Phóng to |
Ông Vũ Mão - Ảnh: Lâm Hoài |
Hoàn tất tập dợt đưa linh cữu Đại tướng ở sân bayMáy bay dân dụng đưa linh cữu Đại tướng về quêNơi an nghỉ của Đại tướng hướng ra biển Đông
Trong những ngày này, cảm xúc dâng trào hơn bao giờ hết, ông Vũ Mão nói trong bùi ngùi:
- Các thế hệ lãnh tụ tiền bối của chúng ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… mỗi người là một tấm gương soi rọi cho cả dân tộc, cho các thế hệ.
Với Đại tướng, phải nói rằng dân tộc ta may mắn có một vị tướng huyền thoại, một vĩ nhân, một nhân cách thu phục lòng người sống xuyên qua hai thế kỷ, để thế hệ trước và cả thế hệ hôm nay có thể chiêm ngưỡng được, gặp gỡ được, học hỏi được kịp trước khi người mãi mãi ra đi...
* Là người trải qua nhiều vị trí công tác, có cơ hội được làm việc và gặp gỡ với Đại tướng không ít lần, kỷ niệm nào sâu sắc nhất để lại trong ông?
- Ông Vũ Mão: Kỷ niệm thì nhiều lắm, mỗi lần được gặp Đại tướng là một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng rõ ràng nhất, "ám ảnh" nhất chính là về cái tâm của Đại tướng. Còn nhớ năm 1994, nhân dịp tròn 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi được dịp cùng Đại tướng trở về thăm lại chiến khu Trần Hưng Đạo (Cao Bằng). Hay tin ông về, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức lễ míttinh kỷ niệm và lễ đón long trọng, nồng nhiệt, cờ hoa rực rỡ.
Thế nhưng dù cảm kích trước tình cảm nồng hậu dành cho mình nhưng Đại tướng biểu hiện không vui, ánh mắt trĩu nặng một nỗi buồn. Đại tướng nói rằng mình trở về thăm lại chiến khu như đứa con về thăm lại gia đình, quê hương mình vậy, làm sao vui nổi khi thấy quê hương còn nghèo đói, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.
Trong bài nói chuyện của mình, Đại tướng nhấn mạnh địa phương cần phải phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng cần phải trăn trở để đưa đời sống nơi phên giậu Tổ quốc này khấm khá hơn, cho bà con đỡ vất vả hơn.
Lời nhắn nhủ sâu sắc của Đại tướng khiến những cán bộ cả trung ương, địa phương và bà con vùng chiến khu thấm thía và cảm kích vô cùng…
* Theo ông, Đại tướng ra đi, tài sản quý báu mà người để lại cho dân tộc, cho các thế hệ là gì?
- Ông Vũ Mão: Con người Đại tướng, cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng là một tài sản vô giá, trở thành những bài học lớn mà sẽ còn nguyên giá trị mãi về sau. Trước hết, ai cũng thấy rõ Đại tướng là một con người tâm huyết. Ngay từ thời niên thiếu, người đã tâm huyết với dân tộc, với đất nước khi tự mình đi tìm tòi con đường giải phóng dân tộc.
Khi gặp Hồ Chủ tịch và tìm được lý tưởng cách mạng ở Bác, Đại tướng lựa chọn và trung thành với lý tưởng đó theo tới tận cùng sau này. Võ Nguyên Giáp vừa phấn đấu vun đắp cho lý tưởng, vừa tranh đấu để mọi người cùng thực hiện lý tưởng đó. Không phải đến thanh niên bây giờ mà từ thế hệ chúng tôi, thậm chí trước chúng tôi luôn phải học theo lý tưởng sống đó của Đại tướng.
Bài học thứ hai mà Đại tướng để lại đầy sinh động đó chính là nghị lực, khí phách, bản lĩnh kiên cường, theo đến cùng sự nghiệp của mình. Cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ chiến tranh thì đã rõ, còn sau này khi đất nước thống nhất, dù có không ít trắc trở nhưng Đại tướng luôn cho thấy tấm gương tận tụy, tinh thần thép đến bình thản, cống hiến hết sức mình cho nhân dân, cho đất nước.
Thứ ba, bài học thường ngày từ Đại tướng đó là đức tính giản dị, khiêm nhường, quần chúng từ trong lối sống đến công việc. Đại tướng là một trong những người tiên phong đả phá "thói kiêu ngạo công sản". Trong chiến đấu Đại tướng luôn biết dùng quân, huy động hậu cần tiết kiệm nhất, hạn chế thiệt hại ở mức tối thiểu người và của. Còn cuộc sống gia đình, Đại tướng cũng vô cùng giản dị, không mưu cầu gì cho cá nhân, gia đình mà đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc lên đầu.
Thứ tư, Đại tướng là con người mà văn võ hòa quyện làm một, dù “hét ra lửa” trong trận mạc, nhưng trong cuộc sống hằng ngày Đại tướng hiền lành, lãng mạn vô cùng. Người luôn bồi bổ cho tâm hồn mình, yêu văn hóa văn nghệ, biết chơi đàn…
Vì vậy Võ Nguyên Giáp không chỉ được biết đến là một vị tướng mà là một nhà văn hóa lớn. Sau này phụ trách lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, những quyết sách của Đại tướng đều ở tầm chiến lược.
* Theo ông, thế hệ trẻ và tổ chức thanh niên hiện nay cần làm những gì để có thể học hỏi được nhân cách vĩ đại của Võ Nguyên Giáp?
- Ông Vũ Mão: Không phải đợi đến bây giờ, chính cuộc đời tôi, bạn bè ở thế hệ chúng tôi cũng đã học ở các thế hệ lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… mới có thể trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước để đóng góp sức mình cho đất nước.
Thế hệ trẻ hôm nay hoàn cảnh khác nhiều, mong rằng từ môi trường, vị trí của mình có thể tìm tòi rút ra những bài học quý báu từ "kho tàng" mênh mông của Đại tướng. Từ đó cụ thể hóa trong cuộc sống, trong công việc của chính mình.
Còn về tổ chức thanh niên, việc làm ngay và về lâu dài là cần tập hợp, khai thác từ chính tầm vóc to lớn của Đại tướng để phát động thành một phong trào, thậm chí là cao trào cho thanh thiếu niên học tập theo tấm gương của Đại tướng. Làm sao vừa trở thành sâu rộng, lan tỏa, vừa cụ thể, thiết thực nhất.
Tôi nhớ lại những năm 1980, khi đó tôi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" rất mạnh, đó là việc huy động đoàn viên thanh niên tìm lại những nhân chứng lịch sử để từ đó tôn vinh, nhân rộng.
Kế đó, vào năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn phát động phong trào "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng", tổ chức hành hương về nơi khởi tổ thành lập lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên ở chiến khu Trần Hưng Đạo…
Sang năm (2014) chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thiết nghĩ Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên nên phát động chương trình mang ý nghĩa như "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng" năm nào.
Phải để các bạn trẻ dùng bài học của ngày hôm qua để xây dựng cho ngày hôm nay. Chúng ta còn thua kém nhiều quá, ngày hôm qua là nỗi nhục của mất nước, còn nỗi nhục ngày hôm nay là nỗi nhục của thua kém. Tất cả trông đợi vào lớp trẻ, đó cũng là kỳ vọng và đòi hỏi của những vị anh hùng đã cống hiến trọn đời cho cả dân tộc mình như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phát động phong trào học tập theo tấm gương Võ Nguyên Giáp Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ban Bí thư Trung ương Đoàn vừa phát động một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ Việt Nam” trên tất cả các cấp bộ Đoàn cả nước thông qua các buổi tọa đàm, chiếu phim tư liệu, thảo luận... Ngoài ra Đoàn vận động hệ thống báo chí của Đoàn, đoàn viên thanh niên thông qua mạng xã hội đăng tải các bài viết, hình ảnh, mở các diễn đàn bày tỏ những suy nghĩ và thể hiện tình cảm yêu mến, tri ân với Đại tướng. "Thân thế, sự nghiệp của Đại tướng đã có một sức ảnh hưởng vô cùng to lớn với nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ. Người là bài học lớn, quý báu cho thế hệ trẻ hiện nay. Đoàn sẽ làm hết sức để nhân rộng nhân cách của Đại tướng vào trong phong trào thanh niên cũng như đời sống của thế hệ trẻ", anh Vinh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận