04/11/2012 05:15 GMT+7

Vĩnh biệt "vua săn voi"

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Sau một thời gian lâm bệnh nặng và do tuổi cao sức yếu, ông Amakông - một gru (dũng sĩ săn voi) vĩ đại - đã về với bến nước ông bà lúc 2g ngày 3-11 tại nhà riêng (buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk), hưởng thọ 104 tuổi.

Ông "amakong.com.vn"

gwmJ4nFd.jpgPhóng to
Vua săn voi Amakông - Ảnh: TẤN VỊNH

Ông Khăm Phết Lào, con trai thứ bảy của ông Amakông, cho biết: “Khoảng một tháng nay cha tôi đau dạ dày nặng, gia đình phải chuyển đi bệnh viện đa khoa để các bác sĩ điều trị cho ông. Ngày 24-10, các bác sĩ đã mổ để cứu chữa nhưng tình trạng sức khỏe của ông vẫn rất yếu nên không qua khỏi”.

Vĩnh biệt huyền thoại

Sự ra đi của ông đem đến nỗi tiếc thương vô cùng cho gia đình và những người bấy lâu mến mộ ông. Theo phong tục địa phương, từ khi trút hơi thở cuối cùng, thi thể ông sẽ được đưa vào gian nhà phía sau để con cháu lần lượt về nhìn mặt, người ngoài không ai được thấy vua săn voi nữa. Chỉ đến khi ông được khâm liệm và gia đình tổ chức lễ viếng thì mọi người mới được đến tiễn biệt ông. Dù vậy, trong ngày 3-11 nhiều người vẫn lui tới ngôi nhà sàn cổ kính 130 năm tuổi để chia tay ông - một huyền thoại của núi rừng. Nhiều du khách theo tour du lịch thăm nhà sàn cổ cũng hết sức ngỡ ngàng trước tin ra đi của ông...

Ông Amakông tên thật là Y Prông Êban (tên Lào là Khăm Proong), dân tộc M’Nông, sinh năm 1909 (theo lời gia đình hoặc sinh năm 1917 theo khai sinh). Amakông có nghĩa là cha thằng Kông (con cả của ông, theo cách gọi của dân tộc M’Nông). Amakông được nhắc nhiều vì tài săn bắt voi siêu hạng, cả đời mình Amakông đã săn tổng cộng 298 con voi rừng và thuần hóa chúng. Theo lời gia đình, Amakông là con nuôi của “vua săn voi” Khun Ju Nốp, bắt đầu làm thợ phụ nghề săn voi từ năm 13 tuổi. Năm 17 tuổi, ông trở thành thợ chính và trong chuyến đi đầu tiên đã săn được năm con voi. Trong cuộc đời săn voi đầy huyền thoại của mình, có những chuyến đi săn của Amakông kéo dài hàng chục ngày, bắt được hàng chục con voi rừng hung dữ và thuần dưỡng chúng. Trong kháng chiến chống Pháp, Amakông và hai người anh em kết nghĩa là thiếu tướng Y B’lôk và cố bác sĩ Y Ngông rủ nhau đi học trường Tây. Sau đó hai người này đi theo cách mạng kháng chiến, còn Amakông ở nhà bắt voi đổi lương thực cung cấp cho cách mạng, dùng voi gùi hàng, tải đạn... Với nhiều đóng góp cho kháng chiến nên năm 1954, ông Amakông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Chiến công hạng nhất kèm khoản tiền thưởng 50.000 đồng...

Trăm tuổi vẫn tràn đầy sinh lực

Theo mô tả của gia đình và các bức ảnh thì thời thanh niên ông cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, tài ba, giàu có, sống phóng túng, dữ dội và nổi tiếng đào hoa. Chính vì vậy, ông không chỉ nổi tiếng về tài nghệ săn và thuần dưỡng voi mà còn nổi tiếng là người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc khiến các thiếu nữ trong vùng say đắm. Cả cuộc đời ông Amakông có tới bốn vợ, 21 người con, gần 200 cháu, chắt. Vợ đầu của Amakông là H’Nô, con ruột của Y Leo - em ruột của Y Thu (tức vua săn voi Khun Ju Nốp). Đây là cuộc hôn nhân bất thường vì cùng huyết thống (con anh em ruột lấy nhau) vì không muốn của cải gia tộc bị đưa cho người ngoài. Sau khi sinh được hai người con thì H’Nô mất năm 1941 và theo tục nối dây, em gái của H’Nô là H’Hốt thay chị lấy Amakông.

Năm 1973, Amakông chia tay vợ H’Hốt, để lại toàn bộ tài sản, cưỡi một con voi đực hai ngà cùng bộ đồ nghề săn voi và cưới bà H’Biai ở buôn Trí A hiện nay. Amakông và H’Biai cũng chỉ ở với nhau hạnh phúc chưa đầy 10 năm, H’Biai mất vì trúng gió. Sau đó Amakông gặp Hồng Khăm, cô gái xinh đẹp nhỏ hơn ông đến 50 tuổi và nàng lại ngỏ ý cưới ông làm chồng khi ông đã tuổi ngoài 80. Rồi ngày ngày Amakông cưỡi voi vào rừng hái thuốc về bán để chăm lo cho người đẹp. Từ đó bài thuốc tăng cường sinh lực đàn ông T’klơng M’lêng (hiện được gọi theo tên ông) trở thành mặt hàng bán rất chạy, nổi danh khắp nơi... Thế nhưng cuộc hôn nhân với người vợ trẻ cũng chỉ kéo dài đến năm 2009 thì Hồng Khăm chia tay Amakông. Amakông trở về căn nhà sàn cổ kính của mình để điều trị bệnh và sống phần đời còn lại cùng các con cháu...

Hiện bài thuốc Amakông bị người ta làm nhái bày bán tràn lan. Tuy nhiên, theo ông Khăm Phết Lào, con trai thứ bảy, người thừa kế phương thuốc bí truyền của ông Amakông, bài thuốc này hiện do ông nắm giữ bí quyết và chỉ được bán tại gia đình với giá khoảng 150.000-200.000 đồng/bịch, chưa có bất kỳ đại lý nào. “Bài thuốc này không phải ai cũng có thể làm được vì cùng loại cây thuốc đó nhưng phải hái đúng thời điểm, phải rang sao đúng cách mới có tác dụng chính xác” - ông Khăm Phết Lào khẳng định. Bộ Y tế và Sở Y tế Đắk Lắk đã cấp giấy chứng nhận y khoa và Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho bài thuốc gia truyền Amakông.

Tang lễ trong 4 ngày

Bắt đầu từ sáng nay (4-11) gia đình mới bắt đầu tổ chức lễ viếng để bạn bè gần xa đến chia tay ông. Dự kiến tang lễ sẽ được tổ chức trong bốn ngày theo phong tục địa phương và ông sẽ yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà (buôn Trí A), bên cạnh người vợ cả của ông. Cũng theo tục lệ, mộ của vua săn voi sẽ được gia đình làm tượng nhà mồ với hình thù hai con chim công, cặp ngà voi và hình bốn chiếc nồi đồng lớn... - tượng trưng cho người giàu có, uy tín nhất buôn làng...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên