27/05/2012 10:30 GMT+7

Cơn lốc sưa

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TT - Cây sưa bạc tỉ đang để trước nhà ông Phan Văn Vân ở xã Đắk Mar (huyện Đắk Hà, Kon Tum) - sản phẩm trong mơ nhưng có thật của thợ xăm sưa Nguyễn Văn Chiến. Gỗ sưa đã đưa hàng loạt gia đình thành những “đế chế” trong việc kinh doanh loại gỗ quý này ở núi rừng Kon Tum.

Kỳ 1:Trong “thánh địa” gỗ sưaTìm thấy hầm gỗ sưa, dân lại đổ vào rừngXông vào nhà cướp gỗ sưa giữa ban ngày

k6i33bru.jpgPhóng to
Cây gỗ sưa bạc tỉ ở vườn nhà ông Vân - Ảnh: Tấn Vũ

Bỏ lúa, theo sưa

Trong hàng loạt cây sưa được những người đi xăm ở làng Đắk Mar tìm thấy thì số phận của cây sưa ở nhà ông Vân nhuốm màu huyền thoại. Bà Thủy, vợ ông Vân, vỗ về cây sưa đang được bọc tôn kỹ lưỡng trước hiên nhà. Gia đình bà Thủy không quá đỗi túng thiếu nên chúng tôi còn may mắn chứng kiến được cây gỗ quý này.

“Thông thường những gia đình khốn khó đã phải bán tháo, bán rẻ ngay khi tìm được gỗ sưa cho các lái buôn. Nếu là gỗ quý thì càng lâu ngày càng hiếm thấy, càng đắt đỏ chứ mất mát gì đâu. Hơn nữa đây là kỷ vật trời cho” - bà Thủy phân trần.

Bà Thủy kể tháng 8-2011 gia đình anh Chiến ở đầu thôn chuẩn bị gặt lúa. Người làm công, máy móc, cơm nước và mọi thứ đều chuẩn bị chu đáo cho việc thu hoạch vụ mùa cuối cùng trước khi trời đổ mưa.

Đêm đó anh Chiến nằm nghe thấy có người mách bảo bên tai rằng trong ao cá trước nhà ông Vân có cây sưa rất to đang vùi ở đấy. Sáng hôm sau, anh Chiến bỏ việc đồng áng cho vợ con, một mình vác sào sắt đi xăm sưa trước nhà ông Vân từ sớm.

“Anh Chiến vào nhà khi vợ chồng tôi chưa ngủ dậy. Anh ấy bảo cho anh xăm cái ao cá trước sân vườn vì đêm qua mơ thấy cây sưa nằm dưới ấy. Vợ chồng tôi cười nhưng tôn trọng cứ để ảnh làm chứ mất gì đâu! Không ngờ anh Chiến vừa xăm lui xăm tới chưa đến một giờ, lôi lên một miếng dăm gỗ đốt nhựa thơm lừng mới biết đó là sưa” - chị Thủy thuật lại.

Phải mất gần bốn ngày sau, cây sưa dài hơn 13m, đường kính 0,25-0,4m trong chiêm bao của anh Chiến mới hiện nguyên hình hài và đưa lên khỏi mặt đất trong niềm vui khôn tả của chủ lẫn thợ.

Mấy ngày sau, ngay bên cây sưa trước ao nhà vừa tìm thấy, toán thợ của anh Chiến tiếp tục đào được một cây sưa to đến ba người ôm nhưng ruột bị rỗng hoàn toàn. Cây sưa này bán được 52 triệu đồng ngay sau khi lôi lên khỏi mặt đất cho một thương lái người Trung Quốc.

Mấy ngày sau, một gốc sưa to nhưng chỉ còn bộ rễ vì phần trên đã bị cưa ngang từ thời khai hoang vùng này được người dân tại đây tìm thấy. Gốc cây này được các nghệ nhân đóng thành một bộ bàn rất xinh xắn, chạm trổ công phu để ngay trong nhà làm kỷ vật.

fpUvq3oZ.jpgPhóng to
Một nhóm thợ đang bứng gốc sưa ở rừng Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Ngô Trí Dũng

Tan nát rừng Kon Ka Kinh

Trong ký ức của những người mở ra vùng đất đỏ Tây nguyên, Đắk Hà (Kon Tum) chính là “vương quốc” của loài gỗ sưa quý hiếm này. Nhưng chính những thương lái ở vùng Đắk R’Ve của huyện Kon Rẫy (Kon Tum) mới là những người đã hình thành nên “đế chế” gỗ sưa được khai thác từ vùng rừng K’Bang kéo dài đến vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nơi tiếp giáp giữa huyện Kon Rẫy với tỉnh Gia Lai. Thị trấn nhỏ Đắk R’Ve nằm sát quốc lộ 24, bọc quanh bởi rừng xanh. Những cái tên phút chốc lừng danh của làng gỗ sưa trong cánh rừng này: ông S.“tr”, Ch., bà Đ...

Bà Đ. không chịu tiết lộ số gỗ sưa mình tìm được trong rừng Kon Ka Kinh vào năm 2008, chỉ cho biết là mua lại của một lái gỗ từ làng dưới. Những thương vụ mua bán gỗ sưa đã đưa gia đình bà trở thành người đầu tiên sở hữu tiền tỉ giữa núi rừng xa xôi này, sau đó lập Công ty TNHH TĐ. “Tôi mua đâu có nhiều, chừng... 6 tấn chứ mấy! Khi đó như củi khô ấy mà, giá mỗi ký có 800.000 đồng chứ đâu được chục triệu như bây giờ” - bà Đ. nói trong tiếc rẻ.

Theo tính toán của bà Đ., nếu tính toàn bộ số gỗ sưa người dân vùng Đắk R’Ve gom được cách đây mấy năm thì giá trị giờ đây lên tới vài ngàn tỉ đồng. Lớn hơn rất nhiều so với số gỗ sưa vừa tìm được gây xôn xao ở Quảng Bình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số 6 tấn gỗ sưa của bà Đ. mua được của ông M. chỉ tầm 700 triệu đồng và bà Đ. bán lại gần 5 tỉ đồng. Số gỗ này ông M. gom bí mật tại vườn quốc gia Kon Ka Kinh và đưa về nhà. Sau đó, ông M. giới thiệu bán cho một chủ và chưa thỏa thuận giá, thông tin nhà ông M. chứa gỗ sưa bị lộ ra ngoài. Thế là ông M. đành bán tháo cho bà Đ. để bảo vệ gia đình trước pháp luật lẫn sự dòm ngó của từng đoàn “săn” sưa từ Nam chí Bắc đổ về Kon Rẫy.

Câu chuyện trúng sưa của gia đình bà Đ. làm rúng động cả thị trấn Đắk R’Ve nhỏ bé. Hàng loạt gia đình khác cũng kéo nhau vào rừng núi. Nhiều cây sưa trong rừng Kon Ka Kinh lần lượt được đưa về Kon Rẫy, Kon Plông và về xuôi theo quốc lộ 24, xuyên đèo Violăk xuống Ba Tơ về quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Ngãi.

A Hải, người Xê Đăng - thợ rừng tìm sưa lừng danh ở núi rừng Đắk R’Ve, tiết lộ: “Năm 2008, tôi cùng một toán thợ xuyên rừng đi tìm trầm, nhưng trước đó một số thương lái dặn dò hãy để mắt tới loại “gỗ đỏ” ở rừng Kon Ka Kinh. Sau khi phát hiện một vùng có rất nhiều cây “gỗ đỏ”, tôi lặng lẽ thương lượng với nhiều lái buôn người địa phương vào cuộc”. Sau đó, khi tìm ra ổ “gỗ đỏ”, giới lái buôn chỉ thuê nhóm A Hải cưa cây, đào rễ trả công hằng ngày. “Thấy ngày công cao mình làm. Tôi đâu biết “gỗ đỏ” bán theo cân, ký bao giờ. Mà thật sự nếu có “gỗ đỏ” cũng chẳng biết bán cho ai” - A Hải tâm sự.

Sau khi lô “gỗ đỏ” đầu tiên thu về tiền tỉ trên địa bàn huyện, hàng ngàn người dân từ K’Bang (Gia Lai), Kon Rẫy (Kon Tum) và đặc biệt là dân tứ xứ tụ tập về Kon Plông, Đắk R’Ve... lùng sục các cánh rừng. A Tý, một thanh niên cùng làng với A Hải, trong một lần đi tìm “gỗ đỏ” rồi đi biệt không thấy về. Người nói Tý trúng đậm “gỗ đỏ” rồi bỏ làng đi xa. Người đồn đoán Tý bị lạc lối và gặp thú dữ trong rừng Kon Ka Kinh rộng lớn này.

Chúng tôi tìm đến nhà S.“tr” để tìm mua sưa. Ngoài tài sản đồ sộ của những năm tháng buôn “gỗ đỏ” trong vùng, một lượng gỗ kha khá được S. cất giấu trong nhà nhưng chúng tôi vẫn không được phép tiếp cận khi vụ thương lượng bất thành. S. cho biết anh chính thức giã từ nghề tìm sưa hơn một năm nay, đơn giản chỉ sau bốn năm khai thác rừng Kon Ka Kinh thì “một cọng rễ sưa cũng không còn”.

Ông Trương Văn Lên, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kon Rẫy, xác nhận: “Do cung đường từ Kon Ka Kinh về Gia Lai ít hiểm trở nên việc vận chuyển gỗ dễ dàng. Đường từ Kon Ka Kinh qua Kon Tum rồi về Quảng Ngãi toàn núi rừng hiểm trở, không là địa bàn lý tưởng cho các thương lái. Hai, ba năm qua, nhiều đoàn vào rừng rồi trở ra tay không, mất tiền của lẫn sức lực bởi rừng giờ đây không còn một cây sưa nhỏ, ngay cả rễ cũng hiếm”.

______________________

Kỳ tới: Mua giá đá, bán giá ngọc

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên