25/07/2012 10:35 GMT+7

Người mẹ và những lá đơn xin ân xá

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Người phụ nữ gần 60 tuổi, tóc bạc, vóc người nhỏ nhắn bước vào một văn phòng luật sư bằng những bước đi dứt khoát. Bà nắm tay vị luật sư cũ, vừa khóc vừa cười mà nói: “Tôi mừng lắm lắm cô ơi! Cháu nó nay khỏe lắm cô ơi, cải tạo tốt lắm. Nó học được nghề phơi cá cơm nữa!”.

Kỳ 1: Nhật ký con trai tử tù Kỳ 2: Khi tôi tuyên án tử

Zyj1VDwG.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Mỹ - Ảnh: TÂM LỤA

Nó ở đây là con trai của bà Nguyễn Thị Mỹ, người đã bị TAND tối cao tại TP.HCM kết án tử hình vì hai tội giết người và cướp của vào năm 2009.

Nước mắt bà mẹ nghèo

Trước khi sự việc xảy ra, bà đã không nhìn mặt con trai vì Trương Văn Tài bỏ vợ con, bỏ nhà đi theo người phụ nữ khác. Tài yêu thương và sống chung với người phụ nữ đó gần 10 năm. Rồi cũng chỉ vì ghen tuông, nghĩ người phụ nữ đó không yêu mình nữa mà trong một phút nóng giận, Tài đã đâm chết người ấy. Giết người xong, Tài thuê xe chở hết đồ đạc gồm giường tủ, tivi... mà hai người đã mua sắm trong suốt 10 năm chung sống mang về nhà mình rồi bỏ trốn. Đó là tình tiết làm Tài bị truy tố thêm tội cướp tài sản.

Bà Mỹ lờ mờ biết tin con mình phạm tội khi được công an điều tra gọi lên lấy lời khai về mối quan hệ giữa con trai bà với nạn nhân. Bà bảo: “Khi đó tôi có biết án tử hình là gì đâu, chỉ nghĩ con mình có tội, phải thuyết phục nó ra đầu thú sẽ được sự khoan hồng của pháp luật”.

Thế là bà đi tìm con. Bà tìm ở tất cả những nơi Tài hay lui tới, những chỗ mà bà thường đi mua ve chai. Một ngày, bà thấy Tài đi thất thần ở khu vực cầu Bông (quận Bình Thạnh, TP.HCM), bà dẫn con về phường đầu thú.

Sự thành khẩn khai báo không giúp Tài thoát khỏi án tử hình. Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Văn Tài được mở lưu động tại quận Gò Vấp. “Trong khi con tôi đã yêu thương cô ấy, chung sống với nhau suốt 10 năm trời thì sao tòa lại kết tội nó cướp tài sản được. Tòa tuyên nó bị tử hình, tôi chới với không còn biết trời đất gì nữa. Khi định thần lại muốn đứng lên nói với hội đồng xét xử một câu thì họ đã giải tán mất rồi’’- bà ngậm ngùi.

Bà muốn tìm một con đường sống cho con, nhưng con đường nào thì bà không biết. Một hôm đi trên đường, bà thấy văn phòng treo biển luật sư tư vấn miễn phí cho người nghèo. Bà vào hỏi có cách nào giúp con bà thoát khỏi án tử hình hay không. Vị luật sư không trả lời mà hỏi ngược lại diện tích nhà bà rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu? Khi nghe bà nói về căn nhà rộng chưa đầy 30 mét vuông, nằm lọt thỏm giữa xóm ve chai nghèo ở quận Gò Vấp, trong căn nhà mà mùa mưa nước ngập nền ấy còn có chồng bà và đứa con trai 30 tuổi bị thần kinh, hằng ngày bà phải đi mua ve chai để nuôi họ... vị luật sư nghe thế liền bảo bà về đi, không có cách cứu con bà đâu.

Tuyệt vọng, bà đi lang thang qua trại giam Chí Hòa tìm gặp con nhưng hết giờ thăm nuôi, bà ngồi bệt dưới gốc cây mà khóc. Người đi đường thấy vậy hỏi rõ câu chuyện rồi chỉ bà vào văn phòng luật sư trước cổng trại giam. Bà lại một lần nữa đi gõ cánh cửa hi vọng về sự sống cho con.

Vị luật sư lắng nghe, rồi khuyên bà đi thăm con, rồi khuyên con bà viết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt lên cấp phúc thẩm. Bà tìm được giấy đăng ký tạm trú tạm vắng chứng tỏ con trai bà và nạn nhân đã sống chung với nhau 10 năm như vợ chồng, chứ không phải giết người cướp tài sản như tòa nhận định. Bà đi xin giấy tha tội chết cho Trương Văn Tài có chữ ký của gần 100 người dân nơi Tài đang sống. Nhưng một lần nữa tất cả những điều ấy thành vô nghĩa khi tòa tối cao bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình với con bà.

Luật sư Nguyễn Kim Liên (Đoàn luật sư TP.HCM) kể lại: ”Sau phiên tòa ấy bà về văn phòng luật sư khóc như mưa như gió. Bà bảo không còn hi vọng gì nữa rồi, chỉ tha thiết nhờ tôi giúp làm sao để khi Tài chết có thể lấy xác Tài mang về chôn cất tại Củ Chi yên nghỉ cạnh ông bà nội”.

Cứ gõ, rồi cửa sẽ mở...

Luật sư Liên bảo bà gửi đơn ân xá lên Chủ tịch nước xin giảm án tử hình cho bị cáo. Bà nghĩ còn nước còn tát. Bà làm đơn xin giảm án cho con, kèm theo lá đơn xin giảm tội chết cho Tài có chữ ký của cả trăm người là bà con lối xóm gửi lên Chủ tịch nước.

Luật sư mang hồ sơ ra tận Hà Nội gửi lần thứ nhất, không có hồi âm. Bà gửi hồ sơ qua đường bưu điện một lần nữa, cũng không có hồi âm. Một lần nữa, bà nghĩ thế là hết. Bà vào Chí Hòa thăm con, Tài trách bà khuyên con ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, ai ngờ vào đây phải chờ chết. Bà nói với con: “Mẹ nhờ luật sư đáp máy bay ra tận Hà Nội nạp đơn cho mày rồi. Mẹ cũng đi gửi đơn xin giảm án cho mày lên Chủ tịch nước nhưng không có ai hồi âm. Thôi thế là hết, coi như mẹ đã cố gắng hết sức. Mày có nguyện vọng sau này được về yên nghỉ gần ông bà nội không để mẹ còn biết đường lo liệu”.

Nói đến đó thì bà khóc, Tài cũng khóc.

Lòng ham sống của con lại một lần nữa thôi thúc bà. Từ đó cứ một tuần hoặc nửa tháng bà lại ra bưu điện Bà Chiểu gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.

Chuyện Tài giết người tình đã chung sống với mình gần chục năm nay làm rúng động cả xóm nhỏ ở phường 16, quận Gò Vấp. Những ngày con đang chờ thi hành án tử, bà vẫn gắng sức đi mua ve chai nuôi chồng con. Khi báo đăng bài Tài giết người, người ta xì xầm “con bà ve chai đấy”. Bà đi ngang qua, người ta hỏi: ”Thằng này là con trai bà hả, nó làm sao mà giết người kỳ vậy bà?”. Rồi ”Con bà đã bị xử chưa, bà có lấy được xác nó không, đã có ngày đám giỗ chưa?”... Bà bảo những lời ấy làm bà thấy đứt từng đoạn ruột.

Rồi ngày bà mong cũng đến. Đơn trả lời Tài được Chủ tịch nước ký ân giảm từ tử hình xuống còn chung thân được gửi vào trại giam. Tin ấy cũng lan nhanh khắp xóm nghèo. Ai thấy bà Mỹ đi ngang qua đều kéo bà lại hỏi: ”Hỏi thiệt nghen, bà lo vụ đó cho thằng Tài hết bao nhiêu vậy? Sao bà lo lót hay vậy?”. Bà cười rớm nước mắt: “Tiền đâu tôi lo. Ơn cô luật sư đã giúp đỡ miễn phí để thằng Tài thoát tội chết đó. Chuyện này quả thật quá sức tưởng tượng, quá sức bất ngờ trong đời tôi đó”.

Tài đang thi hành án tù chung thân ở trại giam Bình Thuận. Con gái Tài năm nay đã lớn. Vợ cũ của Tài vẫn đợi Tài về. Chị mong ngày con gái tròn 18 tuổi, Tài được ân xá ra trại. Đứa em trai kế Tài bị bệnh, ngày nào tỉnh táo thì cùng bà Mỹ đẩy xe đi mua ve chai, hoặc phụ bán quán cơm cho người ta, được bao ăn cơm trưa và trả tiền công 20.000 đồng. Bà Mỹ vẫn lặn lội mua ve chai nuôi chồng con, đôi mắt bà đã lấp lánh niềm vui chứ không còn u ám như trước.

Suốt câu chuyện dài, chỉ nghe bà nhắc đi nhắc lại câu: ”Thiệt mừng quá cô ơi, thiệt quá sức bất ngờ” khi nhắc đến sự sống như một ân huệ dành cho Tài.

Bà nói thế rồi cười. Nụ cười của người mẹ nghèo sau rất nhiều vất vả ngược xuôi đã mở cho con mình một con đường sống. Nói rồi bà lại đạp chiếc xe ba gác cũ đi thu mua ve chai dưới trưa nắng Sài Gòn như đổ lửa.

__________

Kỳ tới: Làng... tử hình

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên