10/11/2013 09:47 GMT+7

Chuyện nhà Noura và một vụ cướp

PHƯƠNG MAI
PHƯƠNG MAI

TT - Từ những phút đầu tiên đặt chân vào Syria, với tư cách là một khách lạ và người dưng, tôi đã được chị em Dana đón về nhà chăm sóc, cho ăn cho uống, cho chăn ấm nệm êm. Ngày thứ hai ở Syria, thông qua một người bạn giới thiệu, tôi chuyển đến ở nhà Noura, cũng là một cô gái tôi chưa bao giờ gặp mặt.

fvuHHIlB.jpgPhóng to
TS Phương Mai (thứ hai từ trái sang) và những người bạn Syria trong một tiệc sinh nhật - Ảnh tác giả cung cấp

Kỳ 1: Đường đến Damascus Kỳ 2: Sống trong sợ hãi

Món quà của Thượng đế

Khi chị em Dana đưa tôi ra chỗ hẹn, thoáng thấy bóng Noura tôi cứ ngỡ mình nhìn nhầm vì trông cô chẳng khác gì một cô gái Bắc Âu chính hiệu với mái tóc vàng rực rỡ để tung trong gió, làn da trắng trong suốt và đôi mắt xanh biếc. Khi hai đứa chụp ảnh post lên Facebook, bạn tôi có người kêu lên sao Noura giống con gái Nga thế. Quả thật phụ nữ Syria nổi tiếng xinh đẹp trong thế giới Ả Rập. Có một ai đó nổi tiếng thậm chí đã nói rằng gã đàn ông nào mà không cưới được một cô vợ Syria thì tốt nhất là nên ở vậy đến già.

Tôi vô tư dọn về nhà Noura mà hoàn toàn không biết rằng gia đình cô vừa chạy thoát từ Homs chưa đầy một tuần trước. Họ phải mất bao nhiêu công và rất nhiều tiền mới tìm được một lái xe nhận chở ba mẹ con chạy thoát khỏi thành phố đang bị đánh bom. Chiếc xe khởi hành còn nguyên vẹn, lăn bánh tới Damascus đã lỗ chỗ vết đạn. Họ thuê một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ, một cho Noura, một cho bà mẹ và cậu em trai đã 15 tuổi nhưng vẫn thích ngủ rúc vào nách mẹ. Cả nhà dọn về được vài ngày thì thêm tôi vào ngủ cùng phòng với Noura. Khắp Syria, gần 6 triệu người phải chạy loạn như vậy.

Mẹ Noura là một phụ nữ đơn thân, một nách hai con đêm nào cũng khóc. Tôi thường đi ngủ khi cả ba mẹ con vẫn ôm nhau trên ghế sofa xem các vở opera tới tận 6-7g sáng, một thói quen họ không thể dễ dàng thay đổi từ những ngày gia đình còn làm chủ một quán cà phê Internet ở Homs, đêm nào cũng phải đợi cho đến khi người khách cuối cùng ra về. Vậy mà mỗi sáng tôi thức dậy, trên bàn luôn luôn có bữa sáng dọn sẵn. Tôi vừa cảm động vừa xấu hổ nhận ra mình đang được cưu mang bởi một gia đình đang chạy tị nạn.

Tôi thậm chí còn không biết mình đang được chăm nom bằng những đồng tiền cuối cùng của ba mẹ con cho đến một buổi sáng thức dậy, tôi thấy Noura đang bò lồm cồm trên sàn nhà cùng em trai tìm một tờ tiền đánh rơi: “Jamal có buổi phỏng vấn học bổng du học ở Mỹ hôm nay. Tiền này để trả taxi mà không hiểu sao em đánh rơi mất” - Noura vừa ngó xuống gầm ghế vừa than phiền.

Tôi cũng thụp xuống tìm, cuối cùng cũng thấy, nhưng mà với ngần này tiền thì sao mà đủ? Còn đồ ăn? Còn tiền xe lúc quay về? Còn bữa tối? Còn ngày mai?

“Đừng lo! Bố em đã hứa gửi tiền chiều nay rồi” - Noura nói khe khẽ, vừa nói vừa liếc vội về phía phòng ngủ của mẹ. Xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền quý, hẳn là bà thấy nhục nhã lắm khi phải chìa tay xin tiền của chồng cũ.

Tôi móc ví đưa cho Noura phần còn lại của số tiền tôi mang theo từ Libăng. Cô gái 18 tuổi kiên quyết không nhận, chỉ dám lấy một tờ lẻ để Jamal nhét túi quần trả tiền taxi về nhà.

“Sao em không cầm? Em không cầm chị giận đấy!” - tôi nài nỉ.

“Không là không!” - Noura cương quyết.

Hai ngày sau, Samah trả lại tôi số tiền nhỏ ấy. Bà có vẻ xấu hổ, cứ liên tục xin lỗi vì đã không làm tròn bổn phận của gia chủ. Khách là món quà của Thượng đế mà...

1PyWOEE3.jpgPhóng to
Đây là người đàn ông Libăng bị dân phố đem ra xử vì tội cướp của - Ảnh: Phương Mai

Phiên tòa nhân dân

Một “tai nạn” đã xảy ra với tôi. Hôm ấy tôi hớn hở leo từ trên núi xuống sau khi đã thăm thú hang đá được tương truyền là nơi có dấu bàn tay của thiên thần Gabriel. Và vì là khách du lịch duy nhất ở đất nước đang tan tác chiến trận này, tôi được đặc cách đặt lọt thỏm bàn tay mình vào cái dấu tay trên vòm hang đá.

Hai người đàn ông tình cờ có mặt giải thích cho tôi rằng núi Qassioun nơi chúng tôi đang đứng là nơi hai con trai của Adam và Eva giết nhau vì tranh giành được làm chồng cô em gái xinh đẹp. Sau khi người này giết người kia, ngọn núi rung chuyển bảy ngày liền, cái hang mở ra như vòm miệng của một lời than khóc. Thiên thần Gabriel phải dùng tay đỡ lấy để cứu các sinh linh.

Thế là tôi làm quen với hai người đàn ông này và cùng đi bộ xuống núi trở về trung tâm thành phố. Tame và Zaid là người Libăng tới đây làm việc đã hai năm và khá thông thạo các chốn hang cùng ngõ hẻm của khu phố cổ. Đi ngang qua một ngôi nhà bỏ hoang có mái vòm rất đẹp, tôi dừng lại chụp ảnh. Tame gợi ý giúp và tôi hào hứng trèo qua đống gạch đá chắn trước cổng để đến gần dưới mái vòm. Chỉ trong tích tắc, lúc quay lại tôi đã thấy hai kẻ mới quen vút mất dạng cùng với máy ảnh, cùng với cái túi tôi để lại dưới chân, cùng với điện thoại và khốn nạn nhất là cùng với cả hộ chiếu.

Đớ ra mất một giây, tôi đuổi theo và lấy hết sức bình sinh gào lên: “Help! Help”. Bao nhiêu vốn tiếng Ả Rập bay đi hết. Cổ họng như muốn xé toang ra còn mắt thì hoa lên. May thay, Tame chạy vào một ngõ nhỏ và không ngờ ngõ này đâm thẳng ra khu buôn bán của Cửa Đông (Bab Sharqi). Một, rồi nhiều người túa ra, chặn đường Tame và quật hắn ngã xuống mặt đường. Chỉ cần thấy cảnh Tame bị dúi vào tường là tôi cũng xỉu đi không còn biết trời trăng gì nữa.

Tôi tỉnh dậy sau đó mấy phút và thấy cả một đám đông vây xung quanh. Một cô gái đang cầm cốc nước chanh lo lắng đặt vào môi tôi. Mọi người xôn xao. Một người đàn ông đưa cho tôi cái ví của Tame và hỏi có phải là tôi bị cướp ví không, tôi vẫn không nói được gì, chỉ đón lấy cái ví, rút thẻ căn cước của Tame ra và nhét vào sau lần áo ngực, là nơi tôi luôn để tiền.

Khi tôi đã đứng lên đi được, mọi người quyết định giải Tame vào một ngôi nhà gần đó. Tôi ngồi cạnh một đám 20 người đàn ông, vây quanh ở giữa là “bị cáo” Tame bị đặt trên ghế. Cuộc tra khảo liên tu bất tận khiến Tame quằn quại như con cá mắc lưới. Hắn bị bắt phải quỳ xuống xin lỗi tôi, phải hôn chân tôi. Một người bỗng bất thần hét lên: “Này, nó để tóc dài chắc là dân đồng tính rồi!”. Tôi rúm người lại. Tame bị xốc nách kéo ra một góc tối để khám xét. Tôi thấy da gà da ốc nổi hết lên. Khi quay trở lại ghế, một chiếc kéo được mang đến và những người đàn ông đòi tôi cho phép họ cắt phăng cái đuôi ngựa của Tame. Tôi xua tay xin họ đừng hạ nhục Tame quá mức.

Cuối cùng thì Zaid cũng bị bắt và toàn bộ tài sản được trả về tay tôi. Đám đàn ông rút điện thoại chụp ảnh Tame và tuyên bố họ sẽ in ra để treo khắp hang cùng ngõ hẻm. Tuy nhiên, khi tôi đề nghị được đưa Tame tới báo cảnh sát thì mọi người lại khuyên không nên, đơn giản vì cảnh sát rất tham nhũng và có thể sẽ làm phiền tôi nếu họ muốn kiểm tra đống ảnh trong máy. “Vả lại nó cũng đã bị trừng phạt rồi. Nó không phải kẻ cướp chuyên nghiệp đâu, chỉ là lòng tham nổi lên thôi! - một người đàn ông thêm vào - Nếu đưa nó ra cảnh sát thì nó sẽ bị tù vài năm, vào tù có khi lại hư thêm ra...”.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên những khuôn mặt xôn xao xung quanh. Tôi hiểu mình vừa chứng kiến tận mắt một phiên tòa nhân dân, xử theo luật của nhân dân. Dù chính quyền có thối nát đến cỡ nào, chiến tranh có tang tóc đến cỡ nào, xã hội có loạn lạc đến cỡ nào, nếu những luật lệ văn hóa được gìn giữ thì lòng người cũng khó loạn.

_______________

Kỳ tới: Cuộc sống vẫn cuộn chảy

PHƯƠNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên