Anh đến không phải để nhận tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật hay nhận sự giúp đỡ nào đó của nhà hảo tâm, mà là để thỏa mãn niềm vui được làm việc thiện - “góp gió thành bão”, cùng với Hội BTBNN chăm lo cho những số phận còn khó khăn hơn mình!
“Không phải chuyện mới đâu nghen. Hơn bốn năm rồi, tháng nào anh cũng góp 100.000 đồng. Số tiền đối với nhiều người có thể không lớn, nhưng với một người phải khó nhọc lắc xe đi bán từng tờ vé số, sớm hôm nương tựa cùng người mẹ già như anh mới thật ý nghĩa” - bà Trịnh Thị Kiều Diễm, ủy viên thường vụ Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang, nói.
Theo hướng dẫn của bà Diễm, tôi đi tìm người bán vé số tốt bụng có tên Trịnh Quốc Hưng, 42 tuổi. Căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ở đường Huỳnh Tịnh Của chỉ đủ một chiều đi cho chiếc xe máy. Nhà đóng cửa. Một người hàng xóm mách: “Muốn tìm Hưng thì cứ ra mấy con đường nội ô TP Rạch Giá”. Quả nhiên không khó để gặp anh Hưng, trừ khi muốn gặp anh... tại nhà. Bởi gần như cả ngày, từ lúc 5g sáng đến 9g đêm, anh Hưng luôn rong ruổi trên chiếc xe lắc với xấp vé số kẹp một bên tay.
Gia cảnh khó khăn, 15 tuổi Hưng bắt đầu cuộc sống tự lập bằng nghề “đi bạn” (ngư dân) cho một chủ ghe trong xóm. Trớ trêu thay, khi vừa quen với sóng, không còn “ói tới mật xanh” thì cũng là lúc căn bệnh động kinh ập tới. Nhiều bận đang kéo lưới ngoài biển, Hưng bị co giật, khiến chủ ghe phải tức tốc quay mũi vô bờ. Bệnh tái đi tái lại khiến Hưng phải bỏ biển lên bờ tìm việc mưu sinh.
Cách đây gần 10 năm, trong một buổi sáng tờ mờ đạp xe đi bán hàng rong, Hưng bất ngờ bị xe tải chở hàng đâm vào từ phía sau. Tai nạn khiến vết thương ở chân phải bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cưa đến gối. Bất hạnh dồn tới khi sau đó không lâu anh bị tai biến lần thứ hai, khiến cánh tay phải bị liệt, cả việc ăn uống, nói chuyện cũng hết sức khó khăn. Nhớ lại những ngày tháng bi đát của cuộc đời, Hưng bảo có lúc anh chỉ muốn buông xuôi tất cả. Nhờ tình thương yêu, chăm sóc của mẹ và những người thân đã giúp Hưng gượng dậy, vượt lên số phận. Sau hai năm kiên trì tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, cánh tay phải của anh đã có thể cử động. Từ việc có thể tự chăm sóc bản thân, Hưng quyết tâm tiến thêm một bước: “Phải tự lo cuộc sống cho mình, không thể dựa dẫm vào người khác mãi”. Dịp may đến với Hưng khi anh được Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang tặng chiếc xe lắc. “Tui mừng như được hồi sinh, vì có người cho mình đôi chân. Vậy là tui bắt đầu đi bán vé số, hòa nhập lại với cộng đồng, nhờ đó cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn” - anh Hưng bộc bạch.
Để có được khoản tiền 100.000 đồng ủng hộ người nghèo hằng tháng, mỗi ngày sau khi đi bán về, anh Hưng dành ra 3.000-4.000 đồng để vào một chiếc bóp riêng mà anh gọi là “chiếc bóp đựng niềm vui”, tới đầu tháng lại mang đến góp cho Hội BTBNN. “Suốt bốn năm qua, tháng nào Hưng cũng góp tiền cho hội rất đều đặn. Có tháng không đủ tiền, tôi nói có bao nhiêu góp bấy nhiêu nhưng Hưng cứ năn nỉ, kêu mua giúp một vài tờ vé số cho đủ 100.000 đồng để đóng góp mới chịu về” - ông Trần Lam, chủ tịch Hội BTBNN, kể.
“Thấy chiếc xe lắc của Hưng đã mục sườn, cốt, đùm sắp hư hỏng do sử dụng gần chục năm, hội tặng em ấy chiếc xe mới để thuận lợi hơn trong việc mưu sinh. Nhận xe được mấy bữa, Hưng đã mang đi tặng lại cho người khác, rồi dành tiền sửa chiếc xe cũ của mình, đi tiếp. Có bữa nhận được gạo của nhà hảo tâm tặng, chưa mang về tới nhà, Hưng đã gọi mấy đồng nghiệp bán vé số lại chia sẻ. Cái thằng thiệt tốt bụng hết sức” - bà Nguyễn Thị Liên, phó chủ tịch Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang, nhận xét. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận