05/11/2012 10:35 GMT+7

Lính đảo nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Viện Truyền máu - huyết học trung ương Hà Nội vào một ngày se lạnh đầu tháng 11. Phòng 609. Trong không gian tĩnh lặng của phòng bệnh, một cô bé đang nép vào lòng mẹ.

Trên bàn tay phải nhỏ xíu của bé, ẩn dưới lớp khăn tay mỏng là mũi kim được cố định vào ven. Bàn tay trái và khắp cổ chân còn nổi rõ những chấm đỏ, vết thâm bầm - dấu tích của hơn 20 lần lấy ven truyền máu, truyền dịch. Cô bé ấy mới 13 tháng tuổi, tên Phạm Thị Thu Hoài. Ở một góc phòng, cha của bé, người lính vừa trở về từ đảo Trường Sa Lớn, thiếu úy ngành xe tăng (Cụm chiến đấu 1) Phạm Văn Hoàng ngồi lặng lẽ nhìn con.

“Các bác sĩ bảo cháu bị thiếu máu bẩm sinh, phải truyền máu mới duy trì được sự sống. Hai ngày trước, bác sĩ mới chọc tủy và lấy máu xét nghiệm lần hai. Lần đầu chỉ cách đó ba ngày. Dù đã tiêm thuốc ngủ nhưng bé đau quá, chỉ ngủ được một tiếng rồi lại thức, cứ nắm chặt tay cha” - anh Hoàng kể.

Cuộc điện thoại 12g đêm

Anh Hoàng kết hôn năm 1996 nhưng do hiếm muộn nên 15 năm sau, khi thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Từ Dũ, may mắn mới mỉm cười với vợ chồng người lính đảo. Khi vợ mang thai tháng thứ sáu, anh được lệnh ra Trường Sa tiếp tục làm nhiệm vụ. 8g30 ngày 5-9-2011, Thu Hoài, con gái bé bỏng của anh chị, chào đời, chỉ nặng 2,6kg.

“Tôi đã nghe vợ dặn sẽ sinh vào giờ đó nên gọi điện để được nghe tiếng con khóc. Gần 16 năm mới được làm cha, tôi chỉ mong được nghe tiếng con khóc” - anh Hoàng kể. Giây phút ấy, niềm vui, sự hồi hộp và nỗi lo lắng làm trái tim người lính đảo như nghẹt thở. Điện thoại đổ hồi chuông dài. Vợ anh không nghe máy. Anh gọi lại rất nhiều lần. Vẫn không ai trả lời.

12g đêm, một cuộc điện thoại gọi vào máy thiếu úy Hoàng, là một người hàng xóm, giọng gấp gáp: “Tình hình cháu nguy kịch quá, các bác sĩ bảo tôi gọi báo anh biết. Giờ không biết cháu sống hay chết! Các bác sĩ vẫn giấu chưa cho chị hay...”. Anh bàng hoàng buông máy. Trong khóe mắt người lính dày dạn, dòng nước mắt lăn dài bởi sinh mệnh bé bỏng của đứa con hơn 15 năm trời mới có đang mong manh quá đỗi. Con gái anh, mới sinh ra được hai tiếng đồng hồ, đã phải đưa vào lồng ấp cấp cứu, truyền dịch, truyền sữa và máu vì dòng máu trong cơ thể bé bỏng của con đang gần hết.

Ngay trong đêm đó, một đêm sau mưa gió, nước lụt dâng khắp đường, tất cả hàng xóm của vợ chồng anh chị gần 50 người đã lội bộ mấy chục kilômet đến Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh để cho bé Thu Hoài máu. Tất cả cố gắng tưởng chừng như vô ích khi kết quả cho biết nhóm máu không trùng với nhóm máu của bé Thu Hoài. Người cuối cùng làm xét nghiệm là một đồng đội của anh, thiếu tá Trần Quang Oanh, khi đó đang ở bờ (hiện đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn), lại có nhóm máu trùng với bé.

Anh Hoàng giấu biệt không để đồng đội biết chuyện riêng của gia đình, ráng kìm nén để nỗi đau khổ, sự lo lắng không bộc lộ ra ngoài. Mỗi ngày, anh chỉ có thể tranh thủ giờ nghỉ giải lao, buổi trưa hoặc buổi tối mới gọi điện thoại cho vợ hỏi thăm. Mãi ba ngày sau, khi đơn vị từ trong đất liền gọi ra đảo báo tin, anh em trên đảo mới biết.

“Anh em chiến sĩ ở Trường Sa rất đoàn kết, tình cảm. Biết chuyện của gia đình tôi, ai cũng đến chia sẻ, động viên và đóng góp được một ít tiền” - anh Hoàng bảo. Anh giải thích thật giản dị: “Tôi không thể để anh em đồng đội biết mình buồn. Ở các đảo khác cũng có nhiều người con cái bị bệnh nhưng vẫn ở lại làm nhiệm vụ. Nếu cứ để chuyện riêng lấn át nhiệm vụ sẽ bị phân tâm. Đã là người lính, nhất là người lính ở Trường Sa, phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên hàng đầu”.

Mãi đến khi hết thời gian làm nhiệm vụ, ngày 5-9-2012, anh được trở về đất liền. Lần đầu tiên nhìn thấy mặt con gái, người lính đảo lặng đi. Con giống anh quá. Rồi anh xót xa khi thấy da con xanh xao quá. Chân tay con li ti những nốt đỏ, vết thâm. Đó là dấu vết của hơn 20 lần lấy ven do bé Thu Hoài quá nhỏ, phải tìm ven ở tay rồi đến chân. Mu bàn tay trái vẫn còn hằn lên vết keo dán làm sần làn da mỏng non nớt. Trên bàn tay trái bé xíu còn quấn khăn băng lại, che đi mũi kim châm sẵn vào ven để hằng ngày, mỗi lần các cô y tá đến truyền dịch, truyền máu chỉ cần nối dây vào đấy, không phải vất vả tìm ven cho bé.

Suốt ba ngày ba đêm đầu tiên gặp bố, cô bé khóc nguầy nguậy, nhất định không chịu theo bố. Anh chìa đôi bàn tay rắn rỏi, chai sần của người lính đảo, đầy chờ đợi và ánh mắt khao khát được ôm hình hài bé bỏng, non nớt của con vào lòng. Bé Hoài cứ thét lên sợ hãi, xa lạ. Chỉ trong một tháng về phép, anh đã ẵm con đến ba bệnh viện. Với anh, niềm hạnh phúc thật đơn sơ. Ấy là khi nhìn thấy con cười, nằm cuộn người rúc rích; là khi con giơ bàn tay bé xíu chạm vào bàn tay thô ráp của anh; là khi con nằm ngủ an lành trên đôi vai anh...

Con là gia tài lớn nhất

“Bé 13 tháng tuổi nhưng hơn 9 tháng ở bệnh viện. Một tháng bé chỉ ở nhà 15 ngày, còn 15 ngày ở bệnh viện để truyền máu. Hai mẹ con tôi đã đi tám bệnh viện, từ Cam Ranh đến Sài Gòn rồi ra Hà Nội. Lần vào Sài Gòn, vì chỉ có 10 triệu đồng, không dám đi máy bay sợ tốn kém, tôi bế con đi xe khách. Bé say xe ói trên người mẹ rồi lả đi làm tôi sợ quá cứ khóc mãi. Chồng làm nhiệm vụ xa, tôi đã chuẩn bị tâm lý và cố gắng chu toàn để chồng vững tâm công tác nhưng thật lòng lại không nghĩ vất vả đến như thế” - chị Ngô Thị Hằng, mẹ bé Thu Hoài, rơi nước mắt kể.

“Khi ở ngoài đảo, tôi cứ lo không biết về có gặp được con hay không. Nhiều đêm không ngủ được, thương con rơi nước mắt. Có lúc tôi đã khóc khi ôm con ngủ trên tay mình. Nhưng dù yếu đuối đến mấy, không khi nào tôi để vợ biết. Mình là chồng, là người đàn ông phải vững vàng, là chỗ dựa cho vợ cho con” - anh Hoàng tâm sự.

Sự kiên cường và điềm tĩnh ấy dường như là tố chất trong người lính Trường Sa, ngay cả khi anh quyết định bán đi căn nhà cấp 4 ở Cam Ranh để lấy tiền chạy chữa cho con. Khi còn ở ngoài đảo, anh đã bàn với vợ, nhẹ tênh: “Mình bán nhà đi em, lo cho con trước, nhà cửa tính sau”. Căn nhà vợ chồng tích cóp hơn 10 năm lấy nhau mới có được, bán chỉ được 170 triệu đồng. “Gia tài quý giá nhất là đứa con chứ không phải căn nhà. Cứu được con là điều quan trọng nhất với vợ chồng tôi bây giờ” - anh thổ lộ.

Ngày 5-11 này anh lại trở vào đơn vị để tập huấn đến cuối năm ra lại đảo. “Tôi làm nhiệm vụ ở Trường Sa từ năm 2000, đã ở gần hết các đảo nổi. Không phải người lính nào cũng được ra đảo. Hi sinh vì Tổ quốc là điều mà bất cứ người lính nào cũng phải thấm nhuần như là máu của mình. Tôi ấm lòng vì có rất nhiều người yêu thương gia đình mình. Viện trưởng đã đến thăm bé 3-4 lần, các y bác sĩ rất tận tâm. Anh em đồng đội và thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân cũng đã đến động viên. Ơn ấy vợ chồng tôi biết bao giờ đáp đền được... Nhiệm vụ là phải đi, tôi đã xác định điều đó từ khi bước chân vào quân đội” - anh Hoàng tâm sự.

“Vì nhiệm vụ thiêng liêng”

ctty5VIv.jpgPhóng to
Bé Thu Hoài trong vòng tay của cha - Ảnh: My Lăng

Đêm nghe tin con nguy kịch, anh thức trắng. Trong đầu anh lại hiển hiện những hình ảnh con trong đoạn phim khi anh đưa vợ đi siêu âm, bé xíu, ngọ nguậy lúc mới vài tháng tuổi cho đến ngày trước lúc anh ra đảo, con đã áp bàn tay nhỏ xíu vào bên má... “Khi đó tôi rất lo lắng, đau lòng nhưng vẫn kìm nén. Trường Sa quá xa xôi, cách trở, không như trong đất liền có tàu xe, có máy bay mà đến ngay bên vợ và con. Tôi biết mình đang ở đảo làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng không thể về ngay được, chỉ biết động viên cô ấy nhờ nói với các bác sĩ ráng cứu chữa cho con” - anh Hoàng kể.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên