24/02/2014 12:10 GMT+7

Ông mù làm từ thiện

TẤN ĐỨC - YẾN TRINH
TẤN ĐỨC - YẾN TRINH

TT - Đến đường Phan Chu Trinh, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng hỏi ông Hợp mù, ai cũng nhiệt tình chỉ nhà ông bởi mọi người đã quá quen với “ông già không biết lo cho mình, mù lòa mà tối ngày lo cho người ta không à”. Năm nay 70 tuổi, ông Thái Văn Hợp đã có ngót nghét 30 năm làm việc tốt giúp đời.

Khoảng năm 1995, khi Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng có chương trình phát cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo, ông vận động bạn bè tham gia đóng góp nhiệt tình. Ông không làm gì ra tiền nhưng khi ông ngỏ ý muốn làm việc thiện, con cháu và bạn bè sau giây phút ái ngại sức khỏe ông đã vui lòng ủng hộ. Không thấy đường nhưng mỗi khi nghe radio hoặc ai đó nói chuyện liên quan tới người nghèo, người khổ trong tỉnh Sóc Trăng, ông hỏi lại thật kỹ rồi tìm cách giúp đỡ. Cứ vậy bao nhiêu năm nay ông đã giúp cho nhiều người, khi thì ít tiền, khi quần áo cũ, lúc là học bổng cho học sinh nghèo. Khi nào người con trai lớn rảnh rỗi sẽ chở ông đến những chỗ cần giúp đỡ, còn hầu hết ông đều di chuyển bằng xe ôm, đến nỗi mấy anh xe ôm gần nhà quen mặt ông luôn.

Không thấy mặt những người mình đã giúp đỡ nhưng ông nhớ rất rõ hoàn cảnh của họ. “Mấy năm trước nghe đài thấy có mấy đứa nhỏ ở Cái Côn (Sóc Trăng) học giỏi, đậu đại học mà nhà nghèo không có tiền theo học, tôi bắt xe ôm xuống dưới liền. Hỏi thăm tình hình rồi mỗi tháng tôi giúp cho tụi nó mỗi đứa ít tiền. Hiện giờ có đứa đã tốt nghiệp, có việc làm rồi” - ông vui vẻ kể. Tính tới nay, ông đã giúp được 7-8 em như vậy. Ông nói: “Số tiền tui giúp chẳng thấm vô đâu nhưng đó là động lực để tụi nhỏ cố gắng học. Tụi nó gọi điện cho tui, kể là cũng đi làm thêm, cũng cố gắng dữ lắm để học có cái bằng, nghe mà thương”.

Dần dần, người dân gần đó biết tới hoạt động từ thiện của ông nhiều hơn. Mỗi khi có quần áo cũ cần đem cho, họ tập hợp lại để ông tới nhận. Ông rất cẩn thận, nhờ bạn bè phân loại quần áo theo độ tuổi, đồ nam nữ riêng, để khi có người nhận họ sẽ có đúng đồ cần thiết, không phải chịu cảnh nhận về rồi không mặc được. Ông nói ông không muốn ở không, ngồi không trong khi bao nhiêu người cần được giúp. Ni sư Thích Nữ Huệ Liễu, trưởng Ban từ thiện Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, khi nhắc tới ông Hợp thì nói ngay: “Ông Hợp rất tốt, hay tham gia mấy chương trình từ thiện, đóng góp nhiệt tình. Người như ông rất đáng quý vì chẳng nề hà cảnh mù lòa của mình mà luôn nghĩ tới người khác”. Ông cũng không mong nhận lời cảm ơn của ai, vậy mà vừa rồi có người muốn tặng ông... một con mắt vì cảm kích việc ông làm. Dĩ nhiên ông từ chối, nhưng thấy đời tươi sáng quá.

TẤN ĐỨC - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên