02/09/2013 11:01 GMT+7

Kỳ cuối: Bảo vật quốc gia

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Kháng cự càng lâu càng tốt nhưng không quên điều chủ yếu là bảo toàn lực lượng bằng mọi giá, đó là chỉ thị của tướng Giáp cho lực lượng tự vệ. Chiều ngày 14-2-1947 sau khi quân Pháp chiếm được chợ Đồng Xuân thì việc quân đã được quyết định.

Sau khi kẻ khẩu hiệu lên tường “Chúng tôi sẽ trở về”, đơn vị cuối cùng đã rút lui trong đêm 18-2 băng qua bãi giữa sông Hồng. Sau hai tháng giữ vững cuộc chiến trong lòng Hà Nội, trung đoàn Thủ Đô đã rút ra ngoài một cách an toàn, không có thiệt hại gì đáng kể. Trong nhật lệnh tướng Giáp nói: Các đồng chí sẽ tiếp tục chiến đấu vì Tổ quốc. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hoặc lâu hơn nữa nếu cần thiết...”.

Lj2x0ywC.jpgPhóng to
Quân Pháp trên đường tiến vào Hà Nội - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Đêm khởi đầu kháng chiến Kỳ 2: “Hi sinh đến giọt máu cuối cùng” Kỳ 3: Đáp lời vệ quốc

Rút khỏi Hà Nội

Với tư cách một nhân chứng của thời điểm lịch sử này, sử gia Georges Boudarel đã tường thuật tỉ mỉ những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến mùa đông năm 1946 ở Hà Nội. Ông khẳng định lực lượng đối phương của quân Pháp không hề bị đánh bại, tan rã như các tướng lãnh Valluy, Morlière từng tuyên bố. Chính viên đại diện Pháp ở Hà Nội, Sainteny, nằm trên giường cứu thương đã phải đọc một báo cáo cho sĩ quan trợ lý viết gửi về Pháp. Nguyên văn bản báo mật này đã được sử gia Philippe Devillers lục tìm trong tàng thư Bộ Pháp quốc hải ngoại: “Cuộc kháng chiến của Việt minh - tôi nói Việt minh - kiên trì và dẻo dai hơn nhiều so với mức dự kiến của chúng ta. Chúng ta không phóng đại nếu chúng ta nói đến một tinh thần cuồng nhiệt thật sự ở mọi tầng lớp chiến sĩ Việt minh. Bộ chỉ huy Pháp đã tận dụng đến mức tối đa những phương tiện sẵn có trong tay và luôn luôn nắm được tình hình các địa phương, nhưng thời hạn dự tính để giải phóng Hà Nội và vùng phụ cận đã bị đánh giá quá thấp”.

Trong báo cáo với giọng điệu đầy cay đắng này, Sainteny còn tường thuật thêm sự chùn bước của đội quân lê dương: “Sau năm ngày chiến đấu mới đụng chạm đến được một vài mục tiêu mà đáng lẽ chỉ vài tiếng đồng hồ thôi đã đủ để giải phóng. Các yếu tố vũ trang chính quy của Việt minh đang được tập trung ở vòng ngoại vi, dường như chưa được tận dụng hết khả năng và vẫn để lại nguy cơ một cuộc phản công quy mô lớn khi mà quân đội Pháp tỏ ra có dấu hiệu mệt mỏi. Con số rất đông các đội quân tự vệ tập trung ẩn náu trong khu phố người An Nam đặt ra một vấn đề vô cùng khủng khiếp. Tình hình này có nguy cơ cố định dần mà chúng ta không làm sao nới rộng được cái thòng lọng Việt minh”.

Trong cuốn sách Hà Nội 60 ngày khói lửa, trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận này, tường thuật ngay việc tạm rút lui thành công của trung đoàn Thủ Đô cũng làm đội quân viễn chinh Pháp sững sờ. Từ tháng 2-1947, Hà Nội đã bị quân Pháp quây chặt. Tất cả con đường hay mọi ngóc ngách có thể đi ra ngoài được của trung đoàn Thủ Đô ở liên khu 1 đều bị lính Pháp với hỏa lực mạnh bố trí quân dày đặc. 17g chiều 17-2-1947, lệnh truyền xuống đơn vị phải rút lui khỏi Hà Nội. Nửa đêm, trung đoàn bắt đầu rời khỏi Hà Nội qua bãi giữa dưới cầu Long Biên. Một nhóm nhỏ đã tình nguyện ở lại quyết tử để đánh nghi binh cho đơn vị chính rút lui. 12 giờ trưa, đơn vị đến nơi an toàn ở Phúc Yên bên kia sông Đuống. Và những chiến sĩ ở lại cản đường đã hi sinh gần hết...

K3SbPTFs.jpgPhóng to
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến khu Định Hóa năm 1947 - Ảnh tư liệu

Chứng nhân lịch sử

Nhiều năm nhắc nhớ những ngày cuối cùng bám trụ Hà Nội mùa đông khói lửa năm 1946, người cựu chiến binh Hoàng Giáp vẫn không kìm được xúc động. Tất cả chiến sĩ trong đơn vị do ông chỉ huy tác chiến ở liên khu 2 đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng cho trận đánh cuối cùng. Họ chỉ chịu rút lui theo lệnh trên để bảo toàn lực lượng cho ngày trở lại Hà Nội. Từ đây, cuộc chiến vệ quốc theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh sang bước ngoặt mới để đi đến thời khắc lịch sử 1954.

Trong ký ức của những chiến sĩ năm nào nay đầu đã bạc như ông Hoàng Giáp, họ rời khỏi Hà Nội cùng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bản thảo lịch sử này đang được trưng bày cho hậu thế xem. Nhưng thời chiến, nó đã được chính người dân gìn giữ ở Thái Nguyên. Trong hồ sơ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ông Lê Chí Nam công tác tại văn phòng tướng Võ Nguyên Giáp thời điểm tháng 12-1946 đã trực tiếp giữ bản thảo gốc có bút tích của Hồ Chí Minh và Trường Chinh này. Chiến sự nổ ra, ông Nam lên chiến khu Việt Bắc. Và trong hành trang của ông luôn gìn giữ cẩn thận bản thảo lịch sử.

Đầu năm 1952, ông Nam được chuyển nhiệm vụ ở liên khu 5. Dọc đường có nhiều vùng quân Pháp chiếm đóng, ông sợ bị mất tài liệu lịch sử quan trọng nên phải gửi lại nhà một người dân tộc Tày ở xã Yên Bình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Sau chiến tranh năm 1954, ông Nam trở về nhà người này, xin lại gói tài liệu, và xúc động thấy bản gốc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn được gìn giữ nguyên vẹn trong túi đồ mình gửi.

Suốt gần 20 năm ở Hà Nội, ông Nam đã cố gắng bảo vệ bản thảo này trong hoàn cảnh bị máy bay đánh phá. Ngày 4-6-1970, hưởng ứng lời kêu gọi hiến tặng tài liệu, hiện vật lịch sử cho bảo tàng, ông Nam đã mời ông Trần Ngọc Chương, cán bộ Bảo tàng Cách mạng, đến nhà riêng ở phố Điện Biên Phủ, Hà Nội để trao tận tay bản thảo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nam chỉ có nguyện vọng xin được dập lại một bản sao giữ làm kỷ niệm ở nhà mình.

Sau đó, ông Trần Ngọc Chương và các đồng nghiệp ở Bảo tàng Cách mạng đã tiến hành thẩm định, kiểm tra lại nguyên vẹn bản gốc. Họ có đến gặp ông Trường Chinh và được xác nhận đúng như những gì ông Lê Chí Nam đã kể về sự ra đời của bản thảo cũng như những bút tích thêm vào là của ông Trường Chinh... Trân trọng ý nghĩa lịch sử bản thảo do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết này, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký công nhận là bảo vật quốc gia có quy chế gìn giữ và trưng bày đặc biệt.

Theo ông Đinh Ngọc Triển - trưởng phòng quản lý hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện bản thảo đang trưng bày cho mọi người xem là bản phục chế. Còn bản gốc đang được gìn giữ cẩn mật trong một két thép đặc biệt ở tầng hầm của tòa nhà bảo tàng ở Hà Nội. Vì đây là một tờ giấy đã trải qua nhiều thời gian, điều kiện thời tiết, chiến tranh khắc nghiệt nên tình trạng khá cũ, đã bị ố vàng, sờn mép giấy. Các chuyên gia ở bảo tàng phải nghiên cứu, gìn giữ bản thảo này ở nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm tốt nhất để bảo đảm được độ bền lâu dài của giấy và bút mực viết trên đó.

Ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, là người giữ chìa khóa két thép. Nhưng khi cần mở, ông cũng phải lập một hội đồng nhiều người giám sát với nhiều chữ ký xác nhận. Bởi như chính các cán bộ bảo tàng tâm sự: Có những thứ dù quý mấy, đắt mấy vẫn có thể mua lại, làm lại được. Nhưng có những thứ sẽ không thể tìm lại. Và đó chính là sự thật lịch sử để hậu thế mai sau được biết máu xương cha ông mình đã đổ xuống cho Tổ quốc này!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên