08/11/2013 12:46 GMT+7

Đường đến Damascus

PHƯƠNG MAI
PHƯƠNG MAI

TT - Khi tôi đang viết những dòng này, xung đột ở Syria đã kéo dài hơn hai năm với trên 100.000 người thiệt mạng. Sự đau thương diễn ra hằng ngày hằng giờ, mấy trăm người chết ở đây, mấy trăm người chết ở kia, tất cả biến thành những con số, đều đặn đến mức không còn là điều gì mới mẻ nữa.

mAkVZVo3.jpgPhóng to
Những quán ăn vỉa hè ở Damascus cũng đẹp đến mê hồn - Ảnh: Phương Mai

Chiều hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn cầu xin sự giúp đỡ để được tị nạn ở châu Âu. Tôi cảm thấy bất lực đến mức tự giam mình trong phòng cả ngày, lặng lẽ xem lại toàn bộ những bức ảnh và phim tự tay mình bấm máy ở Syria năm 2012. Có cái gì đó không thật, có cái gì đó giống như là một cơn mơ bởi Syria trong trí nhớ của tôi và trong những gì tôi ghi lại bằng ống kính đẹp đến quặn lòng.

Nhẹ nhàng qua biên giới

Tôi đã dừng chân ở Libăng khá lâu trước khi quyết định vượt biên giới qua Syria. Bạn bè dùng đủ phương pháp để phá bĩnh, kể cả việc miêu tả chi tiết viễn cảnh thê lương của một đám tang không xác chết. Trên bản đồ, thủ phủ Damascus của Syria cách biên giới Libăng chỉ có hai tiếng đồng hồ. Ngay sát biên giới phía bên lãnh thổ của Libăng là Anjar - một di tích thành cổ Hồi giáo nổi tiếng. Sau nhiều ngày trằn trọc, tôi quyết định lên đường nhằm Anjar thẳng tiến, bụng bảo dạ cứ mang theo hộ chiếu đến gần biên giới dò xét tình hình thế nào rồi tính.

Sáng hôm ấy, tôi bắt xe đi Anjar, không quên dặn Francesca rút hộ quần áo phơi ngoài hiên nếu chiều nay tôi về muộn. Francesca là phóng viên chiến trường người Ý từng xuất bản nhiều sách về cuộc chiến ở Israel và Palestine. Cũng như bao phóng viên nước ngoài khác, cô trụ lại Libăng để tìm cách vượt biên (bất hợp pháp) sang Syria, chủ yếu là trả tiền cho một vài người thuộc phe chống đối và thâm nhập Syria qua đường núi phía bắc. Tôi từng rất mê kế hoạch này, chỉ rụt lại khi biết được số tiền khổng lồ phải trả cho người dẫn đường để được có 70% cơ hội... chết. Đến phút chót, tôi bảo với Francesca là mình không thể đi như thế.

Mải mê chụp ảnh và lang thang ở Anjar, tôi hết hồn khi ngó đồng hồ thấy đã 5g chiều. Anjar cách biên giới Syria chưa đầy cây số nên tôi đón taxi cùng hai cô gái Syria sang Libăng thăm bạn cùng đường về. Họ tò mò hỏi han đủ chuyện, nhưng chẳng ai rõ thủ tục nhập cảnh cần những giấy tờ gì. Ai cũng bảo cứ tới cửa khẩu rồi tha hồ mà hỏi.

Nghe tôi trình bày, anh giai an ninh sau chấn song sắt cười rất tươi. Sau một hồi Google cẩn thận, rồi gọi điện cho trung tâm để kiểm tra, anh quay lại nhìn tôi với nụ cười tươi rói: “Cô chỉ việc trả tiền rồi được cấp visa thôi, không cần giấy tờ hay chờ đợi gì sất!”.

Hơ!

Tôi nhìn qua vai mình: một cái túi bé tí đựng máy ảnh và 400 đôla. Tôi nhìn xuống chân mình: một đôi dép xỏ ngón sắp đứt quai. Tôi nhìn qua hai cô gái Syria: họ hí hửng vỗ tay ra hiệu mời tôi tối nay ngủ lại nhà. Tôi nhắm mắt thở hắt ra một phát, nhớ ra rằng mình đang đeo kính áp tròng mà không hề mang theo nước và khay rửa. Tiếng anh bạn Mario văng vẳng: “Syria đi là đứt! Đứt phựt! Đừng có điên!”.

EIOZadcH.jpgPhóng to
Ông già kể chuyện nổi tiếng ở Damascus. Mỗi đêm ông kể cho khách trong quán cà phê Noufara một trích đoạn và dừng lại ở chỗ gay cấn nhất - Ảnh: Phương Mai

Assad OK

Dải đường cao tốc nối biên giới Libăng và thủ phủ Damascus đẹp mịn màng, chả giống với hình dung của tôi và Francesca tí nào khi đọc bản tin thấy bảo mìn được gài đầy vùng biên cương. Hai chị em Dana giới thiệu tôi cho cả đại gia đình đang quây quần bên một lò sưởi lớn theo dõi màn hình tivi kín đặc khói bom. Mặt ai nấy vừa vui vừa buồn. Vui vì có khách bất ngờ đến chơi (khách là món quà của thượng đế). Buồn vì thành phố Homs tan tành trong chiến trận. Ai cũng sợ rồi sẽ đến phiên Damascus. Ba nghìn năm lịch sử của một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới bỗng chốc trở nên mong manh như số phận một đô thị không tên. Bố của Dana rút từ trong ngăn kéo ra cuốn hộ chiếu với chi chít visa nhập cảnh vào châu Âu. Ông là kỹ sư, thời trẻ từng nhiều lần qua đó làm việc. Giờ đến lúc cần phải đi nhất thì lại không thể. Miết ngón tay lên những con dấu chồng chéo lên nhau, bất chợt ông quay sang hỏi tôi:

- “Cô có thể bảo lãnh cho gia đình tôi sang Hà Lan được không?”.

Tôi nghẹn hết cả họng.

Đêm ấy tôi ngậm kính áp tròng dưới đầu lưỡi đi ngủ. Mẹo này được Francesca bày cho nhưng chưa thử bao giờ. Ngoài phố xa vọng lại vài tiếng súng. Chị em Dana nằm ở đệm kế bên nắm tay bảo chỉ là tiếng súng bắn vu vơ, không rõ nói thật hay chỉ định vỗ về một kẻ nhát gan khó ngủ.

Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy ê ẩm khắp người, mắt nhắm mắt mở lò dò bước vào phòng khách. Ở Trung Đông, gian chính trong nhà thường được trải thảm với hàng chục chiếc gối to và mềm xếp dọc theo chân tường để mọi người và khách khứa nằm ngồi, dựa lưng. Khi tôi vừa kịp rúc đầu vào một góc ấm áp thì bỗng giật nảy hết cả mình vì nghe thấy mọi người nhắc đến chữ sifara (đại sứ quán) và nhắc đến... tên mình. Tôi cố tập trung lắng nghe nhưng chịu chết. Không nén được tò mò, tôi len lén mở điện thoại nghe nhạc và bấm nút thu âm. Chỉ vài giây sau, tôi cảm nhận thấy một tia nhìn lạnh buốt xuyên qua gáy. Ngẩng lên, thằng em trai 9 tuổi của Dana đang khoanh tay nhìn xoáy thẳng vào người tôi với đôi mắt tóe lửa. Nó bặm môi, rồi bất thần gào lên the thé.

Tôi cứng hết cả người vì sợ hãi. Mẹ Dana đập vào lưng thằng Abdul bắt nó câm miệng rồi quay sang tôi. Cố giấu các ngón tay đang run bần bật, tôi chìa cho bà xem một cái app nhạc đang chạy trên màn hình điện thoại. Bà quay sang thằng Abdul, nói với nó vài câu và mỉm cười nhìn tôi lắc đầu vẻ xin lỗi. Thằng Abdul ngồi xuống cạnh mẹ, mắt gườm gườm. Tôi chắc chắn đến một sợi tóc trên cái đầu bù xù của nó cũng không tin là tôi nói thật. Dana và lũ em thấy vậy liền kéo tôi sang phòng riêng. Vừa mân mê cái tay áo sơmi của tôi, Dana vừa nói, giọng không biết thanh minh hay chỉ để cố che giấu nỗi lo sợ: “Chúng tôi ủng hộ Assad! Assad OK!”.

Đằng sau lưng tôi, anh trai của Dana ném thịch người xuống chồng đệm cao ngất, miệng lầu bầu: “Không đúng! OK thế nào được mà OK?”.

Lòng người rối ren, gia đình rối ren, và cả một đất nước rối ren vì chính bản thân họ cũng bị chia cắt trong cuộc nội chiến dai dẳng này.

Tác giả hiện là tiến sĩ, giảng viên ngành giao tiếp đa văn hóa tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), Nguyễn Phương Mai (36 tuổi) đã đặt chân đến gần 80 quốc gia, phần lớn trong số đó vì niềm đam mê khám phá, trải nghiệm. Và lần này là những điều mắt thấy tai nghe của cô tại Syria.

____________

Kỳ tới:Sống trong sợ hãi

PHƯƠNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên