12/01/2014 08:05 GMT+7

"Tôi chống tiêu cực tới cùng"

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Trong ba năm liền, hằng ngày bà Nguyễn Thương Mến, 64 tuổi, ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đến UBND xã quan sát, ghi nhớ và... tố cáo những vi phạm của cán bộ xã.

NIpMHJf1.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thương Mến - Ảnh: N.Hậu

Từ những khiếu nại của bà Mến, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã thanh tra những vi phạm của cán bộ xã. Đến ngày 24-10-2013, ông Nguyễn Thanh Lam, phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, đã ký thông báo biểu dương bà Mến vì “đã có thông tin phản ảnh giúp huyện kịp thời xử lý hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ công chức, góp phần lập lại kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước”.

Giám sát cán bộ

"Bà Mến là một cử tri hay trình bày thẳng thắn những bức xúc, những vấn đề tồn tại của địa phương. Các cơ quan ban ngành cần phải nghiêm túc xem xét phản ảnh như thế của người dân để xử lý. Nếu cán bộ sai phải dũng cảm thừa nhận. Các trường hợp như bà Mến cần được tuyên dương và phổ biến rộng rãi để người dân thực hiện tốt chức năng kiểm tra của mình"

Ông Võ Hùng Việt (chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh)

“Từ năm 2009, tôi đã nghe người dân phản ảnh việc công chứng ở xã không xé biên lai thu phí. Năm 2010, khi làm thủ tục bán đất, cán bộ xã thu tôi 30.000 đồng nhưng không hề xé biên lai thu tiền. Tôi lên thanh tra tỉnh rồi thanh tra huyện, cán bộ ở phòng tiếp dân cho biết cán bộ cấp xã cho dù thu 2.000 đồng cũng phải xé biên lai” - bà Mến nói

Trở về xã, hầu như ngày nào bà cũng lẳng lặng lên xã ngồi đó để tai nghe mắt thấy những trường hợp người dân đến công chứng và cán bộ xã thu tiền không xé biên lai. “Để có số liệu cụ thể và tránh bị phát hiện, tôi ghi nhớ lại và về nhà chép vào sổ những trường hợp không xé biên lai thu tiền. Trong ba năm liền hầu như ngày nào tôi cũng đến xã”.

Ngày 4-3-2013, bà Mến đại diện 16 hộ dân trong xã đồng kiến nghị gửi thanh tra và phòng nội vụ, HĐND, UBND huyện Châu Thành về vi phạm của cán bộ xã.

Theo thống kê của bà Mến, mỗi năm (từ 2010-2012) hơn 2.316 hồ sơ học sinh, sinh viên trong xã công chứng hồ sơ hưởng chế độ vùng sâu cùng hàng ngàn hồ sơ công chứng đền bù kênh thủy lợi Phước Hòa, công chứng hồ sơ vay vốn ngân hàng, công chứng sang nhượng đất, làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn... đi qua bàn công chứng một cửa một dấu của UBND xã Phước Vinh, cán bộ xã thu tiền nhưng không xé biên lai thu.

Ngày 24-10-2013, UBND huyện Châu Thành thông báo kết quả giải quyết bản kiến nghị của bà Mến và các hộ dân. Theo đó, UBND huyện Châu Thành xác minh bản kiến nghị đó có nhiều nội dung đúng và chính đáng.

Đảng ủy xã Phước Vinh sau đó đã tiến hành kỷ luật khiển trách bà Lê Thị Nàng và Lê Thị Ngọc Trang. Ngày 1-10, chủ tịch UBND huyện Châu Thành ký ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo bà Lê Thị Nàng với lý do mở hồ sơ theo dõi không thường xuyên, sổ sách thể hiện không đầy đủ; quản lý cùi biên lai lỏng lẻo, không lưu hồ sơ công chứng theo quy định, một số hồ sơ công chứng thu phí không xé biên lai, không đóng dấu UBND xã...

Ngày 7-10, chủ tịch UBND huyện ký quyết định điều động bà Nàng sang... phụ trách văn hóa - xã hội ở xã. Riêng đối với bà Lê Thị Ngọc Trang, công chức tư pháp hộ tịch chưa xử lý vì đang thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Dù được giải quyết nhưng bà Mến vẫn bức xúc với cách xử lý của UBND huyện Châu Thành. Vì theo bà: “Đơn chúng tôi gửi lên huyện Châu Thành từ ngày 4-3 nhưng đến tháng 10 mới trả lời, các tài liệu bị hủy, các chứng từ bị chẻ nhỏ thì thanh tra sao được.

Thậm chí, chúng tôi gửi đơn đến các cơ quan đầu não của huyện mà sao lộ đến xã để những người ký tên trong đơn bị cán bộ xã hoạch họe”.

Người phụ nữ vì cộng đồng

Xuất thân là chiến sĩ biên phòng, bà Mến mang trong người tính khẳng khái và nghị lực của một người lính không biết sợ.

Chính tính khẳng khái này, bây giờ khi đã về hưu thấy chuyện bất bình, bà Mến không thể thờ ơ được, nhất là khi nó liên quan đến quyền lợi của những người nông dân nghèo ở xã Phước Vinh. “Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực tới cùng để bênh vực cho những người nông dân nghèo xung quanh mình” - bà Mến nói.

Hiện nay, không chỉ người dân ở ấp 3, xã Phước Vinh mà nhiều người dân khác trên địa bàn xã Phước Vinh vẫn tìm đến bà Mến để nhờ bà giúp đỡ. Ai có sự cố hay khúc mắc gì liên quan đến giấy tờ hoặc chính quyền địa phương đều chạy đến bà.

Bà Mến đã được người dân ủy quyền để bênh vực họ tại một số phiên tòa về tranh chấp đất đai. Bà cũng là một người làm công tác từ thiện không biết mệt mỏi.

Bà đi kêu gọi những người dân đùm bọc giúp đỡ người nghèo, người neo đơn, quyên góp để hỗ trợ an táng hậu sự cho người nghèo. Bà cũng đứng ra vận động người dân mở rộng đường đất đỏ trong ấp của mình để đi lại thuận tiện vào mùa mưa.

Thậm chí, bà đi quyên góp học bổng cho những học sinh nhà nghèo trên địa bàn xã. Bà sẵn sàng nấu nồi xôi hay nồi chè để đi từ đầu thôn cuối xóm vừa bán vừa quyên góp mọi người.

Bây giờ hằng tuần, bà đều ghé vào UBND xã để giám sát cán bộ xã trong việc giải quyết giấy tờ cho người dân. Cũng chính từ phản ảnh từ bà, vừa qua UBND huyện Châu Thành đã xử lý các trường hợp cán bộ xã đi trễ về sớm và lơ là trong tiếp công dân.

Trả lời câu hỏi làm vậy không sợ người ta thù ghét , bà cho biết: “Tôi không có làm gì sai nên không sợ. Tôi chỉ làm đúng chức năng nhiệm vụ của người công dân, đó là giám sát và kiểm tra, đồng thời phản ảnh những vi phạm để chính quyền địa phương chấn chỉnh công tác điều hành cho người dân nhờ”.

Từ Nam ra Bắc để xác minh cán bộ xài bằng giả

Năm 2011, bà Mến tố cáo bà Lê Thị Hoa, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Vinh, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Bản thân bà Mến bỏ tiền đi đến tận tỉnh Tuyên Quang để xác minh bằng cấp và sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang trả lời bằng tốt nghiệp THPT của bà Hoa là giả. Ủy ban kiểm tra Huyện ủy huyện Châu Thành cho rằng bà Hoa vi phạm trong việc dùng bằng tốt nghiệp THPT giả.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên