03/03/2013 04:25 GMT+7

Những khoản "thuế" không tên

NGUYỄN CAO TRÍ
NGUYỄN CAO TRÍ

TT - “Tham nhũng là một thứ thuế đánh vào phát triển. Khi lan rộng nó sẽ hút cạn sinh lực các thể chế quản lý và làm hao mòn thịnh vượng lẫn ổn định...” - cựu toàn quyền Hong Kong Christopher Patten nhận xét (trong lời bình quyển Waging war on corruption).

Kỳ 1: "Quái vật" tham nhũng và những nạn nhân Kỳ 2: Đất nước trong tay nhóm thiểu số Kỳ 3: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”

2OO4XWTb.jpgPhóng to
Tai nạn hỏa xa kinh hoàng tại Ôn Châu - Ảnh: China Daily

Nói cách khác, người dân ở những nước bị tham nhũng nghiêm trọng buộc phải gồng mình nộp thêm vô số loại “thuế” không tên. Không hối lộ mà có thể yên thân được sao?!

Nỗi khổ bệnh nhân

Theo Bloomberg News (26-9-2012), ngày càng có nhiều vụ bạo động trong bệnh viện khắp Trung Quốc. Đầu năm 2011, một bác sĩ tại Cáp Nhĩ Tân đã bị bệnh nhân giết chết.

Năm 2010 có hơn 17.000 vụ bạo động tại các bệnh viện và vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức 50 bệnh viện ở Bắc Kinh phải củng cố lại hệ thống an ninh.

Vì sao như vậy? Nguyên nhân bề mặt là những sự cố gây chết người của bệnh viện, nhưng sâu xa hơn vẫn là sự bùng nổ như giọt nước tràn ly từ thái độ bất mãn trước tình trạng tha hóa trong ngành y cũng như sự thờ ơ của giới chức bộ y tế.

Rất nhiều bác sĩ Trung Quốc thường kiếm được khá bộn từ đơn thuốc mà họ kê cho bệnh nhân. Và “để tăng lợi nhuận, bệnh viện thường điều trị quá thời hạn và xét nghiệm quá yêu cầu” - theo Nhiêu Khắc Cần, bí thư đảng ủy Hội Y học Trung Quốc.

Tháng 9-2012, China Daily cho biết một vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã xảy ra tại Thâm Quyến, liên quan ít nhất 20 viên chức bệnh viện. Như trong nhiều trường hợp, người giàu và giới chức cao cấp ít màng đến những chuyện trớ trêu xảy ra trong hệ thống y tế, bởi họ đâu có đặt chân đến bệnh viện trong nước và thay vào đó là ra nước ngoài.

Và như trong nhiều trường hợp, người nghèo luôn là nạn nhân trực tiếp đầu tiên và thiệt hại nặng nhất của một hệ thống tham nhũng. Phóng sự của China Daily (2-9-2009) thuật một câu chuyện...

Lúc Vấn Vấn ngủ mê man trong tay bà ngoại sau khi được truyền dịch tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Mẹ của bé, cô Trịnh, thầm cầu trời khẩn Phật cho bé chóng khỏe để về nhà và đừng bao giờ quay lại bệnh viện nữa, nơi không thuần túy là chỗ để chữa trị như chức năng của nó mà còn là một “cõi” có thể gây ra những nỗi ám ảnh rùng rợn! Cô Trịnh đã bị “móc túi” 100 tệ (14 USD) mới “được quyền” cho bé Vấn Vấn truyền dịch.

Cuối cùng, tổng chi phí mà vợ chồng cô Trịnh phải trả cho đợt vào viện lần đó là 7.800 tệ (1.142 USD) - số tiền quá lớn đối với cặp vợ chồng nghèo mạt này. Không chỉ vợ chồng cô Trịnh, nhiều người nghèo khác cũng có hoàn cảnh và tâm trạng tương tự. Tại Trung Quốc, bệnh là thứ mà người dân sợ nhất bởi vào đến bệnh viện là phải có tiền.

Tiền khám, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng y tá - hộ lý, tiền bác sĩ theo yêu cầu, tiền mua giường nằm cho bệnh nhân và cả tiền mua ghế ngủ cho thân nhân (chưa kể tiền ăn uống nuôi bệnh)...

Cái mẫu số chung “người-nghèo-thiệt-hại-nặng-nhất” tất nhiên cũng hiện diện ở nhiều nước khác. Trong báo cáo Minh bạch quốc tế 2010 (dẫn lại từ Waging war on corruption), mỗi ngày có đến tám thai phụ Zimbabwe tử vong khi sinh. Và trước khi nghĩ đến việc vào viện để được đỡ đẻ, thai phụ phải kiếm cho được 50 USD tiền phí - khoản tiền bằng 1/3 thu nhập của một người Zimbabwe thuộc đối tượng trung bình trong... một năm!

Nếu không có tiền nộp, sản phụ sẽ bị nhốt lại bệnh viện và bị tính lãi suất cho đến khi nào họ thanh toán xong sổ nợ. Thế nên đã xảy ra nhiều vụ đào thoát khỏi bệnh viện mà tình tiết của chúng ly kỳ chẳng khác gì vượt ngục!

Mức độ kinh khủng của sự việc chưa dừng lại tại đó. Theo nguồn đã dẫn, có chuyện kể rằng y tá tại một bệnh viện địa phương ở Zimbabwe đã ra quy định thai phụ sẽ bị phạt (tương đương) 5 USD mỗi lần họ la to trong khi sinh! Còn tại một số vùng quê Zambia, người dân thường nói với nhau rằng họ thà chịu bị bệnh tật hành hạ thân xác chứ không vào bệnh viện bởi đó là cách nhanh nhất để họ được đưa thẳng đến nghĩa địa trong cỗ quan tài!

Mở mắt ra là thấy

Còn có rất nhiều khoản thuế không tên khác mà người dân ở những nước tràn lan tham nhũng đối mặt hằng ngày, mọi lúc mọi nơi, trở nên bình thường đến mức họ quen với việc nhẫn nhục chấp nhận như một thứ thông lệ... Mỗi ngày, tổng số tiền mà người dân một nước tham nhũng bị thiệt hại khi phải “cúng” cho những người “làm luật” là bao nhiêu?

Theo Laurence Cockcroft (Global Corruption), cuộc khảo sát tại Pakistan năm 2010 của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết 43% người được hỏi đã nói rằng mình phải đối mặt với hối lộ khi có việc với viên chức hành chính địa phương, 69% với viên chức tư pháp, 84% với cảnh sát và 48% với hệ thống y tế.

Cụ thể, chi phí trung bình cho những khoản thuế không tên đối với người dân Pakistan là 7 USD cho dịch vụ y tế, 18 USD cho giáo dục, 69 USD cho tư pháp...

Tại Ấn Độ, một trong những chìa khóa có thể giúp mở được cánh cửa những dịch vụ dành cho người nghèo là thẻ BPL (công nhận dưới chuẩn nghèo).

Trên hồ sơ chính thức có khoảng 60 triệu hộ dân thuộc diện chính sách như thế này nhưng trong thực tế gần 1/2 trong số đó, tức khoảng 27 triệu, là những hộ khá hơn. Họ có được tấm thẻ BPL là nhờ mua từ giới chức địa phương.

Thậm chí khi đi đăng ký BPL, hơn 1/3 hộ nghèo thật sự cũng phải lót tay cho giới chức tham nhũng... Và để “công lý được thực thi”, tại Ấn Độ và Sri Lanka, hầu hết nguyên đơn phải hối lộ quan tòa để đơn kiện của mình được xử (Global Corruption)! Tại châu Phi, người dân đã quá quen với việc bị “ăn cướp” trắng trợn.

Cuộc khảo sát năm 2002 tại Kenya cho biết người dân thành thị phải nộp các loại thuế không tên chiếm mất 15% thu nhập của họ mỗi năm.

Và với nhiều nước tham nhũng lan tràn, những kẻ tha hóa gây ảnh hưởng và mang lại tác động tâm lý xã hội đặc biệt nghiêm trọng là giới cảnh sát. Chẳng gì tồi tệ hơn khi những người đại diện pháp luật với vai trò trực tiếp thực thi trật tự xã hội lại biến thành bọn hủ lậu.

Xã hội nhiễu nhương và hỗn loạn chính là từ đây. Niềm tin công chúng vào chế độ bị mai một cũng chính từ đây, khi mọi người hằng ngày chứng kiến cảnh người đại diện pháp luật bóp méo và nghiễm nhiên chà đạp pháp luật bằng việc nhận tiền đút lót và thậm chí làm nhiều việc phi pháp một cách công khai.

Niềm tin sẽ không còn khi người ta biết những chuyện chẳng hạn chỉ riêng tại bang Anambra (Nigeria), khoảng 70 chốt cảnh sát đã thu được 4,5 triệu USD tiền hối lộ vào năm 2008 (Waging war on corruption); hay chuyện ông quan cảnh sát Diệp Thụ Dưỡng tại Thiều Quan (Quảng Đông) bị bắt năm 2008 với tội nhận của đút lót tổng cộng 30 triệu tệ, chủ yếu từ giới nhà thổ...

Và những chiếc bẫy vô hình

Đang đi bỗng dưng bị sập “hố đen” làm tan nát chiếc xe mới mua. Đang ngồi trên xe lửa bỗng nhiên bị lọt khỏi đường ray và gãy tay gãy cổ... Đó chính là những chiếc bẫy vô hình luôn rình rập và đe dọa người dân tại những nước tham nhũng hoành hành. Ai chịu trách nhiệm? Nhà thầu cầu đường, ông quản lý và giám sát công trình đô thị hay ngài bộ trưởng giao thông? Xin lỗi, chẳng ai chịu cả!

Những tai nạn tương tự đã cộng thêm vào tổn thất chung mà tham nhũng gây ra. Theo Waging war on corruption, Liên đoàn châu Phi từng đánh giá rằng tổn thất từ tham nhũng chiếm đến 25% GNP châu Phi.

Theo tác giả Frank Vogl (một trong những người thành lập Tổ chức Minh bạch quốc tế), tổn thất thật sự do tham nhũng mang lại không thể chỉ tính bằng những con số cụ thể, chẳng hạn 100 tỉ USD hay 1.000 tỉ USD mà “cần phải được nhìn ở góc độ đầy đủ khi xét đến những nỗi đau của con người mà nó tạo ra. Bởi tham nhũng đã đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói, bởi tham nhũng là tên giết người”!

Hàng chục ngàn người Haiti đã bị chết không chỉ bởi trận động đất tháng 1-2010 mà còn bởi việc bọn thầu hối lộ giới chức địa phương để xây những căn nhà không đủ chuẩn kỹ thuật an toàn.

Vô số bệnh nhân Trung Quốc bị biến chứng nặng không phải do vấn đề thuần túy y lý, mà bởi uống phải thuốc dỏm được bào chế dưới sự bảo kê của cục trưởng Cục Quản lý dược - thực phẩm Trịnh Tiêu Du (đã bị tử hình).

40 người chết và 191 người bị thương trong tai nạn hỏa xa tại Ôn Châu ngày 23-7-2011 không chỉ do sự cố kỹ thuật mà còn bởi những màn biển thủ hàng triệu đôla của ngài bộ trưởng hỏa xa Lưu Chí Quân (đã bị sa thải)...

Phải nhìn vấn đề ở góc độ những vụ việc cụ thể như thế mới thấy rõ diện mạo khủng khiếp của tham nhũng!

Kỳ tới: Ngòi bút đối đầu bạo lực

NGUYỄN CAO TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên