04/02/2013 08:25 GMT+7

Miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Ai có dịp đi qua đường Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM, tới khúc quanh gần hẻm số 80 sẽ thấy một ngôi miếu nằm ven đường, sát bờ tường nhà dân. Phía trên ngôi miếu có dòng chữ: Miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân.

Mặt trước miếu còn có đôi câu đối được viết cách điệu theo mẫu chữ Nho: “Hết lòng cho nước nghĩa lớn còn lưu - Trăm dạ vì dân hồn thiêng vẫn sống”. Đường hẻm thì hẹp nhưng hai bên miếu vẫn có chỗ để hai chậu cau kiểng tỏa bóng xanh mát.

zzINcepf.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Bích thắp hương tại miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân - Ảnh: Mai Hương

Thương mấy anh bộ đội

Đang ngồi hóng mát trước cửa nhà, nghe có người hỏi thăm miếu liệt sĩ Mậu Thân, ông Nguyễn Ngọc Bích lật đật trở vô bận thêm cái áo sơmi trắng cho chỉnh tề rồi mới ra tiếp khách. Áo trắng, tóc trắng, ông cụ 78 tuổi chậm rãi băng ngang con lộ đang có nhiều xe xuôi ngược vào giờ tan trường, dẫn chúng tôi đến trước ngôi miếu rồi mới bắt đầu kể chuyện.

Cụ Bích nói chậm rãi bằng giọng Quảng Nam: “Tôi đã ở chỗ này từ năm 1960. Tới năm 1968 trận Mậu Thân nổ ra, ở cái cua quẹo này bộ đội chết mấy người. Mấy anh chiến sĩ đó đâu có ai biết họ tên hay quê quán gì đâu, chỉ biết là bộ đội ngoài Bắc vô. Thương mấy anh bộ đội, bà con lập cái miếu nhỏ để hương khói. Hồi đó chỉ xây sơ sơ, vẹt chỗ đất trống, đổ miếng đan rộng chừng 5 tấc x 8 tấc sát bờ tường, ngay cái cua đó rồi để lư hương lên trên, không có mái che. Ai đi ngang tưởng nhớ thì ghé đốt cây nhang.

Lần lần đông người biết tới nên bà con góp tiền xây cái miếu nhỏ, bằng phân nửa cái miếu bây giờ, có mái che, có biểu tượng tứ linh đàng hoàng. Cách đây chừng mười mấy năm, khi có điều kiện hơn, bà con làm ăn được thì góp tiền nâng cấp chỗ này, xây cái miếu lớn lên bằng vầy”.

Còn ông Nguyễn Hữu Hùng, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 11, quận Tân Bình, chia sẻ: “Năm 1968, Tết Mậu Thân, quân giải phóng về khu Bảy Hiền này. Tôi nghe kể lại là có ba anh giải phóng hi sinh ở chỗ này. Xác mấy anh sau đó bị thiêu hay mang đi đâu không rõ. Người dân khu này phần nhiều là dân xứ Quảng vào ở, vốn có truyền thống cách mạng nên mới lập một cái miếu nhỏ ngay chỗ này, mọi người ngầm hiểu với nhau là thờ mấy anh bộ đội chứ không ghi rõ. Giải phóng xong rồi mới vận động bà con đóng góp kinh phí xây lớn hơn, ghi rõ là miếu liệt sĩ. Hồi trước đường này là đường Hồ Tấn Đức, sau ngày giải phóng mới đổi tên đường Võ Thành Trang”.

Kiến trúc sư nhân dân

Ngắm kỹ ngôi miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân mới thấy ngôi miếu có một kiến trúc lạ. Kiến trúc miếu không giống kiến trúc của những nơi tưởng nhớ người có công với cách mạng mà gần gũi với lối kiến trúc của đền thờ gia đình hay miếu thờ thổ công, thành hoàng trong dân gian. Miếu nhìn khá cầu kỳ, sinh động với bốn màu vôi: đỏ, đen, vàng, xanh da trời. Trên nóc miếu là đôi rồng uốn lượn, cùng chụm đầu vào một “quả châu” - thực chất là vòng tròn có chạm nổi hình ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ. Miếu có hai mái, được lợp bằng ngói vẩy cá. Mái được tạo hình cong vút ở bốn góc, mỗi góc có chạm một con phụng trong tư thế vỗ cánh bay. Mặt trước miếu chạm hình hai con hạc đứng trên mình hai con rùa. Sát hai bên miếu là tượng hai con lân bằng đá. Phần chân miếu cũng được xây trổ công phu với họa tiết hình cánh bướm.

Bà con xung quanh khu vực này cho biết một trong những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng miếu thờ liệt sĩ và trùng tu miếu quy củ, khang trang như bây giờ là ông Lê Hữu Châu. Ông Châu vốn là tổ trưởng tổ dân phố 15, phường 2, quận Tân Bình.

Khi đường Võ Thành Trang được mở rộng, ngôi miếu từ chỗ đang ở sát vệ đường, khi mở đường sẽ nằm ngay ngã ba đường, gây khó khăn cho giao thông. Không thể để mất miếu, khoảng năm 1998 ông Châu, một số cán bộ khu phố, tổ dân phố và những người có tâm huyết đã xin phường cho di dời ngôi miếu vào sát bên trong.

Họ vận động người dân góp tiền xây miếu mới, người ít góp 200.000-300.000 đồng, người nhiều góp trên dưới 1 triệu, tổng cộng được mười mấy triệu đồng. Toàn bộ số tiền được dùng nâng cấp khu vực xung quanh, thiết kế và xây dựng miếu. Ông Châu cũng là một trong những thành viên nòng cốt đã theo sát, từ khâu thiết kế cho tới việc thuê mướn thợ, trông coi quá trình thi công.

Ông Lê Hữu Giác, em ruột ông Lê Hữu Châu, cho biết: “Ông anh tui đã mất cách đây hai năm. Nhưng hồi ảnh còn sống, tui biết ảnh rất tâm huyết, dành nhiều tình cảm, công sức cho ngôi miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân này. Kiến trúc khá cầu kỳ của miếu cũng là ý nguyện của ảnh và những người tham gia làm miếu. Ảnh nói đền thờ phải có tứ linh, phải theo đúng truyền thống của ông bà mình từ nào tới giờ”.

Buổi tối, có dịp đi ngang vẫn thấy ngôi miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân ấy ấm áp và sáng rực ánh đèn. Bên trong, bên ngoài, bên trên miếu đều có đèn thắp sáng. Cụ Bích vừa lụi cụi tìm giúp chúng tôi bó nhang vừa khoe: “Ở đây ngày nào cũng có người thắp nhang. Bà con đi ngang ghé qua, có gì cúng đó. Có người ở xa còn đem vịt quay, heo quay tới cúng. Bà con khu này tự giác lắm, không ai bảo ai đều ra quét dọn miếu sạch sẽ, tuyệt nhiên không có chuyện xả rác chỗ này. Bản thân tôi ngày rằm, mùng một đều mua ít trái cây, cắm một bình hoa đem ra đây đốt nhang. Mà nhiều người làm chuyện đó lắm, không phải mình tôi!”.

Giữ miếu thờ là giữ một niềm tin

Một điều rất cảm động là trong suốt thời kỳ sau Mậu Thân 1968 cho tới chiến dịch mùa xuân năm 1975, ngôi miếu đã nhiều lần bị cảnh sát phá hủy nhưng không thành. Ông Nguyễn Hồng Giáo, nguyên cán bộ Ban tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách đội võ trang tuyên truyền trong chiến dịch Mậu Thân, kể: “Khi chiến sự nổ ra, nhiều anh em mình hi sinh.

Trong bối cảnh khó khăn và khắc nghiệt đó, khi chúng tôi đặt vấn đề xây dựng miếu thờ liệt sĩ thì những người dân có cảm tình sâu sắc với cách mạng đã không ngại nguy hiểm đứng ra làm. Đầu tiên họ lấy thùng gỗ đựng chỉ dệt làm miếu thờ, để bát nhang trong đó. Cảnh sát mỗi lần đi ngang qua trông thấy rất tức giận. Họ chửi đổng “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” rồi đá văng ngôi miếu. Dân xây lại. Nhiều lần như thế. Từ đó, một ngôi miếu thờ liệt sĩ cách mạng tồn tại công khai ngay giữa lòng thành phố, ngay khi Sài Gòn còn chưa được giải phóng.

Phía trái ngôi miếu thờ có một tấm bia cao hơn 1m, làm bằng đá hoa cương. Trên bia đá khắc một bài thơ dài 29 câu, mang tên Giữ mãi niềm tin, viết về chiến công của quân giải phóng và tình cảm của người dân dành cho các anh. Bài thơ của ông Hồ Thanh Ngọc, sáng tác vào ngày 23-8-1998. Trước khi nhắm mắt, ông có ước nguyện được khắc bài thơ vào bia đá cạnh miếu. Nhớ lời cha, các con ông Ngọc đã xin phép chính quyền địa phương dành toàn bộ tiền phúng điếu trong đám tang cha mình để dựng lên tấm bia đá khắc thơ. Bài thơ có đoạn viết:

Miếu vô danh liệt sĩ vẫn dựng thờKhói hương trầm quyện với những đường tơVải truyền thống của người dân xứ QuảngTuy đơn sơ nhưng ân tình ngời sángĐã mấy mươi năm miếu được giữ gìnGiữ miếu thờ là giữ một niềm tinCác anh chết nhưng muôn đời vẫn sống...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Chiếc bàn thờ lạKỳ 2: Cao thủ vùng Khánh HộiKỳ 3:Cuộc diễn thuyết giữa chợ Bến ThànhKỳ 4: Không thể lãng quên

_____________________

Kỳ tới: Giọt máu đêm Mậu Thân

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên