Phóng to |
Tiến sĩ Lương Bạch Vân nói: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì chọn là người trở về” - Ảnh: Quang Định |
Khi cánh cửa phòng cách ly khép lại, cô nhủ thầm: Vân ơi, đất nước còn nghèo nàn, còn bắt bớ, còn loạn lạc. Nhớ lấy, ghi lấy và đừng bao giờ quên... Chuyến bay đưa Bạch Vân đến Paris (Pháp). Ở đó có mẹ và các em đang chờ. Sang được 15 ngày, mẹ bảo cô đi làm thủ tục nhập quốc tịch Pháp. Cô trả lời: Con sang đây là để học. Học xong con sẽ trở về. Con muốn giữ quốc tịch Việt Nam!
Cuộc chuẩn bị 18 năm
“Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân tới Paris và suốt 18 năm sống trên đất Pháp, chưa lúc nào tôi thôi ý nghĩ: phải chuẩn bị cho cuộc trở về”- tiến sĩ Lương Bạch Vân, chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nhớ lại. Muốn về, cô phải làm được cái gì thiết thực cho đất nước chứ không chỉ mang về mảnh bằng vô tri vô giác. Nghĩ vậy, dù là nữ, Vân vẫn đăng ký học về công nghiệp nặng, chuyên ngành hóa - chất dẻo Đại học Orsay (Paris XI). Năm 1968, trong nước xảy ra trận Mậu Thân, du học sinh Việt Nam tại Pháp trích máu viết huyết tâm thư xin được trở về. Bạch Vân cũng là một trong số đó. Nhiều người đi trước khuyên: Phải bám trụ lại, phải học. Vân ở lại, nhưng tâm trí cô đã không còn chỉ dành cho việc học.
Thời đó, nhiều người rất ngạc nhiên, không hiểu du học sinh Việt Nam lấy đâu ra tiền mà cứ ít lâu lại gửi về ủng hộ phong trào cách mạng trong nước. Tiền đến từ những cuốn chả giò. Giữa ngày đông giá lạnh, từng nhóm sinh viên Việt Nam quấn chả giò rồi mang chảo ra chiên, bán cho sinh viên các trường ĐH. Bà kể: “Chúng tôi hạ chỉ tiêu: mỗi lần làm 10.000 cuốn chả giò. Với giá bán 1 cuốn/ franc, chúng tôi kiếm được 10.000 franc. Ngoài bán chả giò, hội du học sinh còn tổ chức in áo thun có chữ “Việt Nam”, làm apphich có hình em bé Việt Nam đội mũ rơm đi học trường làng để tuyên truyền. Những buổi nói chuyện trong các trường ĐH với lời mở đầu: Các bạn có biết, khi chúng ta đang bình yên ngồi với nhau trong lớp học này thì bom đang giội xuống làng quê Việt Nam, đạn đang bắn vào những người bạn cùng trang lứa với chúng tôi... đã làm bạn bè quốc tế rúng động”.
Năm 1976, cô Lương Bạch Vân được vinh dự đại diện cho kiều bào Pháp về nước tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Đất nước sau ngày thống nhất có muôn ngàn khó khăn. Nhiều người hỏi: Về rồi, thấy rồi, còn dám xin về luôn không? Cô đáp: “Chính vì đất nước khó khăn nên em càng phải về ngay”. Quyết định vấp phải sự phản đối của nhiều người trong gia đình và bạn bè. Lúc này, cô đã lấy được bằng tiến sĩ ngành hóa cao phân tử, đang công tác tại Trung tâm năng lượng nguyên tử Saclay, Pháp. Chồng cô là giảng viên ĐH. Mùa đông 1978, chuyến xe lửa từ Paris về Việt Nam, đi qua Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc có mặt vợ chồng cô và ba con nhỏ.
Từ vòng tránh thai đến xuồng ba lá
Trước đó, trong đơn xin về nước phục vụ, bà Bạch Vân đã tình nguyện đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần. Sau thời gian công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội, đến năm 1983, bà chuyển công tác vào TP.HCM. Trong một lần nói chuyện với giám đốc Sở Y tế, bà bày tỏ ý định được làm vòng tránh thai cho chị em phụ nữ. “Lúc đó, lãnh đạo sở kêu tôi về viết một lá thư, bày tỏ hết ý nguyện, gửi cho bí thư Thành ủy. Tôi nghe lời về viết mà trong bụng không mấy tin thư của mình sẽ được trả lời. Mấy ngày sau, tôi nhận được một mẩu giấy đánh máy với dòng chữ: Đề nghị các sở ngành tạo điều kiện cho đồng chí Lương Bạch Vân thực hiện chương trình hạn chế dân số của TP. Ký tên Võ Văn Kiệt”- bà Vân kể.
Chỉ với mẩu giấy nhỏ đó, bà vào được Viện Pasteur để thí nghiệm trên chó, thỏ, mèo, chuột, lên Viện hạt nhân ở Đà Lạt để khử trùng sản phẩm bằng tia phóng xạ, đến Bệnh viện Từ Dũ và nhiều bệnh viện khác để thử nghiệm trên người. Thời kỳ đó, kiếm được nguyên liệu làm vòng tránh thai không dễ. Chính sách cấm vận của Mỹ khiến hàng hóa trong nước cực kỳ khan hiếm. Bà phải nhờ bạn bè nước ngoài mua nguyên liệu bí mật chuyển về. Sau nhiều nỗ lực, 4 triệu chiếc vòng tránh thai đầu tiên đã ra đời. Đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc sang kiểm tra hết sức ngạc nhiên vì trong điều kiện ngặt nghèo về kinh tế, non kém về khoa học kỹ thuật, Việt Nam vẫn sản xuất được vòng tránh thai đạt chuẩn.
Một lần khác, sau cuộc trò chuyện với ông Mai Chí Thọ - lúc này là chủ tịch UBND TP.HCM, bà được ông đặt hàng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bằng composite phục vụ đời sống. Lần đầu tiên tại VN sau chiến tranh, những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản, bồn chứa nước bằng composite được sản xuất, cung cấp cho chính bà con nông dân. Thời gian chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, trực tiếp chứng kiến những anh lính còn rất trẻ phải chết trong trạm xá vì bệnh sốt xuất huyết, bà xin được nghiên cứu làm nhang muỗi tiết chậm. Không lâu sau đó, trong balô người lính ở chiến trường Tây Nam đã có được thanh nhang un muỗi cháy chậm. Số người chết vì sốt rét, sốt xuất huyết giảm hẳn. Những năm khó khăn nhất sau khi đất nước thống nhất, có lúc vừa thấy bà lặn lội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giúp nông dân làm màng địa chất nuôi tôm, mấy ngày sau đã có mặt ở miền Tây Bắc để mày mò nghiên cứu làm túi chứa nước cho bà con vùng cao.
Sau ngày về hưu, bà Bạch Vân được mời về công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, phụ trách mảng đối ngoại nhân dân và làm cầu nối với kiều bào. Mỗi lần gặp bà, lại thấy bà trăn trở: khi thì chuyện một Việt kiều về nước xin nhập lại quốc tịch Việt Nam mà khó quá, lúc là việc một nhà khoa học tìm được chất chống bệnh ung thư, có bằng phát minh và muốn dành riêng cho Việt Nam nhưng khi về nước lại vấp trở ngại đến mức phải bỏ cuộc. Nhiều người hỏi bà: Quá nhiều chuyện vô lý, bà có thấy không, biết không? Bà trả lời: “Thấy chứ, biết chứ. Nhưng đất nước mình giờ như cỗ xe đang lên dốc. Phải kề vai mà đẩy nó vượt lên và vượt qua thôi!”. Mấy chục năm qua rồi, bà chưa bao giờ hối hận vì mình đã chọn làm người trở về!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận