17/02/2005 06:23 GMT+7

Dịch vụ của tổng giáo đầu

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Sư phụ tổng giáo đầu bảo tôi gặp được ngài là do có duyên phận, không phải ai cũng có thể gặp ngài để dập đầu bái sư tu học. Trong những ngày ở Tung Sơn - Thiếu Lâm tự, tôi chưa từng thấy ngài ra chiêu tuyệt kỹ võ công nào, nhưng tuyệt chiêu “công nghệ chiêu sinh” của ngài quả thật thượng thừa!

Bi hài “tu học”

2bHvrGF1.jpgPhóng to
Tổng giáo đầu Thích Diên Truyền đang viết thư pháp trong thiền phòng

Thế danh của sư phụ là Đào Thế Thành, sinh ở huyện Dư Can, tỉnh Giang Tây, năm lên 9 tuổi đã được gia đình đưa vào Thiếu Lâm tự bái sư phương trượng, bắt đầu con đường tu học và được đại hòa thượng ban cho pháp danh Thích Diên Truyền. Năm 1998, sư phụ được cử đi học tại Hạ Môn học viện, sau đó làm hiệp chú (trợ lý) tại Hoàng Mai, Hồ Bắc. Năm 2001 tới Hóa Xương, Hà Nam làm giám viện; năm 2003 trở về Thiếu Lâm tự và được phương trượng chùa Thiếu Lâm cử làm tổng giáo đầu của võ tăng đoàn chuyên lo việc huấn luyện võ thuật và đào tạo nhân tài cho Thiếu Lâm võ môn...

Sau khi để tôi tự do với “nội cung” Thiếu Lâm tự , ngài đưa tôi trở ra ngôi nhà lạnh lẽo gần thị trấn và giới thiệu về các “dịch vụ tu học”.

Sư phụ cho biết: ai cũng tưởng tu luyện Thiếu Lâm là vô chùa, nhưng trong chùa chỉ dành cho 180 cao tăng, những người có duyên phận đặc biệt, do chính sư bác phương trượng Thích Vĩnh Tín phỏng vấn trực tiếp và chọn lựa; thầy cũng có “chân” trong việc tuyển chọn, nhưng điều kiện đầu tiên phải là người Trung Quốc sống ở Trung Quốc!

Tôi là người dị bang ngoại tộc thì chín kiếp nữa cũng không thể lọt vào tầng lớp cao tăng Thiếu Lâm tự. Nhưng sư phụ trấn an ngay: “Đệ tử vẫn có thể tu học qua lớp của thầy mở riêng, học phí vào khoảng 16.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 32 triệu đồng), khóa của thầy đào tạo trong hai năm là đảm bảo sẽ được cấp giấy chứng nhận do chính phương trượng trụ trì chùa Thiếu Lâm ký và đóng dấu là có thể về VN mở lò, mở lớp" (!?).

Tôi hỏi: “Thưa sư phụ, có lớp nào rẻ hơn không?”. Thầy liền trợn mắt: “Chỉ riêng tiền ăn uống, trang phục đã là 5.000 tệ rồi, đệ tử là ngoại bang, ăn ở cao cấp hơn, còn kinh kệ, tụng niệm và phải học tiếng Hán nữa!”.

Chỉ riêng tiền trọ học thôi cũng được thầy cho biết là 8.000 tệ/năm. Tiếp lời, sư phụ đưa tôi ra phía sau căn nhà, ở đó có khoảng chừng chục đứa trẻ, tuổi cao nhất cũng chỉ 15-16 đang luyện võ. Sư phụ nói: “Anh sẽ được vào lớp này, ít người dễ học hơn!”.

Tôi như chết đứng giữa Đăng Phong xa lạ, trước một uy danh tối cao như tổng giáo đầu thì không thể xí gạt chuyện vì tò mò mà thâm nhập chốn võ lâm uy nghiêm. Còn tu học ư ? Tôi đâu thể “lục thân khả đoản” (cắt đứt quan hệ với vợ con) tự nhiên bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con leo lên núi cạo đầu đi tu hai năm?

Tôi tìm cách tháo lui nên thưa với thầy: “Xin được cáo lui về thị trấn để gọi điện về nước, vì khi tôi sang còn có mười người bạn cũng nhờ tôi hỏi giá học phí”. Thầy tỏ ra mừng rỡ khi biết còn thêm mười đệ tử sẽ sang: “Ta sẽ giới thiệu đệ tử vào ở khách sạn ba sao của Thiếu Lâm tự quốc tế, bình thường sẽ phải trả 400 tệ/đêm, nhưng người là đệ tử của ta sẽ bớt chỉ còn 250 tệ/đêm, cứ nghỉ ngơi để mai còn làm lễ bái sư, ta sẽ ban cho người một pháp danh...”.

Không biết tôi có đồng ý hay không, ngài sai thư ký Phong mang ra tập hồ sơ to đùng, bảo ghi tên, tuổi, địa chỉ ở VN, đóng dấu ký tên giao biên lai và thu 200 nhân dân tệ, bảo đó là “chi phí ghi danh - kể từ bây giờ người đã là đệ tử của ta”. Thư ký Phong nhanh chóng xách balô ra xe và chở thẳng tôi về “Thiếu Lâm quốc tế khách sạn”!

Ở sảnh lễ tân suýt chút nữa tôi đã chứng kiến đòn Tiên nhân chưởng (chưởng tay tiên) của tổng giáo đầu khi cô gái phương bắc xinh đẹp như người mẫu cao đến thước tám từ chối cho ngài ký giấy bảo lãnh cho chúng tôi vào khách sạn vì không biết ngài là ai (!?).

Đôi tay hộ pháp của ngài cứ bấu lên chiếc quầy đá mà nghiến răng nhìn cô người mẫu lạnh lùng, ngay tại quầy khách sạn cũng treo đầy ảnh của ngài chụp với các lãnh đạo Trung Quốc mà cô gái (chắc cô mới vào làm việc nơi này) vẫn không hay biết. Không lay chuyển được ý chí của “người mẫu”, cuối cùng sư phụ phải đưa giấy chứng minh cao tăng ra trình!

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, đón taxi quay trở lại chân núi Tung Sơn để tìm hiểu về hệ thống hơn 40 học viện, đại võ đường Thiếu Lâm tự và đi thăm rừng bảo tháp bằng đá. “Rừng” là nơi có hơn 230 bảo tháp với nhiều hình dạng tròn, vuông, lục giác, tứ giác, bát giác, ngọn cao nhất lên đến 15 thước, là nơi chôn cất những vị cao tăng nổi tiếng từ đời nhà Đường cho đến nay.

Tôi cũng đến thăm Diện Bích động, nơi mà 1.500 năm trước tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã diện bích cửu niên (ngồi nhìn vào vách đá suốt chín năm trường) để luyện đến tuyệt đỉnh võ thuật truyền cho muôn đời sau… Nhưng đời sau có đạt đến chân truyền thuần khiết?

Vừa về đến phòng khách sạn, tôi đã bật ngửa khi thấy sư phụ tổng giáo đầu và thư ký Phong đang ngồi trong phòng. Sư phụ có vẻ phật ý khi cho biết đã chờ suốt bốn tiếng chỉ để thống nhất ngày giờ làm lễ “dập đầu bái sư” như đã thỏa thuận hôm qua.

Sư phụ nói: “Đó là tục lệ của Thiếu Lâm tự, ai muốn làm đệ tử chân truyền của Thiếu Lâm tự cũng phải làm lễ bái sư dưới sự chứng kiến của các võ sinh đồng môn và phải đặt một phong bì với 1.000 tệ gọi là cúng tổ !”. Anh phiên dịch thật tình muốn giúp tôi nên trả giá: “1.000 tệ là cho cả mười người bạn của anh ấy luôn phải không thầy?”.

Sư phụ suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu: “Mỗi người 1.000 tệ, không được đại diện!”. Tôi đồng ý sẽ làm lễ bái sư vào tối mai. Sư phụ và thư ký Phong tỏ ra rất hài lòng. Khi thấy tôi bật tivi xem chương trình Fashion TV với những cảnh khá “nóng”, tổng giáo đầu bảo: “Kể từ bây giờ hãy kiêng rượu thịt, trai gái và thuốc lá đi!”.

Mặt trái của huyền thoại…

Tôi thầm cảm ơn thư ký Mã Hải Phong trong những ngày ở Thiếu Lâm tự, bản tính thật thà của anh vô tình đã giúp tôi tìm hiểu khá sâu về cuộc sống đời thực trong thế giới võ lâm đầy huyền thoại này.

Phong cho biết: “Không chỉ riêng tổng giáo đầu mà rất nhiều cao tăng trong chùa Thiếu Lâm đều có đường dây và hệ thống võ đường riêng ở bên ngoài và từ những khoản thu không nhỏ này, nhiều cao tăng đã sắm sửa xe hơi, nhà lầu. Nhiều sư phụ còn có cả đường dây “tuyển sinh” từ Mỹ, châu Âu…”.

Còn khoản thu “bái sư” không nhỏ với những võ đường từ vài trăm đến vài ngàn võ sinh sẽ về tay ai? Phong thật thà cho biết: “Các sư phụ - chủ các võ đường chứ ai! Thầy phương trượng đâu có chủ trương nhận đệ tử lấy tiền như vậy, qui định và tinh thần của Thiếu Lâm tự từ cổ chí kim cũng không như vậy!”.

Bài học từ ngàn xưa của đại sư Thiếu Lâm tự Hạnh Ân vẫn còn lưu giữ trong Tàng Kinh các cho đến hôm nay: “Nếu có một kẻ vô đạo đức đến xin được truyền thụ võ công, ta sẽ không dạy cho hắn điều gì cả , dù kẻ ấy muốn dâng ta ngàn vàng”. Bài học này không biết có thất truyền trước kẻ hậu sinh?...

Làn sóng “dịch vụ” đã làm ngay các cao tăng cũng cảm thấy mình quá xa lạ ngay trên chính ngôi chùa mà họ đã dành trọn cho con đường tu học. Ở nhiều nơi trong khu vực Tung Sơn - Thiếu Lâm tự, tôi bắt gặp nhiều vị tu sĩ được phái ra làm dịch vụ.

Một vị tu sĩ còn khá trẻ cho biết: “Tôi được cha mẹ gửi lên chùa để làm tu sĩ từ năm 10 tuổi, trong ba năm đầu chuyện học tập võ và đạo thì học rất tốt, nhưng không hiểu sao từ khi có làn sóng du lịch tràn về thì tôi thường xuyên bị đưa ra đây bán hàng lưu niệm”.

Hôm tôi mua vé vào xem sân khấu bán nguyệt biểu diễn võ thuật kungfu, các tiểu tăng trẻ luôn bở hơi tai vì những màn biểu diễn liên tục theo vòng xoay của các đoàn khách tham quan. Trên sân khấu rất tươi trẻ và màn nội công của họ rất điệu nghệ, không ai có thể phủ nhận được những đòn khí công, nội công vô cùng điêu luyện nhưng khi ra sau cánh gà thì cũng co ro, xuýt xoa vì lạnh như người phàm - trời bên ngoài âm 50C kia mà từ sáng đến giờ họ đã có đến hơn năm suất diễn rồi!...

Một tiểu tăng mà tôi gặp bên ngoài sau màn biểu diễn cho biết: “Tôi vào chùa từ năm lên tám tuổi, tham gia biểu diễn từ năm lên mười. Bây giờ là mùa đông, khách đến tham quan ít nên còn thời gian tập luyện, nghỉ ngơi, còn mùa hè thì khỏi nói, từ sáng đến tối cứ như một diễn viên thực thụ, không còn đâu thời gian kinh kệ, rèn luyện và nâng cao võ thuật…”.

Tôi cảm thấy đã đến lúc hạ màn “nhập môn” nên thú thật với sư phụ tổng giáo đầu vào giờ chót là chưa chuẩn bị tinh thần để làm lễ bái sư, mà chỉ muốn có một đêm họp mặt, gặp gỡ với các bạn đồng môn nhỏ tuổi, sau tết tôi sẽ cùng nhiều người bạn khác sang nhập học. Và đêm chia tay ấy, một thế giới nhân sinh khác, xúc động hơn nhiều, đã như muốn níu chân tôi...

-------------

* Kỳ 5 : Những người bạn đồng môn

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên