30/12/2013 11:00 GMT+7

Vỡ mộng làm dâu Trung Quốc

VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (Từ Phúc Kiến, Trung Quốc)
VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (Từ Phúc Kiến, Trung Quốc)

TT - Được hứa hẹn cuộc sống sung túc, ấm êm, có tiền gửi về cho gia đình nhưng đến đây, nhiều cô dâu Việt vỡ mộng vì phải làm dâu ở những vùng nông thôn hẻo lánh với cuộc sống nhọc nhằn, đày đọa.

u3bx7g8x.jpgPhóng to
Theo đường cao tốc Kinh Đài, từ thủ phủ Phúc Châu, chúng tôi về các huyện lỵ miền xa của Phúc Kiến (Trung Quốc) để tìm những cô dâu Việt. Kinh Đài là đường cao tốc dài và hiện đại bậc nhất Trung Quốc, nơi các cô dâu Việt lần đầu đến Phúc Kiến đều phải đi qua để về nhà chồng.

Thâm sơn cùng cốc: nghèo mới “mua” vợ Việt

Ba cô dâu Việt đợi ngày về

Chiều 29-12, công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh Hoàng Ngọc Vinh cho biết đại sứ quán đang đốc thúc tích cực các cơ quan liên quan của Việt Nam và Trung Quốc để đưa ba cô dâu Mai Thị Sự, Trịnh Thị Hoa và Tô Thị Hà đang ở Bệnh viện tâm thần Phúc Châu về nước. Ông Vinh cho biết Công an Phúc Kiến thông báo họ đã hoàn tất việc xác minh thông tin và chụp ảnh gửi lên đại sứ quán để cấp giấy thông hành. Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đã tiếp xúc với gia đình ba cô dâu tại Bắc Giang và Hải Phòng để hoàn tất thủ tục và nhận ủy thác việc đưa ba cô dâu về nước.

Nhưng sự choáng ngợp ấy rồi sẽ sớm trôi mau, họ sẽ mất nhiều giờ đi tiếp con đường gồ ghề về những thôn xóm nơi thâm sơn cùng cốc mà người Phúc Kiến đều nói vì rất nghèo nên đàn ông nơi đó chỉ đủ tiền để “mua” được vợ Việt.

Từ thị trấn Thủy Cát (TP Nam Bình, Phúc Kiến), chiếc xe “bánh mì” (ôtô nhỏ 6 chỗ - PV) chở chúng tôi men theo con đường đèo nhỏ xíu hơn 30km, qua nhiều cánh rừng tre để đến thôn Trần Địa - xóm núi hẻo lánh chỉ có non 20 nóc nhà nằm ở độ cao gần 2.000m. Cô dâu nhà họ Lỗ là Nguyễn Thị Hương (quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang) ra đón chúng tôi. Đôi chân cô gái miền Tây chỉ quen để trần lội ruộng, giờ mang ủng bước thấp bước cao trên con đường bùn lầy vì lớp băng đá vừa tan.

Thôn Trần Địa nằm tận cùng đỉnh Đông Sơn, mùa đông nhiệt độ thường xuống âm, người dân sống bằng nghề trồng tre và nhặt hạt dẻ. Nhà cửa trong thôn đều bằng gỗ hoặc vách đất cũ kỹ, vẫn còn cả những cái hố xí với chiếc thùng gỗ phía bên dưới, tận dụng chất thải để tưới rau. Khung cảnh không khác mấy với những gì Lỗ Tấn miêu tả từ xưa lắc về nông thôn Trung Quốc. Nhưng sang Việt Nam tìm vợ, chồng Hương nói nhà cách thị trấn 15 phút, có hai đồi tre và chồng làm ông chủ dưới phố. Nhưng từ Phúc Châu, phải bốn chặng xe đò, rồi thêm hai giờ ngồi xe công nông từ chân núi, Hương mới đến được nhà chồng. “Em khóc nức nở, hỏi chồng chừng nào tới, nó (chồng) nói sắp tới mấy lần mà đi hoài vẫn không tới” - Hương nhớ lại ngày đầu về nhà chồng.

Giờ thì Hương không còn lạ con đường lên núi ấy, vì cứ cách năm ngày đến buổi chợ phiên cô phải chở những bao măng và chổi tre cao lút đầu ra chợ bán. Hương chỉ dám gặp chúng tôi ở nhà Yến - một cô dâu Việt cùng xóm - vì sợ nhà chồng phát hiện sẽ đánh đòn. “Nó đánh em dữ lắm, được tháng đầu còn nương nương, sau thì không vừa ý là đánh” - Hương kể. Chỉ mới hai ngày trước, chồng Hương đã phang luôn chiếc ghế gỗ vào người vì cho rằng vợ mình chỉ lo bán mớ chổi tre do mình kết được mà không chịu bán chổi cho ba chồng. Những trận đòn vì lý do giản đơn như vậy diễn ra càng dày hơn từ sau khi Hương hoàn tất nghĩa vụ sinh con. Nhà chồng chỉ cho ăn cơm với rau cải nên để có thêm tiền mua thức ăn có sữa cho con bú, mới sinh xong một tháng Hương phải vào rừng nhặt hạt dẻ và kết chổi tre để bán. Nhưng dành dụm được 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) thì bị thu sạch, còn bị chồng đánh cho tơi tả vì tội giấu tiền riêng. Một lần, Hương toan trốn đi nhân buổi chợ phiên nhưng bị chồng bắt, lại bị đánh bầm giập, may có hàng xóm là cô dâu Việt phát hiện hô hoán đưa đi cấp cứu. Nhìn con đường xuống núi xa hun hút, Hương cắn chặt môi: “Giờ kêu tự đi xuống núi em còn không dám, chứ nói chi về được Việt Nam”.

7shAQDG8.jpg
Cô dâu Nguyễn Hồng Hoa nói chỉ mong con đầy năm để có thể đi làm kiếm tiền - Ảnh: Viễn Sự

Ráng sống cho ba má khỏi đau lòng

Đau lòng mẹ cha

Nguyễn Thị Yến (quê Vĩnh Long), ở xóm Trần Địa, là cô dâu duy nhất ở đây từng được mẹ qua thăm đầu năm 2013. Yến kể đêm đầu gặp lại, mẹ chỉ biết ôm con gái khóc vì có bao giờ nghĩ lại gả con về cái xứ heo hút, hang cùng ngõ tận này. Ở chơi hơn một tháng, thấy gia đình chồng đối xử cũng tử tế, mẹ cáo biệt về Việt Nam. “Ngày đưa mẹ xuống núi, mẹ em không khóc, cũng không nói gì. Nhưng em biết mẹ em buồn, chắc về Việt Nam mẹ khóc nhiều lắm” - Yến rơm rớm nước mắt.

Ở cổ trấn Hòa Bình, thuộc thành phố Thiệu Vũ, chúng tôi gặp cô dâu Ngô Thị Thùy Dương mà cứ cảm giác mình đang có lỗi khi Dương không giấu giếm sự thất vọng: “Nghe anh chị là nhà báo, tưởng gặp rồi sẽ dẫn em về được Việt Nam. Chứ trốn chồng xuống núi vầy, nó biết được là đánh đòn tàn nhẫn lắm”. Sang đây gần hai năm nhưng không được nhà chồng dạy tiếng nên đến giờ cô dâu Việt quê ở Long Xuyên (An Giang) này vẫn chỉ trọ trẹ được vài câu tiếng phổ thông. Gia đình chồng hứa sẽ cho về Việt Nam thăm nhà khi sinh con xong, nhưng khi con trai dứt được sữa thì bị chuyển cho vú nuôi, còn Dương bị đẩy ra đồng cắt lúa mướn. Tháng đầu tiên, Dương làm được 800 tệ thì mẹ chồng bắt nộp lại 400 tệ tiền giữ con. Ky cóp được 2.000 tệ định gửi về cho gia đình thì bị chồng chặn lại, đánh cho một trận ngất xỉu. Vỡ mộng vì cuộc sống bế tắc, Dương toan tự tử hai lần nhưng bị nhà chồng chặn được, còn báo về Việt Nam bắt vạ cha mẹ ruột. “Má em gọi qua khóc, kêu ráng sống, đừng làm đau lòng ba má nữa. Em tự an ủi không phải chỉ mình khổ mà ở trấn Hòa Bình này có tới mấy chục đứa con gái Việt Nam sang làm dâu như em, có mấy đứa được ấm êm” - Dương nói đầy cam chịu.

Ở thị trấn Thủy Cát, các cô dâu Việt cũng quen với hình ảnh hai mẹ con cô dâu Nguyễn Hồng Hoa (quê Bạc Liêu) lủi thủi từ căn nhà ọp ẹp đi mượn tiền mua gạo vào những ngày cuối tháng. Chồng Hoa làm nghề vác cây, mỗi tháng được 2.000 tệ nên cuộc sống không đủ đắp đổi. Vừa bón thìa cơm nhão cho đứa con mới 6 tháng tuổi, Hoa kể: “Hồi sang tìm vợ, chồng em xưng là em ruột của ông chủ lớn, có nhà ba tầng, mỗi năm cho về thăm nhà một lần. Nhưng ở được một tháng thì mới biết đó là nhà của người anh họ và bị đuổi ra thuê nhà trọ. Mẹ chồng suốt ngày chì chiết vì chồng phải đi vay tiền để qua Việt Nam tìm vợ”. Hoa nói chỉ chờ con đầy năm là đi làm, để nhà chồng bớt khinh rẻ. Còn ngày về Việt Nam thăm lại gia đình, Hoa chia sẻ mà hình như đang tự nén lòng: “Thôi chờ thằng nhỏ đi học, cứng cáp rồi về luôn cho ông bà ngoại nó mừng...”.

Cá nằm trong chậu

Những ngày đi tìm cô dâu Việt ở các xóm núi hẻo lánh tại Phúc Kiến, chúng tôi luôn bắt gặp ánh mắt ngờ vực, cảnh giác của những người bản địa. Mãi sau, A Hoa, anh thợ sửa xe đạp có vợ Việt Nam ở thị trấn Chương Đôn (TP Kiến Dương), mới cho biết tất cả người Việt Nam lạ mặt nào đến đây đều bị cảnh giác. Mua được con gái Việt Nam về làm vợ tốn nhiều tiền, ai cũng sợ cô dâu bị bắt về hoặc bỏ trốn và vì thế tất cả các cô dâu đều bị nhà chồng giữ chặt hộ chiếu.

Lời A Hoa nói thực tế phóng viên Tuổi Trẻ đã được kiểm chứng ngay trong ngày lên đường sang Trung Quốc, khi bất ngờ nhận được điện thoại cầu cứu từ người thân của cô dâu Kim T. (quê Cần Thơ) bị nhà chồng dọa bán nên đã bỏ trốn mà không mang theo được hộ chiếu. Đến Trung Quốc, chúng tôi đã liên lạc được T. và được biết nơi cô về làm dâu tận thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), vùng đất sát Bắc Triều Tiên. T. cho biết cô sang hơn một năm nhưng chưa có bầu nên nhà chồng hết kiên nhẫn, kêu hai người đàn ông đến nhà và ngả giá 6 quan (60.000 tệ) để bán cô. Hoảng sợ, T. bỏ trốn đến nhà một cô dâu Việt khác tá túc hai tháng nay.

Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để nhờ giúp đỡ. Theo hướng dẫn của Đại sứ quán, T. phải ra trình báo công an, tố cáo gia đình chồng đã ngược đãi. Từ đó đại sứ quán mới có căn cứ để gửi công hàm cho Công an Liêu Ninh và cấp giấy thông hành cho T. trở về. Nhưng nhà chồng T. đã “ra tay” trước bằng cách tố cáo với công an T. đang cư trú bất hợp pháp do visa đã hết hạn, trong khi T. không có bằng chứng về sự ngược đãi của nhà chồng. “Công an gọi điện xuống nhà em đang trốn, hỏi dọ mấy lần. Giờ mà em ra khỏi nhà là họ bắt liền” - T. nói một cách tuyệt vọng.

Tình cảnh bị giữ hộ chiếu của T. gần như là mẫu số chung, các cô dâu Hương, Hoa, Dương mà chúng tôi vừa kể đều bị nhà chồng thu mất hộ chiếu. “Em hỏi chồng em nói hộ chiếu của mày nhưng tao bỏ tiền ra làm thì nó là của tao” - Hương kể. Không có hộ chiếu, các cô dâu Việt như cá nằm trong chậu. Ở xóm núi Thiệu Thôn, thuộc thị trấn Chương Đôn, cô dâu Nguyễn Thúy Phượng (quê Vĩnh Long), một trong những cô dâu may mắn được nhà chồng thương, không bị giữ giấy tờ, cho biết đầu năm đến nay có gần chục cô dâu Việt chạy trốn mà không ai đi thoát. “Bỏ trốn nhưng không có hộ chiếu, không đi tiếp được, cũng không nhớ đường quay về nên nhiều cô dâu đành gọi cầu cứu lại nhà chồng. Càng bị ngược đãi mà còn mang tiếng nhục với cả làng” - Phượng chia sẻ cho niềm cay đắng của nhiều cô dâu Việt.

--------------------

* Tên một số cô dâu đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.

VIỄN SỰ - ĐÔNG PHƯƠNG (Từ Phúc Kiến, Trung Quốc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên