11/08/2012 10:25 GMT+7

"Buôn người" qua Anh

DUY BÌNH
DUY BÌNH

TT - Một trong những công việc bất hợp pháp làm giàu nhanh nhất trên đất Anh là tổ chức đưa người từ Việt Nam sang Anh. Nhiều người đã giàu sụ nhờ vào việc đưa hàng ngàn người Việt Nam sang Anh bằng con đường bất hợp pháp.

MiP5AbiS.jpgPhóng to

Một người VN đến Anh bằng con đường bất hợp pháp làm việc tại nhà hàng bán thức ăn Việt - Ảnh: D.B.

Hào - quê ở Nghệ An - là một trong số hàng ngàn người VN sang Anh bằng con đường bất hợp pháp. Hào cho biết anh đã trả gần 40.000 USD để có thể đặt chân đến nước Anh.

Hành trình “nhớ đời”

Nhiều người VN nhập cư trái phép

Trợ lý giám đốc Cơ quan biên giới Anh Dave Smith cho biết trong những năm gần đây người nước ngoài nhập cư trái phép vào Anh ngày càng nhiều, trong đó có người VN. Họ được đưa vào Anh qua một quốc gia trung gian và đến Anh bằng xe tải từ những thành phố cảng dọc duyên hải phía bắc nước Pháp. “Cơ quan biên giới Anh quyết tâm trừng phạt nạn buôn người. Chúng tôi sử dụng những kỹ thuật hiện đại để phát hiện người nhập cư trốn trong xe và sẽ ngăn chặn mọi sự nhập cư trái phép vào Anh” - báo Daily Mail (Anh) dẫn lời ông Dave Smith cho biết.

Theo Daily Mail, việc đưa người nhập cư trái phép vào Anh còn có sự tham gia của một bộ phận người VN đang sống và làm việc ở Anh. Năm 2011, nhà cầm quyền Anh đã tuyên phạt Nguyen Khac Dan, người VN, 3 năm tù vì tội đã đưa trót lọt 62 người VN nhập cư trái phép vào Anh. Nguyen Khac Dan còn có biệt danh là “ông Phong” đã kiếm được gần 40.000 USD mỗi tháng từ việc buôn người này.

MỸ LOAN

Rắn rỏi, nhanh nhẹn và tháo vát - đó là những ấn tượng của chúng tôi về chàng thanh niên sinh ra tại huyện Quỳnh Lưu. Hào khoe anh là một trong những người có nhiều kinh nghiệm lao động ở nước ngoài nhất, từng sang Libya và Hàn Quốc làm việc nhiều năm trước khi đến Anh bằng con đường bất hợp pháp.

Hào kể: “Sau khi trở về VN từ Hàn Quốc, do ở nhà không có việc làm nên tôi quyết định đến Anh tìm việc. Một người bạn của tôi nói anh có quen một thành viên trong băng nhóm đưa người từ VN sang. Anh bảo tôi chuẩn bị tiền và hộ chiếu, chờ ngày lên đường. Thế là tôi vét hết tiền để dành sau hai chuyến lao động ở Libya và Hàn Quốc dồn cho cuộc hành trình đến Anh”.

Đến ngày hẹn, Hào được dẫn mối gặp người trong tổ chức đưa người từ VN sang châu Âu. Họ cầm trước của Hào 10.000 USD, 30.000 USD còn lại sẽ được gia đình của Hào ở VN đưa sau khi Hào bắn tin về báo đã đến Anh thành công. Theo lộ trình mà nhóm đưa người qua Anh vạch ra, hộ chiếu của Hào được đóng visa đến Hungary theo tour du lịch, khi máy bay dừng ở sân bay Charles de Gaulle (Paris, Pháp), anh ra ngoài và có người đón. Từ Paris, đường dây đưa người sang Anh sẽ đưa Hào vượt biên giới qua Anh.

Sau khi thoát khỏi sân bay Charles de Gaulle, Hào chờ mãi không thấy người đón. Trong cái lạnh tê tái của mùa đông châu Âu, lại không biết ngoại ngữ, Hào bơ vơ cả ngày trời giữa thủ đô Paris. May mà anh gặp được một tài xế taxi tốt bụng, giúp anh thuê tạm chỗ ở. Đến tận nửa đêm Hào mới nhận được cuộc điện thoại báo tin do đường dây bị động nên người được cử ra đón không thể xuất hiện tại sân bay Charles de Gaulle. Họ bảo anh tạm ở Paris vài ngày, chờ nhận thông tin mới.

Vài ngày sau, Hào nhận được cuộc gọi báo chuẩn bị hành lý lên đường. Nhưng đêm đó anh được đưa sang Đức để từ Đức vượt biên sang Anh, thay vì từ Pháp sang thẳng Anh như kế hoạch định trước. Lý do anh được báo là đường dây tại Anh bị lộ. Trục trặc xảy ra khi chiếc xe chở Hào vượt biên sang Đức bị cảnh sát Đức bắt. Anh bị tống vào trại tị nạn. Hào kể: “Cảnh sát Đức sau khi thẩm tra đã đối xử với tôi khá tốt. Họ cho ăn uống, chỗ nghỉ đàng hoàng, cho phép tôi đi lại thoải mái và tự do liên lạc. Nhờ vậy, tôi có cơ hội liên lạc với đường dây. Họ bảo tôi cứ ở tạm trong trại tị nạn vài ngày, chờ báo tin mới”.

Chừng một tuần sau, Hào được người của đường dây đến đón ở điểm hẹn. Nhưng họ không thể đưa Hào thẳng đến Anh mà đi qua Đan Mạch, từ đây tìm cách đi đường biển sang Anh. Hai ngày trước chuyến vượt biển sang Anh, Hào nhận được cuộc gọi nói anh chuẩn bị những đồ dùng cần thiết. Họ căn dặn anh mọi chuyện, kỹ càng nhất là đêm trước chuyến đi không được ăn uống vì suốt hành trình vượt biên anh sẽ không có cơ hội ra ngoài vệ sinh cá nhân.

Khi tàu cập cảng Dover của nước Anh và chiếc container có chứa Hào vừa lọt qua cổng hải quan, ngay lập tức anh thoát ra ngoài theo yêu cầu của người dẫn đường. Việc đầu tiên Hào làm là nhanh chân tìm một chỗ nấp, ít người chú ý và sử dụng điện thoại liên lạc báo vị trí của mình. “Tôi lao vào bụi cỏ rậm rạp, nằm đó gần ba giờ. Người dẫn đường bảo tôi đi thẳng ra đường ray xe lửa gần đó. Tôi đến nơi, giơ hai ngón tay hình chữ V báo ký hiệu an toàn. Họ chạy xe đến, đưa tôi đến TP Birmingham” - Hào kể lại. Sau khi đến Birmingham, Hào đã liên lạc với người thân tại VN đưa 30.000 USD còn lại. Đến đây, xem như công việc của đường dây chấm dứt, mọi thứ còn lại trên đất Anh sẽ do chính Hào định đoạt.

Những người chúng tôi gặp sau khi đến Anh từ đường dây “buôn người” đều cho biết có thể cả cuộc đời còn lại họ không bao giờ quên cơn ác mộng với chuyến hành trình kinh hoàng trải qua. Anh Bốn - quê ở Thanh Hóa - tâm sự: “Bạn chẳng khác một con vật được chở từ nước này sang nước khác. Điều khác biệt duy nhất là bạn nói được, còn con vật thì không. Nhưng con vật thì chẳng biết lo âu, nghĩ ngợi gì...”. Nhóm của anh Bốn gồm năm người, trong đó có bốn người vượt biên thành công đã đưa tổng cộng 140.000 USD. Anh Bốn cho biết trong ba tháng qua, chỉ riêng ở xã anh có hơn mười người đặt chân đến Anh bằng cách này.

Giàu sụ nhờ đưa người

Ngồi trước mặt chúng tôi là Mạnh - một chân rết trong đường đây đưa người từ VN sang châu Âu. Mạnh nói đường dây của anh có thể đưa người VN đến bất cứ mảnh đất nào ở châu Âu như Nga, CH Czech, Đức... Nhưng những năm gần đây người VN chỉ thích sang Anh lao động bất hợp pháp vì luật lệ ở Anh không quá hà khắc đối với người nhập cư bất hợp pháp so với một số nước khác tại châu Âu.

Mạnh giơ chiếc điện thoại di động lên: “Cuộc đời tôi gắn với chiếc điện thoại này. Tôi không biết người đứng đầu đường dây, chỉ biết duy nhất người hằng ngày trực tiếp sai tôi làm việc. Nhiệm vụ của tôi là đón “hàng (người)” và giao “hàng” đến nơi yêu cầu. Nếu bị cảnh sát bắt, tôi chỉ nói đơn giản là do không biết nên vô tình cho người di cư bất hợp pháp đi xe nhờ”.

Mạnh nói đã đón thành công hàng trăm “con hàng” và chưa một lần bị cảnh sát bắt. Khi được hỏi “kỷ niệm” nào khó quên nhất trong những lần đón “hàng” của mình, Mạnh kể: “Đó là một ngày vào cuối năm 2011. Tôi được lệnh ra cảng Dover đón ba người VN đi từ ngả Pháp sang. Khi ba người lên xe thì một người trong số này run cầm cập, miệng lầm bà lầm bầm suốt đường đi. Khi xe dừng đèn đỏ, anh ta tung cửa thoát ra ngoài, đứng giữa trời đông rét buốt hét to như thằng điên... Sau khi tìm mọi cách kéo anh ta vào xe không được, tôi đành bỏ chạy vì sợ bị cảnh sát phát hiện. Tôi nghĩ anh ta bị hoảng loạn sau chuyến hành trình “kinh dị” đến đất Anh”.

Viễn - một tay có số má ở khu China Town (London) - cho biết tại Anh có rất nhiều đường dây đưa người bất hợp pháp từ VN sang: “Các đường dây hoạt động khép kín, có mặt ở hầu hết quốc gia châu Âu. Mỗi đường dây có thể thu về hàng triệu bảng/năm. Có dạo báo chí đưa tin cảnh sát Anh đã phá nhiều vụ đưa người sang, nhưng tôi nghĩ khó mà dẹp hết nổi...”.

Viễn và Mạnh có cùng nhận xét là ở Anh rất nhiều người Việt làm giàu nhờ nghề đưa người sang Anh. “Họ kiếm nhiều tiền và tìm cách rửa tiền vì rất khó cho bạn đưa tiền mặt ra khỏi nước Anh. Họ mở shop bán hàng hay tiệm làm móng... để tìm cách hợp thức hóa số tiền mình kiếm từ nghề đưa người sang Anh” - Viễn nói.

Viễn cho biết thêm kẻ thù số 1 của những người này không phải là cảnh sát mà chính là các “đồng nghiệp”. Vì những người có nguồn thu nhập này không thể gửi tiền ở ngân hàng, họ buộc phải giấu ở nhà hoặc một nơi khác được cho là an toàn. Tuy nhiên, các “đồng nghiệp” sau khi có thông tin đã cấu kết với các băng nhóm xã hội đen. Họ canh thời điểm thích hợp, bịt mặt lao vào nhà cướp. Kẻ cướp ung dung lấy tiền, sau đó bình yên vô sự vì người bị cướp có gan trời cũng không dám khai báo với cảnh sát bởi lẽ tất cả tiền bị mất đều bất hợp pháp!

Phát hiện nhiều vụ chuyển tiền bất hợp pháp

Một kênh truyền hình Anh cho biết từ khi Hãng hàng không Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM đi London và ngược lại vào cuối năm 2011, cảnh sát biên phòng sân bay Gatwick đã bắt rất nhiều vụ người VN hoặc người Anh gốc Việt mang tiền lên máy bay không khai báo. Những người này đã tìm cách giấu tiền trong người hoặc hành lý ký gửi.

Sau khi bị phát giác, hầu hết những người bị phát hiện giấu tiền mang về VN đều không thể chứng minh nguồn gốc số tiền mình có. Vì thế, cảnh sát đã tịch thu hầu hết lượng tiền vi phạm. Cảnh sát nghi ngờ tiền bị tịch thu có nguồn gốc từ những băng đảng người Việt làm ăn bất hợp pháp tại Anh, chủ yếu nhờ trồng cần sa và buôn người.

Ngoài các phương tiện “soi” tiền hiện đại, cảnh sát biên phòng Anh còn được hỗ trợ từ chó nghiệp vụ. Hơn 50% các vụ giấu tiền trên chuyến bay từ London đến VN ở sân bay Gatwick là nhờ chó nghiệp vụ phát hiện.

DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên