22/06/2012 10:23 GMT+7

Hội Nhà báo phải có tiếng nói mạnh mẽ

ĐỨC BÌNH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
ĐỨC BÌNH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về hoạt động của báo chí hiện nay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cản trở tác nghiệp báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, cho rằng:

Kỳ 1: “Bức tường đá” Kỳ 2: Những đòn thù Kỳ 3: Chuyện ở Tiên Lãng

R9pl89Jz.jpgPhóng to

Ông Dương Trung Quốc - Ảnh: V.DŨNG

- Môi trường hoạt động của báo chí hiện có nhiều hạn chế. Về luật pháp thì có thể nói là ngày một thuận hơn. Nhưng về hoạt động thực tế thì trước hết không thể không nói đến những khó khăn kinh tế đang tác động trực tiếp đến báo chí, bởi vì báo chí phải vận hành như một doanh nghiệp tự hạch toán và hầu như rất ít được hưởng những ưu đãi cần có, nhất là với những tờ báo không chịu đánh đổi những lý tưởng nghề nghiệp lấy thị trường bằng mọi giá.

Một số tờ báo coi thị trường là tất cả cũng một phần là hệ quả của môi trường ấy.

* Ông nhận xét thế nào về vai trò giám sát của báo chí?

- Báo chí có vai trò giám sát, phát hiện, nó phản ánh hai thuộc tính quan trọng của báo chí là sát thực tế và sát với người dân. Và nó cho thấy người quan tâm nhất đến báo chí cũng chính là người dân, người đọc và cũng là người nuôi báo chí.

Cuối cùng thì thước đo chất lượng phải thuộc về bạn đọc chứ không phải chỉ là của các cơ quan quản lý nhà nước (trừ công báo).

* Ông nghĩ sao về vai trò của nhà báo khi vẫn có những nhà báo trong quá trình tác nghiệp bị cản trở hoặc hành hung?

- Nghề làm báo là một nghề nguy hiểm, đó là một sự thật. Nhưng nguy hiểm ở đây không chỉ là những rủi ro mà nhà báo phải gánh chịu, như việc bị hành hung chẳng hạn. Nguy hiểm còn theo nghĩa “bút sa gà chết” do những hiệu ứng mà nhà báo viết ra. Do vậy ngoài trách nhiệm còn có cả kỹ năng (gồm cả lòng dũng cảm lẫn sự khôn ngoan) trong nghề nghiệp.

Trả thù nhà báo

Hành động trả thù các nhà báo VN thường diễn ra sau khi tác phẩm báo chí đã được công bố, nếu xét theo tiêu chí này nó không phải là “cản trở báo chí tác nghiệp”. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là hành động trả thù gây những hậu quả rất nghiêm trọng (về tinh thần, thể xác, thậm chí đe dọa tính mạng) cho phóng viên, nhà báo và làm họ mất tinh thần, không thể tiếp tục xông xáo, nhiệt tình cống hiến trong nghề. Trong một số trường hợp, sự trả thù diễn ra khi nhà báo mới công bố được một phần thông tin mà đối tượng đã ra tay nhằm làm cho nhà báo không dám công bố thông tin nữa. Nếu tính đến khía cạnh này thì trả thù cũng là một dạng hành vi cản trở báo chí tác nghiệp. 197 trên tổng số 384 phóng viên, nhà báo được hỏi xác nhận điều đó (51,30%).

29 người đã thật sự bị trả thù liên quan đến hoạt động tác nghiệp.

(Trích “Báo cáo khảo sát, nghiên cứu các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” 2012 của Red Communication thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN)

Như câu chuyện của nhà báo Hoàng Khương (đang bị tạm giam), vấn đề còn lại là cách xử lý của các cơ quan công quyền nhìn nhận sự việc để xử lý không chỉ vì sự công bằng, mà còn để đạt tới những điều tốt đẹp hơn.

Chắc chắn đấu tranh với hiện tượng tiêu cực trong lực lượng công an còn quan trọng hơn rất nhiều cách làm của nhà báo khi lựa chọn một phương cách dễ rơi vào tình huống “phạm pháp”.

Khi bàn về luật phòng chống tham nhũng ai cũng biết là bắt được tội “hối lộ” khó khăn như thế nào nên cũng phải chấp nhận việc nhận hối lộ (của người có quyền lực) bao giờ cũng nghiêm trọng hơn những người đưa hối lộ (vì họ là người yếu thế) mà nếu nhìn vào những gì nhà báo Hoàng Khương đã thực thi nghề nghiệp của mình trên mặt trận chống tiêu cực thì khó có thể quy kết anh đã đưa hối lộ chỉ để giúp người khác...

Tóm lại, trong thực tiễn hiện nay thì vụ việc này cũng chẳng khác gì câu chuyện cũng đang mang tính thời sự vừa xảy ra ở một trường học trong kỳ thi mới rồi ở Bắc Giang. Việc dùng phương tiện kỹ thuật quay hiện tượng tiêu cực trong thi cử đúng là vi phạm quy chế, nhưng chắc hẳn ai cũng thấy nếu không làm việc ấy thì làm sao “cái kim trong bọc thòi ra” được!? Tôi thấy rất mừng là trong trả lời chất vấn của bộ trưởng công an mới rồi đã tha thiết kêu gọi nhân dân và báo chí vào cuộc giúp lực lượng công an trong sạch giữ được truyền thống vẻ vang của mình. Và lãnh đạo ngành giáo dục cũng tỏ ra thận trọng xử lý việc học sinh ghi hình phát hiện tiêu cực.

* Bây giờ chuyện tài liệu đóng dấu “mật” tràn lan, rồi lãnh đạo né tránh báo chí hay hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí... ông nghĩ sao?

- Ngành nội vụ cũng như Quốc hội phải vào cuộc để giám sát các văn bản do bộ máy hành pháp ban hành và trách nhiệm về thông tin của các cơ quan hành pháp mà mục tiêu cuối cùng là để tìm sự đồng thuận chứ không phải để đối phó với nhau. Vì bản chất mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan công quyền phải là sự đồng thuận vì mục tiêu chung nhằm bảo vệ và phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Hành lang pháp lý không đến nỗi thiếu, nhưng dường như ai cũng coi trọng cái quyền của mình hơn cái quyền của người khác.

* Thực tế cơ quan báo chí hay nhà báo vi phạm thì bị xử lý nghiêm, nhưng ngược lại cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về báo chí vẫn chưa thấy xử nghiêm?

- Vi phạm của báo chí thì không nên nương nhẹ. Nhưng việc xúc phạm hành hung người làm báo trong khi đang hành nghề thì phải coi là hành vi nghiêm trọng, nếu thấy rằng mục tiêu của nhà báo là vì lợi ích chung của xã hội, nói cách khác là họ đang làm công vụ.

Trước hết cơ quan chủ quản của nhà báo ấy phải xác định tính công vụ của hành vi mà nhà báo của mình đang thực hiện. Ví như vụ nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung trong khi điều tra tình trạng buôn lậu gia cầm ở Lạng Sơn năm 2010 thì phải coi đó là hành hung người đang làm công vụ.

Và nếu thấy các cơ quan công quyền xử lý chưa thỏa đáng hoàn toàn có thể đưa sự việc ra tòa án, không thể thỏa hiệp. Đương nhiên nếu thấy cái sai thuộc về nhà báo của mình thì cũng phải xử nghiêm. Đó là chưa nói đến vai trò của Hội Nhà báo, một tổ chức chính trị, nghề nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo cũng là hội viên của mình.

* Ý ông là hội phải bảo vệ hơn nữa quyền của các hội viên?

- Đúng. Tôi cho rằng Hội Nhà báo nên có tiếng nói của mình một cách mạnh mẽ. Đúc kết từ những thực tế mang tính xung đột ấy để can thiệp với các cơ quan lập pháp, hành pháp và xem lại những quy chế nghề nghiệp cũng như hoàn thiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đó cũng là cách làm để cải thiện không ngừng điều kiện hành nghề an toàn và có hiệu quả của hoạt động báo chí.

Cuối cùng, nhân Ngày báo chí VN, chúng ta cũng nên theo cái nguyên lý “tiên trách kỷ hậu trách nhân” của người xưa để trước hết nên tự soi những hạn chế kể cả những hiện tượng tiêu cực đang tồn tại trong chính đội ngũ và những hoạt động của giới báo chí chúng ta. Và mong muốn không chỉ bạn đọc mà cả những nhà quản lý báo chí hãy chia sẻ với những gian khổ của nghề báo và đồng hành với báo chí, cũng có nghĩa là thấm nhuần cái nguyên lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Báo chí là một vũ khí của cách mạng”.

________________

Dù người này cho rằng đó là “tabloid” (báo khổ nhỏ), người kia khẳng định nó xuất phát từ “feuille de chou” (feuille: lá, tờ báo; chou: cải bắp), thì bạn đọc Việt Nam vẫn hiểu thế nào là báo lá cải.

Đó là một góc tối của truyền thông thế giới và đang rộ lên ở VN.

Kỳ tới: Góc tối của truyền thông - báo lá cải

ĐỨC BÌNH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên