13/03/2013 10:05 GMT+7

Trường Sa - khúc bi tráng 14-3: Ngày trở về...

MY LĂNG - LÊ ĐỨC DỤC
MY LĂNG - LÊ ĐỨC DỤC

TT - Sau khi sự cố xảy ra với Phạm Vinh, tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức vội vã đưa người thợ lặn xấu số của tàu mình về Lý Sơn mai táng.

Cùng lúc đó, di vật và di cốt của những người lính hải quân trong con tàu HQ-604 cũng được anh em cán bộ chiến sĩ trên đảo Cô Lin chăm lo nhang khói, chuẩn bị cho chuyến trở về của các liệt sĩ.

7XEJBDT6.jpgPhóng to
Kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ hi sinh tại vùng biển Gạc Ma ngày 14-3-1988 - Ảnh: My Lăng
g2IdfCvJ.jpgPhóng to
Trường Sa 21 là con tàu đưa hài cốt các liệt sĩ hi sinh tại vùng biển Gạc Ma trở về đất liền. Đây cũng là con tàu chở chuyến đá đầu tiên trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ra đảo Đá Tây- Ảnh: thuận thắng

Xác thân còn lại chút này...

Đại úy Chu Văn Phượng, đảo trưởng đảo Cô Lin vào năm 2008 (thời điểm tìm thấy các liệt sĩ trên tàu HQ-604), hồi ức về cuộc quy tập thiêng liêng ấy:

“Chiều thứ hai của cuộc tìm kiếm, khi ông Võ Văn Chức từ tàu Thành Công 07 báo đã đưa được hai bao hài cốt lên, tôi quá nôn nóng đi xuồng ra đón ngay. Nhìn thấy những mảnh xương lẫn vào nhau không còn nguyên vẹn, anh em trên đảo không ai kìm được nước mắt. Trong ba mảnh xương hộp sọ được mang lên, chỉ một hộp sọ còn được 1/3 do bị đạn pháo bắn. Chúng tôi lấy sả khô nấu nước thơm để “tắm” cho hài cốt các anh. “Tắm” xong, anh em cán bộ chiến sĩ trên đảo ngồi tỉ mỉ lau sạch từng mảnh xương bằng bông gạc quân y. Tất cả đều im lặng làm trong niềm xúc động thiêng liêng khi cầm trên tay chút hình hài của đồng đội mình” - anh Phượng xúc động kể.

Toàn bộ hài cốt liệt sĩ được đặt vào hai chiếc hòm sắt quân đội, bên trên phủ lá cờ Tổ quốc. Chiến sĩ trên đảo gấp rút chuẩn bị lư hương, đặt bàn thờ. 6g tối hôm đó, ngay trong sóng gió, toàn đảo mặc quân phục tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ ngay dưới cột mốc chủ quyền.

“Trong đời tôi chưa bao giờ dự một lễ truy điệu thiêng liêng, trang trọng và xúc động như thế - anh Phượng chia sẻ - Sau lễ truy điệu, bàn thờ lư hương và hòm đựng hài cốt liệt sĩ được đưa lên phòng họp của đảo, chăm lo nhang khói suốt ngày đêm và luôn có một chiến sĩ đứng gác. Đều đặn mỗi bữa ăn, đảo có món gì đều cúng món đấy cho các liệt sĩ...”.

Cuối tháng 8-2008, khi mùa biển bắt đầu động, hành trình đưa hài cốt các anh về lại đất liền cũng là một hành trình gian nan. (Cũng thật bất ngờ, khi lần theo dấu vết của cuộc tìm kiếm các liệt sĩ trên tàu HQ-604, chúng tôi biết được con tàu làm nhiệm vụ thiêng liêng đưa hài cốt các anh từ đảo Cô Lin về đất liền lại là tàu Trường Sa 21 của Lữ đoàn 125 (Đoàn tàu không số). Bởi tháng 9-2011, chiếc tàu Trường Sa 21 cũng chính là chuyến tàu đầu tiên chở những viên đá đầu tiên trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của bạn đọc Tuổi Trẻ ra đảo Đá Tây để xây dựng công trình mới).

Hành trình về với đất liền

Đang làm nhiệm vụ trực ở đảo Song Tử Tây, tàu Trường Sa 21 nhận lệnh xuất phát ngay sang Cô Lin nhận di vật và hài cốt liệt sĩ đưa về bờ. Đại úy Nguyễn Thế Tình (trợ lý chính trị phòng tham mưu Lữ đoàn 125 Hải quân), khi đó là trung úy - chính trị viên tàu Trường Sa 21, kể: “Dù sóng to gió lớn nhưng chúng tôi vẫn quyết định vào đảo, mang theo thịt heo, gạo nếp, đậu xanh, bí lên đảo làm mâm cơm thắp hương cho các anh”.

Đại úy Trần Văn Dũng, chính trị viên đảo Cô Lin, thắp hương xin phép được mở hòm để bàn giao cho tàu Trường Sa 21 đưa các bác, các chú về đất liền. “Khi mở hòm ra ai cũng khóc. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được chứng kiến hình ảnh xúc động, thiêng liêng như thế. Nhìn các di vật rong rêu bám đầy, gỉ sét rồi nhìn chiếc săm xe đạp, quần áo của các chú... chúng tôi không kìm được nước mắt” - đại úy Tình kể.

Đêm đó cả đảo lại một đêm không ngủ. Và các sĩ quan của tàu Trường Sa 21 cũng thức trắng đêm.

3g ngày 24-8, cả đảo và tàu Trường Sa 21 thắp nhang làm lễ xin được đưa các liệt sĩ xuống tàu. Đại úy Nguyễn Thế Tình phụ trách xuồng đưa bốn hòm gỗ chứa hài cốt và di vật lên tàu. “Ở biển mặt trời mọc rất sớm, 5g30 đã nổi lên giữa biển rồi. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đưa hài cốt lên tàu trước khi mặt trời mọc. Nhưng sáng đó không hiểu sao biển rất động, sóng to gió lớn. Tàu Trường Sa 21 phải cơ động chắn sóng, chắn gió cho xuồng. Xuồng chở hài cốt các anh cũng phải chạy tránh sóng, tránh gió và tạo một khoảng cách vừa phải thì cập vào mạn tàu. Không thể dùng cẩu, chúng tôi phải buộc dây vào hòm kéo lên để đảm bảo an toàn”.

Đại úy Tình kể tiếp: “Từng hòm lần lượt đưa lên tàu. Dù đã hết sức cẩn trọng, nhưng tất cả anh em đều vô cùng lo lắng. Với những cột sóng mạnh, tàu lắc như thế này, nhỡ một giây sơ sẩy là ân hận suốt đời! Những anh em đứng dưới xuồng luôn trong tư thế sẵn sàng lao ra ôm lấy hòm nếu đứt dây. Xuồng rời đảo từ 4g đến 5g15, mất hơn 60 phút mới đưa được bốn chiếc hòm đựng di cốt và di vật lên tàu. Vừa đưa hài cốt lên tàu thì trời hừng sáng. Sóng yên lại. Biển dịu hẳn.

Anh em đã kịp trang trí phòng câu lạc bộ sĩ quan trên tàu thành bàn thờ. Trước khi đưa hòm kỷ vật và hài cốt liệt sĩ vào phòng câu lạc bộ, tất cả thủy thủ trên tàu Trường Sa 21 đều mặc quân phục chỉnh tề, từng người một thắp nhang cho các chú, các anh”.

7g sáng, tàu nhổ neo xuất phát về đất liền, mặt biển ắng lặng như tờ. Tàu phân công cứ hai chiến sĩ một ca trực đứng hai bên bàn thờ, cầm súng canh, lo nhang khói 24/24 giờ. Những nén nhang thành kính thiêng liêng ấy tỏa khói thơm suốt từ lúc chiếc hòm gỗ đầu tiên được đưa lên tàu cho đến ngày về tới đất liền.

Sau hành trình hai ngày hai đêm trên biển, gần 7g ngày 26-8-2008, tàu Trường Sa về đến Vũng Tàu. Đúng 7g, lễ truy điệu và bàn giao hài cốt và di vật của các liệt sĩ trong chiếc tàu HQ-604 cho Cục Chính trị quân chủng hải quân được tổ chức rất trang trọng tại quân cảng 129.

Người cha của liệt sĩ Gạc Ma đã không chờ được...

Hôm qua, ông Hoàng Sĩ, quê ở TP Đông Hà (Quảng Trị), bố của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông - một trong 64 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh ngày 14-3-1988 khi bảo vệ đảo chìm Gạc Ma - đã qua đời, đúng vào lần giỗ thứ 25 của con trai mình.

Bốn năm trước, khi tôi về thăm ông trước khi đi Trường Sa, ông có ước nguyện nhờ hỏi giùm xem hài cốt của con trai mình liệu có tìm thấy. Nhất là sau khi Bộ tư lệnh hải quân cho lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN từ những hài cốt được ngư dân tàu Thành Công 07 lặn mang lên. Ông Sĩ đã rất buồn khi biết không có di cốt của Đông trong số đó. Chuyến đi ra Trường Sa vào năm sau, tôi đã mang về cho ông một chai nước lấy từ vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, nơi Đông hi sinh để đặt lên bàn thờ bái vọng. Tôi đã kể câu chuyện về những hài cốt liệt sĩ đang còn lại trong khoang tàu HQ-604 và nói ông hãy hi vọng...

Nhưng ông Hoàng Sĩ đã không thể chờ được, cũng như hàng chục ông bố bà mẹ của những liệt sĩ Gạc Ma đã không chờ được...

LÊ ĐỨC DỤC

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường SaKỳ 2:“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc MaKỳ 3:Khi tiếng súng lặng imKỳ 4: Lá thư không người nhậnKỳ 5: Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc Ma

___________________

Hài cốt đã được đưa về đất liền, rồi từ đây hành trình để mỗi hài cốt được xác định danh tính, để về với mẹ cha, họ tộc sau hơn 20 năm nằm trong lòng biển là một hành trình nhiều tâm huyết của nhiều đồng đội. Trong số những xương cốt kia, bao nhiêu liệt sĩ được tìm thấy tuổi tên để về giữa yêu thương và khắc khoải mong chờ?

Kỳ tới: Tìm lại tên cho anh

MY LĂNG - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên