31/01/2013 10:35 GMT+7

Cuộc diễn thuyết giữa chợ Bến Thành

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Có một cuộc diễn thuyết công khai của Việt cộng vào tối 28 tết tại chợ Bến Thành. Lúc đó việc tổ chức diễn thuyết, phát truyền đơn Việt cộng giữa trung tâm Sài Gòn được coi là chuyện rất táo bạo.

Kỳ 1: Chiếc bàn thờ lạ Kỳ 2: Cao thủ vùng Khánh Hội

lCjTjvUx.jpgPhóng to
Ông Đoàn Văn Đức kể về buổi diễn thuyết tối 28 tết - Ảnh: Mai Hương

Chuyện của người cảnh giới

Ông Đoàn Văn Đức, tiểu đội trưởng tiểu đội 1, trung đội 4, tiểu đoàn Lê Thị Riêng, cười xòa khi nghe hỏi về buổi diễn thuyết có một không hai vào đêm 28 tết của 45 năm về trước: “Hồi đó, tui nhận chỉ đạo sao thì làm vậy chứ cũng không hình dung được toàn bộ cục diện đâu. Nguyên tắc bí mật mà, nhiệm vụ ai người nấy làm. Chỉ được biết vài ba người cùng làm công tác chuẩn bị với mình chứ cũng không biết ai là người diễn thuyết, nội dung diễn thuyết là cái gì hết”. Trước đó, ông chỉ làm những việc như ôm truyền đơn bỏ trong cặp, vô lớp học, lựa lúc ra chơi hay ra về thì lén bỏ truyền đơn trong hộc bàn. Tới đợt Mậu Thân, ông mới được giao nhiệm vụ quan trọng. Ông kể:

“Tối 28 tết, khoảng 20g, tôi nhận được thông báo sắp có một cuộc diễn thuyết diễn ra ngay tại cửa Tây chợ Bến Thành. Đây là khu vực bán quần áo, bánh mứt tết. Chợ tết ban đêm thật náo nhiệt, những gian hàng trưng bày đẹp mắt, tiếng mời chào, quảng cáo, mặc cả vang lên không ngớt. Trong dòng người tấp nập đi chợ tết có khá nhiều ngoại kiều và một số quan chức.

Nhóm chúng tôi gồm ba người: tôi, đồng chí Lư Nhiên và Nguyễn Thanh phụ trách nhiệm vụ treo cờ và cảnh giới. Lúc đó, tôi được trang bị một khẩu súng ngắn giấu trong người. Chúng tôi được cung cấp một lá cờ khá lớn, bề ngang 1,8m, bề dài 2,4m. Không thể mang thang hoặc ghế cao vào chợ, cũng không có cột cờ để treo, anh em chúng tôi hội ý chớp nhoáng rồi quyết định treo chồng lên bảng hiệu cao nhất của một quầy bán quần áo”.

Trước đó, đúng 12g ngày 28 tết, tại ngôi nhà tạm gia công hàng mộc trên đường Võ Tánh (cũ), đồng chí Lư Nhiên đã gặp N41, một cô gái khoảng 22 tuổi, nhập vai người tới cơ sở đặt làm hàng mộc. Qua trao đổi, mọi người thống nhất phương án phối hợp hành động. Cờ vừa treo xong thì “diễn viên chính” của buổi diễn thuyết xuất hiện. Người đó không ai khác, chính là N41.

Cuộc diễn thuyết 5 phút

Mãi về sau, khi gặp lại, ông Đoàn Văn Đức mới biết N41 chính là Lê Hồng Quân. Kể về lần diễn thuyết chớp nhoáng không bục, không micro, cô Lê Hồng Quân vẫn còn nhớ như in:

“Hôm đó tôi ngụy trang bằng nhiều lớp quần áo. Bên trong mặc quần tây cài dây thắt lưng với áo sơmi trắng. Bên ngoài nữa là một chiếc áo tay ráp rộng hơn và một cái quần bà ba. Lớp thứ ba là chiếc áo khoác thời trang. Lớp ngoài cùng là chiếc áo khoác màu sáng. Mắt tôi đeo kính hơi sẫm màu gọng rộng. Mái tóc dài chấm lưng được gài cao bằng mấy chục cái kẹp giắt.

Cách tôi chừng 1m có một đồng đội bảo vệ tôi bằng súng. Cách người đó 1m lại có người bảo vệ cho anh. Một số khác đi chợ tết, mua rượu cầm tay. Thật ra đó là vũ khí.

Nhắm đúng vị trí lá cờ đã được treo, tôi nhanh chóng trèo lên chỗ cao nhất của quầy hàng, bên dưới lá cờ. Bà chủ quầy đang loay hoay bán hàng ở dưới, khi phát hiện có người lạ trèo lên quầy hàng của mình, quá bất ngờ, bà chỉ kịp nắm cổ chân tôi rồi la hoảng, sợ bị ăn cướp hàng. Tôi vùng ra được. Đến khi tôi cất tiếng nói được câu đầu tiên, bà chủ hiểu tôi không phải kẻ cắp mà là Việt cộng thì sững người im bặt”.

Khi đã đứng vững trên cao, đồng chí N41 dõng dạc nói: “Tôi - đại diện cho lực lượng võ trang của Mặt trận giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, xin gửi đến đồng bào lời chúc tết của mặt trận giải phóng, của lực lượng võ trang giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chúc đồng bào đoàn kết, sức khỏe và thắng lợi.

Thưa đồng bào, trong kháng chiến, với truyền thống của Sài Gòn - Gia Định, từ ven đô 18 thôn vườn trầu cho đến nội đô Sài Gòn, chúng ta đã thực hiện cướp chính quyền. Khi Pháp quay trở lại, đồng bào đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Thời gian này bà con cũng đã đoàn kết đấu tranh chống bắt lính đôn quân đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ. Tôi, thay mặt cho lực lượng võ trang giải phóng của Mặt trận giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kêu gọi bà con trong mùa xuân này hãy tiếp tục sát cánh cùng lực lượng võ trang giải phóng...”.

Khi diễn giả vừa nói được vài câu thì không gian im lặng bắt đầu lan tỏa. Vòng tròn hiếu kỳ bên ngoài cứ ép sát vào bên trong để nghe cho rõ lời. Lúc đó bộ phận phát truyền đơn bắt đầu hoạt động. Những tờ truyền đơn được cuộn gọn lại rồi phóng lên cao. Dưới sức gió, từng tờ truyền đơn bung lả tả. Riêng thơ chúc tết của Bác Hồ, thư của Mặt trận giải phóng được lực lượng của ta trao tận tay cho đồng bào. Người đi chợ chuyền tay nhau, lẩm nhẩm đọc:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,Thắng trận tin vui khắp nước nhà,Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta!Bong bóng bay mang theo băngrôn, cờ cũng được thả.

Khi N41 gửi lời chào, kết thúc bài diễn thuyết thì từ đằng xa có toán cảnh sát đi lại. N41 lập tức phóng một số truyền đơn thẳng về hướng đó rồi kêu lên: “Bà con ơi, có chuyện gì kìa!”. Đó là ám hiệu. Khi đám đông còn đang nhốn nháo, N41 tụt xuống khỏi chỗ đứng, lách qua khe hở ngay giữa đám đông. Cô bắt đầu bươn đi. Mọi người tránh cho cô đi.

“Đi được một đoạn, tôi bắt đầu mở cái áo gió đầu tiên. Tôi vừa xuôi hai tay là phía sau lưng đã có người nắm phần cổ áo kéo ra giúp. Đi thêm vài mét nữa, tôi quăng luôn cái kính xuống dưới một sạp hàng rồi bắt đầu cởi áo khoác. Chiếc áo này sau này cơ sở còn giữ lại cho tôi” - cô Hồng Quân kể. Khi cô gỡ xong mớ kẹp giắt, xõa mái tóc buông dài chấm lưng thì không ai còn nhận ra cô gái nhỏ nhắn tóc dài như một nữ sinh trong bộ quần tây, áo sơmi trắng chính là nữ diễn giả hùng hồn ít phút trước.

Về phần tổ cảnh giới, khi cảnh sát ập tới, các anh cũng rút lui an toàn khỏi khu vực trung tâm TP. Nhóm cảnh sát và an ninh khi tiếp cận hiện trường, phát hiện bên dưới lá cờ của mặt trận là một túi nhỏ. “Đó là vật nghi trang giả trái nổ do chúng tôi đã cài sẵn khi treo cờ. Cảnh sát tưởng thật phải mang máy dò mìn tới. Lợi dụng lúc nhốn nháo, anh em bộ phận cảnh giới rút êm. Sau đó, chúng tôi mãi trăn trở vì đã không đón được N41 để đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mãi đến hôm sau, chúng tôi mới hay đồng chí N41 Lê Hồng Quân đã an toàn trở về” - ông Đoàn Văn Đức nói.

cGPNbdu8.jpgPhóng to

Cô Lê Hồng Quân (ảnh) sinh năm 1947, quê ở Cần Thơ. Cô được kết nạp Đảng vào ngày 13-12-1962 khi mới 15 tuổi. Cô đã bốn lần bị bắt, hai lần vượt ngục, một lần được thả ra do không khai thác được.

Trong đợt 2 Mậu Thân 1968, khi làm nhiệm vụ trụ lại hút hỏa lực đối phương, tạo điều kiện cho các đơn vị rút đi, cô đã bị thương ở cánh tay trái. Giữa tình huống hiểm nguy ngặt nghèo đó, để làm tròn nhiệm vụ, cô đã tự mình chặt bỏ cánh tay bị thương cho khỏi vướng. Còn lại một tay, cô vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi súng hết đạn và bị bắt. Trong tù, cảnh sát đã không biết bao lần quật ma trắc vào mỏm tay cụt của cô khiến xương vỡ vụn nhiều lần. Đến tháng 3-1974, cô được trao trả tại Lộc Ninh. Cuối năm 1974, cô nhận được quyết định ra Hà Nội điều dưỡng nhưng cô làm đơn để xin được ra tiền phương.

Hiện cô Lê Hồng Quân là thương binh 1/4. Cô đã trải qua 23 lần phẫu thuật vết thương nhưng vẫn còn hơn 100 mảnh đạn bom trong khắp thân thể.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên