10/12/2012 05:05 GMT+7

Mưu sinh thời khốn khó

MAI HƯƠNG - GIA TIẾN
MAI HƯƠNG - GIA TIẾN

TT - Làm thế nào để thích nghi, xoay xở mưu sinh trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay là khảo sát “mini” của Tuổi Trẻ với một số bạn đọc.

so4QUEDJ.jpgPhóng to

Anh Trần Ngọc Quốc vội vã rời nhà trọ đi làm thêm vào chiều chủ nhật 9-12 - Ảnh: Gia Tiến

“Đã bao lâu rồi tôi không còn chăm sóc đến bản thân? Đã bao lâu rồi tôi không còn mua sắm những sản phẩm gia dụng mới trong gia đình? Bao lâu không tụ tập bạn bè?... Sự khó khăn đã ảnh hưởng đến chúng tôi nhiều đến mức tôi đã quên mất thời kỳ không khó khăn là như thế nào”.

Chị Nguyễn Thanh Dung (ngõ 48 Nguyễn Khánh Toàn, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã trả lời câu hỏi của chúng tôi về cuộc sống thời suy thoái kinh tế bằng một lá thư dài. Dường như khó khăn đang dần chạm tới cả tầng lớp vốn được xem là sung túc tại các TP lớn.

Người giàu cũng khó

Dậy từ đầu hôm đánh chuyến xe tải chở rau củ từ chợ đầu mối về sạp hàng ở chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình (TP.HCM) cho bà xã xong, đến xế trưa anh Trần Bùi Môn mới trở về nhà. Anh tâm sự: “Hồi trước, ba sạp hàng của vợ tui phải có ba người bán mới xuể. Ở nhà cũng phải thêm ba người phụ mới làm hết việc. Bây giờ thời buổi khó khăn, hàng bán chậm nên chỉ còn thuê một người bán.

Phần hai cha con tui kiêm luôn nhiệm vụ lấy hàng và chở hàng. Lợi nhuận bây giờ chỉ bằng cỡ 1/3 mấy năm về trước. Từ chỗ bán cỡ 700kg rau củ các loại/ngày, giờ tui chỉ dám lấy chừng 300-400 kg/ngày”. Lý giải về nguyên nhân doanh số sụt giảm, anh Môn dí dỏm: “Cứ lấy ví dụ một gia đình công nhân. Hồi trước, họ nấu nồi canh thì mua hai củ cà rốt, hai củ khoai tây. Bây giờ đời sống khó khăn, giá cả lên, họ chỉ mua được một củ khoai tây và một củ cà rốt”.

Vốn là gia đình khá giả, anh Môn cho biết trước đây, trừ các khoản chi phí, hằng tháng vợ chồng anh dư sức để dành 20-30 triệu đồng. “Bây giờ hên lắm thì bỏ tủ được chừng 5 triệu đồng/tháng, còn không xài lòng vòng cũng hết. May mà trước đây mình có tích lũy, lúc này giữ được mức sống đã là may chứ chuyện gom tiền để mua cái nọ, sắm cái kia thì hơi bị khó” - anh Môn nói.

Là chủ một doanh nghiệp mua bán ôtô, xe máy, anh B.Q.Hoàng (ngụ Q.3, TP.HCM) thú thật hiện nay tình hình kinh doanh của anh rất sa sút: “Mức giảm có thể nói là 80% so với vài năm trước. Khoảng sáu tháng trước chỉ giảm khoảng 40% nhưng đến thời điểm này phải nói là rất khó khăn”. Từ một người rộng rãi trong chi tiêu, giờ đây anh Hoàng phải tự điều chỉnh nhiều thói quen: bớt đi nhậu, vận động bà xã nấu ăn ở nhà thường xuyên chứ không còn hở chút là ra nhà hàng.

Chủ gặp khó, nhân viên cũng khổ theo. “Hồi trước, nhân viên làm việc tại cửa hàng tui bao ăn uống thoải mái, bây giờ cũng phải siết lại, chỉ có thể mua xôi, bánh mì, mì gói cho nhân viên ăn thôi” - anh Hoàng chia sẻ. Phải cố gắng lắm vợ chồng anh mới chưa phải cắt giảm các khoản chi thường xuyên cho con. “Bạn bè tui nhiều người phải bớt cho con học thêm. Lúc trước cho học 4-5 môn, giờ chỉ còn học 1-2 môn chính. Buổi trưa, bố mẹ cũng đưa con về nhà ăn cơm chứ không gửi tiền cho con ăn cơm nhà cô giáo. Tui thấy coi bộ tình hình buôn bán sẽ còn khó khăn lâu” - ông chủ cửa hàng ôtô thở dài.

Bản thân làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ Thừa (Long An), chồng buôn bán bên ngoài, trong mắt nhiều người gia đình chị Hồ Thị Minh Nguyệt (nhà ở thị trấn Thủ Thừa) thuộc hàng sung túc về kinh tế. Thế nhưng hiện chị Nguyệt cũng phải “sống gói ghém lại vì giá cả leo thang quá”. Chị Nguyệt trần tình: “Tình hình buôn bán của chồng tui dạo này khó khăn. Bây giờ chỉ dám mua sắm những thứ thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày, điện nước xài cũng phải tiết kiệm lại. Chuyện đi du lịch cũng không còn nữa. Tết này chắc chỉ dám về quê thăm ông bà chứ không dám bỏ tiền đi chơi chỗ này chỗ khác”.

Đời “thợ xoay”

“Đã 2-3 năm rồi, vợ chồng tui không biết mua sắm quần áo mới là gì, toàn đồ cũ của anh em, bạn bè cho” - lời thú thật của anh Trần Ngọc Quốc khiến nhiều người bất ngờ. Bởi dù gì anh cũng là tài xế xe tải - một công việc không phải có thu nhập quá thấp.

Thế nhưng vòng xoáy khó khăn đã thật sự cuốn theo gia đình anh. Dạo này bạn bè, người thân muốn kiếm bác tài Trần Ngọc Quốc (quê Bến Tre, ngụ ở đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) không phải dễ. Ngoài lịch chạy vào ban ngày, anh Quốc còn xin chủ cho chạy thêm giờ vào ban đêm, ngày nghỉ để kiếm thêm. Ngày chủ nhật, anh cũng chẳng mấy khi ở nhà.

Thông qua các mối hàng quen, anh nhận làm thêm việc sửa nhà, khuân vác đồ, dọn vườn cho người này, người nọ. “Lương tài xế được chừng 4 triệu đồng, chạy thêm giờ nữa tổng cộng cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Dạo này công ty cũng khó khăn quá, mình không dám đòi tăng thêm lương. Vậy là phải xoay chỗ này, xoay chỗ khác kiếm chuyện làm thêm để nuôi hai đứa con” - anh Quốc buồn buồn.

Đang nói dở câu chuyện, điện thoại của anh reo liên tục. “Có khách bên cầu Bình Triệu nhờ khiêng mấy chậu kiểng, tui phải đi liền”. Khóa vội căn phòng trọ ọp ẹp rộng chưa đầy 12m2 với giá thuê 800.000 đồng/tháng, anh Quốc nhảy lên xe máy phóng đi dưới trời nắng gắt.

Tại một góc trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, vừa ngồi canh sạp nón, bà Hồ Hoa vừa để ý canh từng chuyến xe buýt tấp vô trạm. Hễ có chuyến xe nào vừa ghé qua trả khách, bà lại nhanh nhảu chào mời, dắt mối cho một ông xe ôm đang đậu cách trạm không xa.

Bác tài xe ôm đó là ông Trần Xuân Chinh - chồng bà. Kéo sụp nón lá che nắng, bà Hoa nói: “Hổm rày buôn bán ế ẩm, tui phải chuyển qua nghề dắt mối, bắt khách tiếp ổng để còn có đồng ra đồng vô, chứ mỗi ngày bán được 5-7 cái nón, có bữa chẳng bán được cái nào”. Bà Hoa còn tiết lộ thi thoảng bà phải làm “kế hoạch nhỏ” bằng cách lượm vỏ lon, vỏ chai nước ngọt, nước suối quanh bến xe. “Gom vài ngày bán cũng được mười mấy, hai chục ngàn đồng, cũng đỡ” - bà nói.

Quen với... cái khó

Cuộc sống của tôi và những công chức mà tôi biết chỉ xoay quanh con cái và những nhu cầu thiết yếu nhất: Hôm nay ăn gì, công việc thế nào, con cái học tập, sinh hoạt ra sao?... Chúng tôi thật sự không còn thời gian rảnh rang để nghĩ xem cuộc sống của mình thay đổi thế nào. Tôi cứ ngỡ rằng tôi không bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi con cái tôi vẫn được chăm sóc đầy đủ, không đến nỗi quá thiếu thốn. Sinh hoạt gia đình cũng thay đổi, giảm đi ăn tiệm cuối tuần, bớt đi du lịch. Đồ ăn, sữa cho con thì chuyển sang dùng sữa nội với giá rẻ. Cuộc sống của tôi cứ bình lặng trôi qua mà không có biến cố gì thật sự lớn. Nhưng có lẽ sống lâu trong cái khó, tôi đã quen với cái khó rồi.

(trích thư của chị Nguyễn Thanh Dung gửi Tuổi Trẻ)

MAI HƯƠNG - GIA TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên