jpgPhóng to
Một nữ võ sinh của Thiếu Lâm quốc tế học viện đang luyện võ nghệ
TT - Theo lịch hẹn đến 18g mới đến lễ bái sư, nhưng 16g30 sư phụ đã cho thư ký Phong đến phòng khách sạn để đón chúng tôi. Phong nói thẳng: “Sư phụ đã đặt tiệc tại nhà khách thị ủy Đăng Phong, tất cả tốn hết 400 nhân dân tệ, anh thanh toán trước, nhưng ngài rất thất vọng vì anh không chịu bái sư như đã thỏa thuận ban đầu!”.

Đêm bái sư… hụt!

Nhà khách thị ủy Đăng Phong to lớn như một khách sạn, có cả phòng nghỉ, nhà hàng karaoke và cả massage nữa. Cô lễ tân trẻ đẹp hình như quá quen với các cao tăng bên Thiếu Lâm tự nên nhanh chóng bước ra mời sư phụ và tôi vào bên trong phòng kín.

Bên trong phòng vắng lặng, tôi hỏi sư phụ: “Thế các bạn đồng môn của tôi đâu?”. Ngài bảo: “Các môn sinh đang còn luyện tập, đã cho người đi đón từ chiều”. Từ võ đường của sư phụ về đến thị trấn dễ đến năm cây số, các bạn đồng môn của tôi phải chạy bộ dưới trời mưa tuyết để đến dự tiệc!

Tiệc được dọn lên, quả là một sự phung phí cho đêm “bái sư hụt” này: 18 món ăn! Sư phụ, thầy huấn luyện viên trưởng, một võ tăng - bạn sư phụ - tên Úy Tín Lượng và 10 môn sinh của lớp mà tôi được bố trí cùng học. Thầy cho biết nhiều môn sinh khác đã về quê trú đông, lớp chỉ còn 10 môn sinh, số này nhà quá nghèo nên không có tiền đi xe đò về quê.

Thầy giới thiệu sơ qua từng người và bảo với mọi người: “Môn sinh này tên Nguyên, từ VN sang và sẽ nhập học cùng các đệ tử ngay sau Tết Nguyên đán, chúng ta cùng nâng ly nhân buổi ra mắt này…”. Các đệ tử líu ríu nâng cốc rượu, sư phụ lại càng buồn hơn khi cho đến giờ phút này mà tôi vẫn không chạm cốc với ngài bằng hai tay!

Tôi cũng có ý định xem sư phụ có “phá giới” khi trên bàn tiệc có đến 18 món ăn, trong đó không ít thịt, cá, tôm tép. Sư phụ uống rượu và ăn rất khỏe nhưng quả tình không phá giới, chỉ ăn các món chay. Tàu hủ sữa thầy làm một hơi đến bốn bát, tôi ái ngại cho thân hình hộ pháp của ngài trong những giờ luyện tập Ngọa hổ công, Đàn tử quyền, Thiết ngưu công... những tuyệt kỹ cần thân hình gọn nhẹ và nhanh nhạy!

Sư phụ lại khen tôi có ngũ quan tốt và cái tên quá đẹp (làm tôi vô cùng mắc cỡ!). Ngài nhắc tích xưa Trung Hoa về Bình Nguyên Quân của nước Triệu vốn là “tứ đại công tử” thời Xuân Thu Chiến Quốc, sánh vai ngang hàng với Mạnh Thường Quân của nước Tề thuở trước.

Ngài bảo: “Bây giờ người đã là đệ tử của ta, tuy còn chưa làm lễ bái sư nhưng cần phải học ngay câu này “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (Một ngày cũng là thầy, suốt đời mới là cha). Theo quan niệm của người Hán, mệnh lệnh của sư phụ không thể không làm, lời thầy dạy còn quan trọng hơn cả chiếu chỉ của hoàng đế...!”.

Sư huynh tuổi lên sáu!

YmNxxEGO.jpgPhóng to
Sư huynh của tôi - Tào Cẩm Cường, 6 tuổi - trong đêm tiệc nhập môn (đứng giữa) cùng với những sư huynh nhỏ tuổi Thiếu Lâm tự - Ảnh: Binh Nguyên

Tôi ít chú ý đến sư phụ nữa mà quay sang trò chuyện với các bạn đồng môn. Tôi chú ý đến Tào Cẩm Cường, quê ở Giang Tây, là đồng môn bé nhất trong võ đường, đến tháng ba này chú mới lên sáu tuổi nhưng đã có hơn hai năm là môn sinh dưới bóng “chân truyền” của sư phụ tổng giáo đầu Thích Diên Truyền.

Ngay từ ngày đầu khi gặp gỡ ở võ đường, tôi đã “thất lễ” khi thấy chú quá bé nhỏ - nhỏ như đứa con gái út của tôi nên đã đưa tay vuốt chiếc đầu trọc của chú. Đang vui vẻ, Tào Cẩm Cường gạt phắt tay tôi và xổ một tràng phương ngữ.

Anh Kim Sơn vừa dịch vừa cười: “Anh đã vi phạm giới luật của chốn võ lâm, cho dù anh lớn tuổi đến đâu nhưng đã nhập môn, đã là đệ tử thì anh phải gọi các chú bé này là sư huynh!”.

Suốt hơn hai năm nuôi mộng võ lâm, chưa một lần Tào Cẩm Cường được gặp lại mẹ. Thầy huấn luyện viên trưởng cho biết nhà của Cường nghèo lắm, vì muốn một cuộc đổi đời cho con sau này mà bà mẹ đã bấm bụng chắt chiu 3.000 nhân dân tệ cho con lên Tung Sơn theo học Thiếu Lâm tự, bà cũng chỉ gói ghém đủ cho con ra bến xe và nhờ người đưa đi, bởi đâu đủ tiền để hai mẹ con cùng vượt ngàn cây số.

Các bạn đồng môn kể những ngày đầu lên đây Cường chỉ khóc suốt, không chịu ăn, học hay làm bất cứ thứ gì vì quá nhớ mẹ, như con bê, con cún tuổi còn chưa dứt sữa ai mà không khóc! Hỏi Cường có nhớ mẹ không, chú ngồi thừ người ra và lắc đầu. Hình bóng người mẹ hình như đã phai mờ khi đằng đẵng bao ngày tháng ấy chú không gặp lại. Mẹ chú không lên thăm, cũng không điện thoại, không một dòng thư, chỉ đến kỳ đóng học phí thì bưu điện chuyển lên cho sư phụ vài ngàn tệ!

Các sư huynh nhỏ tuổi của tôi được ăn một bữa ra trò, ngay cả khi sư phụ đã buông đũa thì các sư huynh vẫn còn hồn nhiên đánh chén. Đa số họ hằng năm trời chỉ cơm rau, mì nhạt mà ngày đêm luyện võ trong môi trường vô cùng khắc nghiệt.

Các môn sinh phải thức dậy từ bốn giờ sáng chạy xuống núi, luyện tập sức chịu đựng về thể lực, khí lực trong mọi địa hình, mọi thời tiết dù mưa sa hay tuyết trắng. Hôm lên Tung Sơn, người ta chỉ cho tôi xem hồ Lộng Nguyệt đã đóng băng, nơi này cũng là chỗ các môn sinh Thiếu Lâm ngày đêm ôn luyện Tù thủy công (lội nước) bất kể mùa hè rực nắng hay mùa đông băng tuyết.

Huấn luyện viên trưởng trong hơi men đã thú thật với tôi về tương lai của những sư huynh tuổi lên năm, lên sáu này: “Đa số khi học ra sẽ xin vào làm vệ sĩ cho các công ty tư nhân, nghề này hiện đang hút người ở khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Còn nữ võ sinh thì có thể xin vào làm huấn luyện viên thể dục ở các trường tiểu học, nhưng cũng khó lắm vì trong thời buổi hàng vạn thanh thiếu niên từ nông thôn đổ xô về thành thị kiếm việc làm thì ngàn người phải tranh nhau một chỗ làm là chuyện bình thường…”.

Tào Cẩm Cường tỏ vẻ quyến luyến với tôi nhiều hơn trong đêm họp mặt, chú có vẻ buồn khi sư phụ cho biết tôi sẽ về nước và sang năm mới chính thức sang nhập môn. Sư huynh Cường tuy mới lên sáu nhưng không hiểu sao người ta lại bố trí học chữ cùng với mấy “sư huynh” tuổi lên mười, mười lăm nên một chữ Hán chú cũng chưa viết được!

Tôi hỏi Cường có muốn về quê với mẹ không, chú lắc đầu và chỉ vào các sư huynh lớn tuổi khác: “Các sư huynh này đã tu luyện nơi này hàng chục năm, có ai về đâu!”. Tôi biết tâm hồn của chú giờ đây đã dành trọn cho con đường huyền thoại.

Tôi chỉ biết cầu mong cho chú được như chú bé ăn mày Cẩu Tạp Chủng - Thạch Phá Thiên nghèo nàn, thất học trong Hiệp khách hành của Kim Dung, qua mặt hàng trăm võ tăng Thiếu Lâm, chưởng môn phái Võ Đang, bang chủ Cái Bang hơn 40 năm cố tình tranh đoạt cảnh giới tối cao võ công. Cẩu Tạp Chủng chỉ ngắm bức tranh của Lý Bạch ẩn chứa thần công tuyệt thế trên đảo Hiệp Khách mà vô tình luyện tới cảnh giới tối cao của võ công…

Tôi cũng không hiểu sao mình lại quyến luyến các sư huynh nhỏ tuổi mà hồn nhiên đến thế, tình cảm mà tôi chưa từng có được nơi tổng giáo đầu. Đêm như dài hơn, những cái bắt tay lại càng bịn rịn.

Sư huynh Hoàng Lượng Sảng, 15 tuổi, nắm chặt tay tôi khi tôi gửi tặng các sư huynh vài món quà trẻ con như bánh trái: “Thôi đệ về đi, sang năm lại sang để huynh đệ ta cùng ôn luyện võ công…”. Nhìn cảnh các sư huynh co ro chạy bộ bước ngắn bước dài về lại núi Tung Sơn dưới nền tuyết trắng, tôi biết mình đã có lỗi khi nói dối các sư huynh nhỏ tuổi này…

--------------

* Kỳ cuối: Tuyệt kỹ cuối cùng của các cao tăng

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên