29/11/2012 07:14 GMT+7

Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý!...

TẤN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP
TẤN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP

TT - Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965-1972), đặc biệt là cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, hơn nửa triệu dân nội đô (xấp xỉ 50% dân số Hà Nội lúc đó) đã sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong.

Tròn 40 năm sau sự kiện lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, những người trong cuộc đã kể lại câu chuyện khó quên trong đời...

Trên chiếc bàn làm việc của thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, chất đầy tài liệu liên quan tới cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ông bảo ngoài lĩnh vực quân sự, việc ông quan tâm và dành thời gian tìm hiểu là cuộc sơ tán thần tốc của người dân Hà Nội trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. “Nhờ làm tốt chủ trương này mà Hà Nội đã giảm thiểu được thương vong trước sức công phá ác liệt của các loại vũ khí hiện đại” - vị thiếu tướng đã bước qua tuổi 83 nói.

Tiếng còi từ hầm Bộ Tổng tham mưu

Trải tấm bản đồ về hành trình bay của những máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vạch chéo ngón tay ngang nút thắt miền Trung: Nó bay theo hai hướng, từ đảo Guam sang và từ một sân bay Thái Lan. Chuyến đầu tiên này Hà Nội biết trước được bốn giờ để chuẩn bị.

Còi báo động được bấm nút từ hầm Bộ Tổng tham mưu. Chiếc còi lớn tám loa đặt trên nóc tòa nhà Quốc hội sẽ bắt đầu réo lên. Rồi 15 chiếc còi khác trên toàn thành phố cũng đồng loạt báo động. “Mỗi hồi còi báo động thường kéo dài ba hồi. Khi có thông tin từ các trạm thông tin báo về thì tôi sẽ thực hiện lệnh bấm nút. Trong 12 ngày đêm không biết đã bấm nút bao nhiêu lần” - thiếu tướng Ninh nói.

Ông Trần Đức Thịnh (sinh năm 1943), một người lính có nhiệm vụ canh gác tại Bộ Tổng tham mưu (hiện sống tại Phú Bình, Thái Nguyên), lại nhớ về hình ảnh 12 ngày đêm khốc liệt bằng cách khác: “Nhiệm vụ của tôi hơi đặc biệt nên mỗi khi tiếng còi báo động cất lên thì tôi lại phải lên mặt đất chứ không được chui xuống hầm. Lẫn trong tiếng còi báo động là tiếng loa phát thanh khắp nơi: Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý... Chỉ vài phút sau những tiếng còi là tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi, đạn nổ, những vệt lửa sáng lóe giữa bầu trời. Nhưng khoảnh khắc ấy nhanh thôi. Khi tiếng còi báo yên cất lên là những đoàn người chui lên từ lòng đất. Lại hối hả với công việc dang dở bên những ngôi nhà bị sập và những đoạn đường bị bom cày”.

Ngày 19 và ngày 20-12-1972, từ Cửa Nam nhìn ra, từng dòng người ùn ùn rời thủ đô. Họ đi bộ, xe đạp và cả xe cút kít để chở người già và trẻ em.

Và các nẻo đường

2Sk3TMCn.jpgPhóng to
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Ảnh: TẤN ĐỨC

Là một trong số không nhiều phóng viên của VN ghi lại trọn vẹn cuộc sống Hà Nội trong 12 ngày đêm cũng như hình ảnh chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Phủ Lỗ, đạo diễn Việt Tùng (đạo diễn bộ phim Hà Nội Điện Biên Phủ) còn nguyên cảm xúc khi thực hiện những thước phim về 12 ngày đêm tang thương và hào hùng: “Sau loạt ném bom đêm 18-12-1972, mọi ngả đường của Hà Nội rùng rùng người di chuyển ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Giữa mùa đông lạnh giá, những người sơ tán dường như không mang theo được gì nhiều ngoài những vật dụng cần thiết như chăn màn, quần áo. Tôi còn thấy cả những con cá còn sống trong chuyến di chuyển, có nhà mang theo mấy con lợn, con gà”.

Một cụ già đang bị ốm được con cái đưa đi sơ tán mà đạo diễn Việt Tùng gặp ở Mỗ Lao (Hà Đông) đang run rẩy trong tấm chăn mà không thể ở lại Hà Nội. Một đứa trẻ mắt tròn xoe ngồi trên chiếc gióng ngang xe đạp của bố tay ôm khư khư con búp bê bằng nhựa cũ. “Phần lớn người Hà Nội đã sơ tán trước đó. Họ đã yên ổn được một năm đón tết Hà Nội. Những đứa trẻ, các ngôi trường và cơ quan công xưởng đã được chuyển ra ngoại thành và các tỉnh lân cận”.

Trong ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Cúc (87 tuổi, vợ nhà văn Tô Hoài) thì: “Khủng khiếp lắm con ơi”. Khi đó cụ Cúc làm việc tại một xí nghiệp dược trên phố Khâm Thiên, hằng ngày vẫn đi đi về về giữa nơi làm và nơi ở. “Còi báo động được lắp khắp nơi, loa phát thanh gắn vào từng ngõ phố. Chỉ cần nghe tiếng còi báo động và loa phát thanh là chúng tôi chạy xuống hầm rồi. Không ai sợ chết đâu. Gần mười năm chiến tranh, chúng tôi quen với từng khẩu hiệu và tiếng loa phát thanh khi báo động. Đến tận bây giờ ký ức vẫn chưa có gì nguôi phai” - cụ Cúc nói.

Làm việc gấp đôi

“Già vác mai, trẻ vác đất” - ông Lê Quang Châu (80 tuổi, ở số 126, ngách 3, phố Kim Ngưu, P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng), cựu giáo viên Trường CĐSP Hà Nội - vẫn nhớ mãi thời gian khó nhưng hào hùng khi ông cùng hàng trăm giáo viên, sinh viên của trường sơ tán về Thạch Thất (Hà Tây).

Ông Châu giải thích thêm: Mai là dụng cụ dùng để đào đất. Ngày ấy mặc dù bận rộn với việc xây cất trường lớp, đào giao thông hào, làm hầm trú ẩn đảm bảo an toàn cho việc dạy học ở nơi sơ tán, nhưng thầy trò Trường CĐSP Hà Nội vẫn hăng say tham gia mở đường giao thông từ chùa Thầy lên chùa Trầm (huyện Thạch Thất).

Bốn mươi năm rồi, ông Châu vẫn nhớ mãi hình ảnh những đồng nghiệp, những sinh viên như Đinh Văn Viên, Nguyễn Văn Thắng “người chỉ chừng 50 cân nhưng luôn cõng trên vai những bao đất ngoài 70 cân” để công trình sớm hoàn thành, việc đi lại, sơ tán của người dân được thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Ở tuổi 87, ông Đỗ Doãn Đại, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, vẫn chưa quên cảm xúc của một thời bi tráng. “Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Hà Nội có hai bệnh viện lớn: Bệnh viện Việt - Đức chịu trách nhiệm cấp cứu bệnh nhân các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân các tỉnh phía Nam. Từ năm 1965 thực hiện yêu cầu sơ tán, Bệnh viện Bạch Mai đã chia đôi các khoa, phòng. Ai đi được cũng mừng, ai ở lại cũng mừng. Bởi lúc ấy đi được có nghĩa là rủi ro thấp và ở lại thì chẳng có gì đảm bảo được tính mạng, nhưng tôi mừng bởi thêm người ở thì thêm người thực hiện công việc cứu chữa cho bệnh nhân tại Hà Nội, nơi hứng chịu hàng loạt trận mưa bom Mỹ giội xuống”.

Ban đầu bệnh viện được sơ tán về Phú Thọ, rồi sau đó về Ứng Hòa, Chương Mỹ (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Hà Tây). Không kịp để xây dựng cơ sở, dù là tạm bợ, nên bệnh viện sơ tán được đặt rải rác tại nhà dân, đình, chùa và các công trình công cộng. Để đưa được hàng trăm bệnh nhân và hàng tấn trang thiết bị y tế về nơi sơ tán, toàn bộ nhân lực của bệnh viện được huy động làm việc tối đa: “Không có đơn vị nào giúp sức hết, bởi lúc đó mọi người cũng phải lo sắp xếp công việc của cơ quan mình. Vậy mà chỉ trong vòng nửa tháng, một nửa bệnh viện đã được chuyển đi. Chia hai đội ngũ thầy thuốc, có nghĩa là chúng tôi phải làm việc gấp đôi để hoàn thành nhiệm vụ” - ông Đại kể.

--------------------------------------

Kỳ tới: Rầm rập rời thủ đô

TẤN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên