Kỳ 1: Ký ức kinh hoàng Kỳ 2: Món nợ
Phóng to |
Bằng các biện pháp hóa trang, các trinh sát C45 đã khiến kẻ giả điên hiện nguyên hình mà không mảy may nghi ngờ - Ảnh: G.M. chụp lại |
Phóng to |
Huỳnh Văn Tiếm luôn bị các trinh sát C45 theo dõi nhưng không hề hay biết -Ảnh: G.M. chụp lại |
Một số đối tượng trong băng nhóm này có thể do ăn chia không đều, sợ bị tố cáo nên các “thủ lĩnh” đã thủ tiêu họ. Theo đơn tố cáo, số vàng cướp được nhóm này không mang đi tiêu xài ngay mà khò thành vàng cục, rất lâu sau đó mới mang đi tiêu thụ.
Nhiệm vụ bí mật
“Ngay khi nhận đơn tố cáo, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - TCVI, nguyên cục trưởng C45) đã gọi đại tá Hồ Sỹ Tiến (nguyên cục phó, hiện là cục trưởng C45) và tôi, giao nhiệm vụ phải xác minh cho được người tố cáo là ai, tiếp cận họ để khai thác thông tin, tìm hướng phá án. Chúng tôi đánh giá thông tin này là chính xác, là “chìa khóa” để phá các vụ án” - đại tá Phạm Văn Tám, trưởng phòng điều tra án nhân thân C45, kể.
Được giao nhiệm vụ đi tìm một người dân tố cáo chỉ có tên họ, không biết thật hay giả, không địa chỉ, không có bất kỳ liên lạc nào khác thì đúng là như mò kim đáy bể. Tuy nhiên, do đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên lãnh đạo TCVI quyết định cử đại tá Tám làm “nhiệm vụ tuyệt mật” với lời dặn: “Phải tìm được người tố cáo, đảm bảo bí mật tuyệt đối để giữ an toàn cho người này, vì chỉ sơ hở, để lộ việc người này tiếp xúc với cơ quan điều tra là bị thủ tiêu ngay”. Cùng lúc này, chuyên án mới được lập, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến làm trưởng ban, đại tá Hồ Sỹ Tiến, đại tá Nguyễn Tri Phương (phó C45) và đại tá Tám là phó ban, cùng nhiều thành viên khác.
Nhiệm vụ “mò kim đáy bể” được bắt đầu từ việc lãnh đạo ban chuyên án cùng nhau phân tích về người tố cáo bí ẩn, qua đó tìm hướng để bắt đầu cuộc tìm kiếm. Đại tá Tiến một mình trở lại nhiều địa phương, lật lại từng hồ sơ vụ việc, đặc biệt là hồ sơ lưu trữ về những cái chết của các thành viên trong băng cướp mà người tố cáo nghi là bị thủ tiêu nhằm bịt đầu mối. “Tôi công khai tìm hiểu hồ sơ vụ việc, nhưng bí mật đi tìm người tố cáo với gánh nặng tâm lý rất lớn. Chỉ hở ra một chút người tố cáo bị thủ tiêu là tất cả lại đi vào ngõ cụt!” - đại tá Tiến chia sẻ.
Gần một tháng sau, đại tá Tiến đã xác định được người tố cáo, thêm một thời gian xác minh bí mật, giao cho các trinh sát có kinh nghiệm của C45 đóng nhiều vai để tiếp cận người này. Cuối cùng, đại tá Tiến đã gặp và thuyết phục được người tố cáo hợp tác, bắt đầu tìm hiểu về những thông tin có liên quan.
Dựng chân dung băng cướp
Đại úy Đào Thanh Bình - đội phó đội cảnh sát phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc phòng 5 C45, được giao nhiệm vụ dựng lại chân dung các thành viên trong băng cướp - kể: “Dù có được thông tin về Lê Anh Kiệt nhưng không có địa chỉ, mà ở TP.HCM có cả ngàn người tên Kiệt. Người tố cáo cho biết Kiệt và các thành viên của băng cướp đều từng thụ án tù tại trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước). Do đó, một tổ công tác của C45 được cử tới đây để lục tìm hồ sơ lưu trữ về Kiệt và những phạm nhân từng bị giam chung. Có thông tin về Kiệt tại trại này, tìm về nơi đăng ký thì Kiệt đã đi từ lâu, không liên lạc với gia đình. Các tổ công tác của C45 tiếp tục lần tìm từng địa phương, phát hiện tại Công an huyện Nhà Bè có một người tên Lê Anh Kiệt, vi phạm luật giao thông, bị giữ xe nhưng bỏ luôn, không quay lại nộp phạt, lấy xe. Từ đây, tổ công tác đã tìm được nơi ở, làm việc của Kiệt”.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là tất cả người dân, cán bộ địa phương đều đánh giá Kiệt là người tốt, có vợ, hai con học giỏi, chăm chỉ làm ăn, không thể là người gây ra tội ác giết người, cướp của được. Hằng ngày, Kiệt dậy từ 2g-3g sáng, chở vợ đi chợ đầu mối lấy rau về chợ Phạm Thế Hiển, Q.8 bán, sau đó bán cơm, thích chơi cờ tướng. Tất cả không có biểu hiện gì lạ. Tuy nhiên, khi bí mật theo dõi Kiệt thì các trinh sát của C45 phát hiện Kiệt thường xuyên đi quanh các tiệm vàng vào chập tối, kỹ thuật “cắt đuôi” người theo dõi vào loại siêu hạng. Nhà của Kiệt là nơi mà từ trong có thể quan sát rất rõ mọi diễn biến bên ngoài, trong khi chỉ một người lạ xuất hiện là có thể biết ngay. Một tổ trinh sát của C45 được giao nhiệm vụ đeo bám, theo dõi Kiệt 24/24 giờ.
Sau khi tìm ra Kiệt, một tổ công tác do đại tá Hồ Sỹ Tiến và đại tá Phạm Văn Tám trực tiếp tham gia về Tây Ninh để xác minh nhân vật có tên Tím. Với những đặc điểm mà người tố cáo nêu, tổ công tác rà soát nhiều huyện của tỉnh Tây Ninh để tìm Tím. Sau nhiều ngày lặn lội tìm kiếm đã thấy được một hồ sơ tai nạn giao thông có những đặc điểm giống với lời nhân chứng tả. Tuy nhiên, khi tìm được thì hồ sơ tai nạn thể hiện tên của người này là Huỳnh Văn Tiến (không phải Tiếm hay Tím như người cần tìm). Sau vụ tai nạn bị chấn thương sọ não, cả cán bộ địa phương và người dân đều cho rằng người này hiện bị “ngơ ngơ”, gãy cả hai chân nên đi lại rất khó khăn. Đại úy Bình nhớ lại dù hầu hết thông tin đều thể hiện Tím “ngơ ngơ” thật, hồ sơ tai nạn có thật, nhưng bằng kinh nghiệm của người làm điều tra, trinh sát nhiều năm, ông đặt nghi vấn: “Vì sao vụ tai nạn Tím lấy tên Huỳnh Văn Tiến mà không là Huỳnh Văn Tiếm. Sau vụ tai nạn, cũng không đòi bồi thường, tiếp sau đó là liên tục về TP.HCM nói là đi chữa bệnh nhưng có thể có mục đích khác”. “Rất có thể biết tội ác của mình sẽ phải trả giá thế nào, Tiếm đã tính trước cho mình đường lùi, giả điên để không bị chú ý” - đại úy Bình cho biết.
Đại úy Bình cùng thượng úy Lê Trạc Chinh tìm cách “thử” độ “ngơ ngơ” của Tiếm. Qua nhiều lần tiếp cận, ban đầu Tiếm tỏ ra “ngơ ngơ” thật, nhưng bằng nhạy cảm nghề nghiệp, tổ công tác xác định Tiếm không hề ngơ ngơ như vẻ bề ngoài. Đại úy Bình cùng thượng úy Chinh hóa trang, công khai tiếp cận, chụp hình tại nơi Tiếm đang ẩn náu (đường bờ bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú) mà Tiếm không mảy may nghi ngờ. Trong quá trình xác minh Tiếm, tổ công tác cũng đồng thời xác minh hàng trăm người khác để tìm “Chó lửa” và một đối tượng tên Dũng, danh sách cuối cùng thu lại còn hơn 30 người để theo dõi.
Phát hiện được Kiệt và Tiếm, hai tổ trinh sát thay ca giám sát hoạt động của hai đối tượng này 24/24 giờ, mọi hoạt động của cả hai đều được các trinh sát nắm rõ. Cùng lúc đó, các tổ công tác khác trở lại các địa phương lật lại hồ sơ, dựng lại chân dung các đối tượng trong từng vụ cướp để so sánh với Kiệt và Tiếm, xác định đây chính là những “thủ lĩnh” của băng cướp. Tất cả các mối quan hệ, liên lạc của hai đối tượng này cũng được làm rõ để tìm ra những kẻ còn lại trong băng cướp
_________________
Không biết tội ác của mình bị phát hiện, đang bị theo dõi, cả hai tiếp tục lên kế hoạch mua súng, thăm dò các tiệm vàng để cướp...
Kỳ tới: Hành trình truy bắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận