04/11/2013 06:00 GMT+7

Người bán vé số "đặc biệt"

CHÍ QUỐC - SƠN LÂM
CHÍ QUỐC - SƠN LÂM

TT - Bà Bảy “vé số” tên thật là Đặng Thị Bảy, 68 tuổi, bị liệt nửa người. Bà khập khiễng bước từng bước đầu làng cuối ngõ ven dòng kênh Thầy Lâm, địa bàn xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bán vé số đã hơn 30 năm nay.

tf8Kp8bw.jpgPhóng to
Hằng ngày, bà Bảy đều đến thắp hương cho các liệt sĩ - Ảnh: Chí Quốc

Bà Bảy là thương binh, nghèo, đi bán vé số. Nhưng có một điều đặc biệt là năm 2011, bà thương binh già hằng ngày phải vật lộn với việc đi đứng, năn nỉ người đời mua vé số đã đem đến UBND xã đóng góp 72 triệu đồng để trùng tu nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương.

Hôm chúng tôi tới thăm, bà Bảy vừa bị trượt ngã trong lúc đi bán vé số, bị gãy tay nên phải nghỉ ở nhà. Đây cũng là lần hiếm hoi bà nghỉ ở nhà trong hơn 30 năm đi bán vé số. 13 tuổi, bà Bảy tham gia cách mạng làm giao liên, rồi làm y sĩ ngay trên quê nhà Long Hưng. “Hồi đó tui nhỏ nhất nên được các anh chị cưng dữ lắm. Chiến tranh ác liệt, sống chết chẳng biết đâu mà lần. Anh chị em trong chi bộ vẫn hay ngoéo tay nhau thề đứa nào còn sống thấy hòa bình thì nhớ mồ mả cho nhau” - bà Bảy kể. Thế rồi năm Mậu Thân 1968, cả chi bộ đang họp bàn sách lược chiến đấu thì một trái bom văng vào. Ba đồng đội hi sinh, còn bà Bảy bị ba mảnh đạn găm vào đầu đến tận bây giờ.

Hòa bình lập lại, bà Bảy tiếp tục công việc ở trạm y tế xã, lo công tác đào tạo lớp y sĩ kế tiếp. Lời hứa với đồng đội năm xưa cũng như ba mảnh đạn đã găm vào đầu âm ỉ không yên. Thời buổi đất nước khó khăn, bà Bảy cũng chẳng biết làm gì hơn. Đến năm 1979, những mảnh đạn trong đầu hành nặng hơn. Sau một đợt chữa trị tại TP.HCM, một bên người bà Bảy liệt hẳn, tay phải co quắp lại, không tự cầm nắm được nữa. Nghỉ việc, dù là thương binh hạng 1/4, được hưởng trợ cấp hằng tháng nhưng bà Bảy chọn cách đi bán vé số để tiếp tục nuôi ba đứa cháu ruột ở với mình. Chẳng ngờ công việc bán vé số lại có thể góp phần giúp bà thực hiện cái ngoéo tay với đồng đội năm nào.

Cuối những năm 1990 cuộc sống có phần ổn định hơn, bà Bảy mua một con heo đất để thực hiện lời hứa chăm lo mồ mả cho đồng đội. Nhận trợ cấp thương binh mỗi tháng, bà Bảy lại trích ra 500.000 đồng, cùng với số tiền dư từ việc bán 100 tờ vé số hằng ngày, tất cả cho vào ống heo. “Năm 2010 là năm may mắn nhất, chỉ trong vòng một tháng tui bán được hai lần trúng giải đặc biệt nên người ta thưởng, chắc nhờ đó mà ống heo mau đầy” - bà Bảy cười kể.

Đến năm 2011, khi hay tin xã đang có kế hoạch trùng tu nghĩa trang liệt sĩ, nơi an nghỉ của hơn 40 đồng đội cũ, cũng là lúc ống heo của bà Bảy chật cứng, không nhét thêm được nữa. Đập ra đếm lại được đến 72 triệu đồng, bà Bảy tất tả đem đến UBND xã ủng hộ việc trùng tu nghĩa trang. Chị Nguyễn Thị Út Mai - phó chủ tịch UBND xã Long Hưng A - kể lại: “Ai cũng biết bà Bảy nhưng khi thấy bà đem lên 72 triệu đồng nói để góp tiền trùng tu nghĩa trang liệt sĩ thì hết thảy đều bất ngờ. Chuyện này quá lớn, chúng tôi phải xin ý kiến cấp trên mới dám nhận”.

Hiện tại những ngôi mộ đồng đội cũ vốn chỉ xây bằng vữa nay đã được ốp gạch men cao cấp. Với 150 tờ vé số, hiện tại chỉ buổi sáng là người thương binh có dáng đi khập khiễng ấy bán hết. Những người dân ở đây ai cũng hiểu giúp bà Bảy một tờ vé số cũng là góp phần cho nghĩa trang liệt sĩ quê mình đẹp hơn.

CHÍ QUỐC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên