Nhưng câu chuyện về ba, lá cờ chủ quyền mà ba đã quyết tử để bảo vệ ở Gạc Ma, về vòng tròn bất tử của ba và các đồng đội... đã đi vào máu tim tôi.
Phóng to |
Giọt nước mắt của Thủy trên biển Gạc Ma nơi cha mình hi sinh - Ảnh: Viễn Sự |
Ba như vẫn sống
Ba tôi đã hi sinh trong trận chiến không cân sức với quân Trung Quốc, kẻ rắp tâm cướp biển đảo của Tổ quốc. Ngày ba hi sinh, mẹ tôi chỉ mới vỏn vẹn 22 tuổi xuân, còn tôi chỉ mới là một giọt máu đỏ hỏn nằm trong bụng mẹ. Có lẽ ba tôi cũng chưa biết được mẹ đã mang trong lòng giọt máu của ba. Một ngày cuối năm mẹ sinh tôi ra trong muôn vàn khó khăn, nhưng mẹ đã vượt qua bằng tình thương vô biên dành cho ba.
Những năm tháng ấu thơ, tôi chưa đủ lớn để hiểu được tại sao mình không có ba như những bạn khác. Mẹ kể ngày tôi còn bé, khi các chú các bác ở các cơ quan tới thăm, tôi luôn miệng gọi các chú ấy là ba. Còn thật ra với tôi, hình dáng của ba chỉ trong trí tưởng tượng từ những lời mẹ kể: Ba tôi là người đàn ông có vóc dáng cao to, đẹp trai và tôi thấy ba trên khung hình đặt ở bàn thờ. Đó là tất cả những gì tôi được biết về ba, mơ màng và ít ỏi.
Năm tôi lên 4 tuổi, hài cốt của ba được đưa về ở nghĩa trang gần nhà. Ngày nào tôi cũng cùng mẹ chạy qua thắp nhang cho ba. Khi tôi lớn hơn, đã hiểu hơn, thấy bạn bè mình sao ai cũng có ba mà mình không có, tôi cảm thấy thiếu thốn và ghen tị với bạn bè, tôi thắc mắc với mẹ: “Mẹ ơi, tại sao con không có ba, ba con đâu rồi?”. Những câu hỏi của tôi khiến mẹ khóc, mẹ trả lời tôi trong những tiếng nấc nghẹn ngào: “Ba con hi sinh rồi!”. Sự thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần khiến tôi luôn cảm thấy buồn, rồi thấy thương mẹ hơn khi ai cũng có người gánh vác mọi công việc nặng nhọc, còn mẹ tôi thì phải làm tất cả không quản ngại nắng mưa.
Khi tôi biết đọc biết viết, mẹ cho tôi xem cuốn nhật ký của ba để lại cùng những bức thư ba viết gửi về cho mẹ. Trong đó là những dòng cảm xúc của ba, là những tâm tư tình cảm của ba gửi về cho mẹ, là tình yêu thương dành cho người vợ trẻ ở quê nhà, là những lời sau cuối trước lúc mãi mãi nằm lại nơi đảo xa. Tôi đọc và khóc, biết mãi mãi sẽ không còn được gặp ba bằng xương bằng thịt nữa mà chỉ là qua tấm hình kia thôi. Khi ấy, đã nhiều lần tôi thầm mong ba tôi chưa hi sinh mà sẽ được một ai đó cứu sống giống như trong những bộ phim mà tôi được xem, rồi vẫn hi vọng có một ngày ba trở về với mẹ con tôi trong niềm hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ... Một giấc mơ bất tử mà bất cứ đứa trẻ nào trên đời này như tôi cũng sẽ mơ.
Phóng to |
Thủy được các cán bộ của Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân kể lại câu chuyện của người cha Trần Văn Phương - Ảnh: Viễn Sự |
Xin được nối bước cha
Ngày làm hồ sơ để dự thi đại học, thú thật tôi phân vân không biết nên chọn học ngành gì. Tôi thầm ước giá như có ba thì ba sẽ là người hướng dẫn tôi, giúp tôi lựa chọn ngành nghề cho mình. Trong tâm thức, tôi muốn được học trong một trường quân đội bởi vì tôi muốn được tiếp bước cha tôi, nhưng thật không may tôi đã lỡ kỳ sơ tuyển. Rồi tôi cũng chọn cho mình một trường đại học.
Khi nhập trường tôi cũng có mẹ theo cùng, nhưng vì đi quãng đường xa bằng ôtô mà mẹ tôi lại bị say ôtô, vậy là mẹ ngồi nghỉ ở phòng bảo vệ, còn tôi lại một mình tự lo tất cả trong khi mọi thứ đều xa lạ đối với mình. Cứ như vậy, tôi trưởng thành rất nhiều, tôi học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình, tôi kiên cường hơn vì biết nếu không như vậy thì tôi sẽ không thực hiện được nguyện vọng của mình.
Nung nấu quyết tâm vào hải quân, khi học xong tôi nộp hồ sơ vào xin việc ở nơi mà ngày trước ba tôi đã công tác. Đơn giản chỉ vì tôi muốn được bước tiếp theo chân ba và được cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giống như ba mình đã làm 20 năm về trước. Tôi cũng muốn được một lần bước chân ra Trường Sa, nơi ba tôi đã ngã xuống một cách anh dũng.
Rồi tôi cũng thực hiện được nguyện vọng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bác Nguyễn Đức Vượng, nguyên chính ủy của Lữ đoàn 146, giới thiệu mà tôi được nhận vào làm nhân viên của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa. Một năm sau, tôi được chuyển qua công tác tại Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) - đơn vị của ba tôi. Hiện giờ tôi vẫn đang công tác tại đây. Công việc ấy đã giúp tôi thực hiện được ước mơ ra Trường Sa để được tận mắt nhìn thấy những hòn đảo, những bãi san hô, cả vùng biển mà ba tôi và nhiều người khác đã hi sinh xương máu để gìn giữ.
Giờ tôi đã là một người lính, tôi tự hứa với lòng mình sẽ luôn luôn kiên trung, bền lòng bền chí để luôn xứng đáng với truyền thống anh hùng của cha ông. Phía trước sẽ còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tôi tin ba tôi luôn bên cạnh để chỉ dẫn tôi, giúp tôi thực hiện tiếp ước mơ của mình.
Điều cuối cùng, đối với tôi và cả chúng ta nữa, “vòng tròn người lính bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc” trên bãi Gạc Ma ngày 14-3-1988 sẽ mãi mãi bất tử. Và bây giờ, 25 năm sau, khi Trường Sa cần, khi Tổ quốc cần, chúng ta cũng sẽ sát cánh cùng nhau kết thành một vòng tròn bất tử mới.
Giây phút “đoàn tụ” Đó là vào buổi trưa 24-4-2010, con tàu HQ 936 đi ngang qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, vùng biển mà ba tôi đã hi sinh. Từ boong tàu cao nhất, tôi dõi nhìn màu nước thẳm xanh của biển Gạc Ma, nơi có linh hồn của ba tôi và nhiều liệt sĩ khác. Từ xa xa tôi như nhìn thấy sự hiện diện của ba mình đang hướng về phía nơi con tàu tôi đang đứng. Trong tiếng gió và sóng biển gầm gào, tôi gọi điện về cho mẹ. Chỉ kịp nói: “Con đến nơi ba nằm rồi mạ...”, rồi chỉ còn tiếng nấc nghẹn của hai mẹ con... Giây phút trùng phùng ấy giúp tôi có thêm nghị lực mới. Đêm ấy khi tàu neo ở Sinh Tồn, tôi đã thảo lá đơn viết tay xin vào hải quân, gửi trực tiếp cho chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh quân chủng hải quân, người đang chỉ huy chuyến hải trình ra Trường Sa... Lá đơn của tôi được chấp nhận. Và đó là lá đơn vượt cấp, một ngoại lệ chưa từng có trong quân chủng. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường SaKỳ 2:“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc MaKỳ 3:Khi tiếng súng lặng imKỳ 4: Lá thư không người nhậnKỳ 5: Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc MaKỳ 6: Ngày trở về...Kỳ 7: Tìm lại tên cho anhKỳ 8:Đường về quê mẹ Kỳ 9: Hai chiếc đài để lại
Kỳ tới: Nước mắt mẹ không còn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận