19/03/2012 09:38 GMT+7

Đường đi của gia cầm lậu

NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN
NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN

TT - Cúm gia cầm đang vào mùa cao điểm nhưng nhiều cơ sở giết mổ có giấy phép hoạt động cùng với các lò mổ “chui” đang trở thành nơi trung chuyển, cung cấp hàng chục ngàn con gà, vịt... lậu mỗi ngày.

sxLN4gRL.jpgPhóng to
Gà, vịt trên mui xe khách được chuyển xuống xe lôi chở vào lò Ngọc Sơn (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An)- Ảnh: N.K.

Sáng 8-3, khi nghe ông Huỳnh ở P.Tân Quý (Q.Tân Phú, TP.HCM) có nhu cầu mua gà thả vườn về bỏ mối, bà Út Huê ở ấp Bình Nam (xã Bình Tâm, TP Tân An, Long An) nói: “Hiện đang có dịch cúm gia cầm H5N1 ở nhiều tỉnh, TP nên bên thú y kiểm soát rất dữ. Nhưng cứ yên tâm, nguồn gà lậu ở chỗ tui cần bao nhiêu cũng cung ứng đủ. Nếu vận chuyển trong tỉnh thì không lo, còn ra khỏi tỉnh khách phải tự lo giấy kiểm dịch”.

Mánh khóe “chẻ” hàng

Ông Trần Quang Thái (quyền chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre): Sẽ xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Thời gian qua, chúng tôi chưa phát hiện cũng như nhận được thông tin tình trạng cán bộ thú y tiếp tay cho việc vận chuyển, “bôi trơn” thủ tục cấp giấy kiểm dịch, kiểm dịch sai quy trình. Việc cán bộ thú y bán khống giấy tiêm phòng để làm giấy kiểm dịch là hoàn toàn sai theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại thông tin mà báo Tuổi Trẻ nêu, tùy vào mức độ sẽ xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm và những người liên quan.

Về trường hợp ông Bửu mà báo Tuổi Trẻ nêu tự nhận là đang công tác tại Chi cục Thú y tỉnh, có thể đây là ông Lê Quang Bửu, hiện công tác ở phòng kiểm dịch động vật - kiểm soát giết mổ thuộc Chi cục Thú y tỉnh. Trước đây, ông này từng công tác ở Trạm thú y TP Bến Tre. Do ông Bửu từng đứng lớp dạy về chuyên môn thú y nên hay được gọi là “thầy”. Theo tôi, rất có khả năng cán bộ này làm sai, chúng tôi sẽ rà soát và xử lý nghiêm.

Bà Huê giải thích nếu muốn có đủ hàng giao cho khách, chỉ cần mổ gia cầm trong các cơ sở giết mổ có giấy phép hoạt động khoảng vài chục con để lấy giấy kiểm dịch, sau đó nhồi thêm hàng lậu để qua mắt cơ quan thú y. Thông thường, gia cầm không có giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc được chuyển bằng xe máy về các đầu mối chuyên bán sỉ lẻ gia cầm sống lẫn gia công giết mổ. Thời gian vận chuyển của các “nài” chạy xe máy rất linh động. Giữa trưa, chúng tôi theo xe máy biển số 50K2 4675 từ thị trấn Bến Lức (Long An) chở lồng sắt đầy gà, vịt về đến một con hẻm trên đường Phan Huy Ích (P.12, Q.Gò Vấp), nơi tập kết của hàng trăm gia cầm mỗi ngày. “Nài” gà lậu tên Hương thừa nhận: “Số gà trên được mua tận gốc, bán tận ngọn làm gì có giấy kiểm dịch, vì vậy chuyên chở phải tìm cách né công an”.

Còn bà Ân, chủ lò mổ chuyên phân phối hàng trăm ký thịt gà, vịt mỗi ngày trên đường Đoàn Thị Kia (xã Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương), huỵch toẹt: “Gà lậu ở đây chủ yếu giao cho các đầu mối nhà bếp nấu cơm cho công nhân. Gà được lấy từ tận Trị An (Đồng Nai) đưa về”. Bà Ân cho biết hàng được “chẻ” về lúc nửa đêm để né cán bộ thú y kiểm tra. Không chỉ riêng lò bà Ân, hàng chục lò giết mổ “chui” khác ở TP.HCM và Bình Dương đều đặt ở những nơi kín đáo và gia cầm hầu hết đều được chuyển lậu từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ về TP.HCM.

Có nhiều chủ vựa sẵn sàng chọn một khu đất trống ngay giữa khu dân cư để nuôi, nhốt gia cầm lậu. Tại trại vịt gần 1.000m2 của ông Đương ở xã Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An), vợ ông này nói: “Tụi tui lấy nguồn gia cầm ở Tiền Giang, Hậu Giang... đem về nuôi ở nhà. Sau đó, các mối tới lấy. Số lượng nuôi lén ở nhà hàng ngàn con, cung cấp sỉ, lẻ cho nhiều chợ, điểm bán gia cầm ở Bình Dương”. Còn ông Tuân ở chợ Việt Lập (thị xã Dĩ An) thừa nhận: “Tui mua nguồn gà với số lượng lớn ở dưới Bến Tre đưa về, chỉ có giấy kiểm dịch chung để đưa vào lò giết mổ có giấy phép. Còn mình đem về nuôi, nhốt lậu để bỏ mối cho khách hàng nên giấy kiểm dịch để bán lẻ thì làm sao có được”.

Cán bộ thú y tiếp tay?

Chiều 11-3, bà Thảo, chuyên mua bán, gia công giết mổ gia cầm có lò giết mổ nằm bên quốc lộ 60 (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), nói: “Tui đã nhận làm mối cung cấp gia cầm thì khách không cần phải lo gì hết, kể cả giấy kiểm dịch của tỉnh hay huyện”. Bà này cho biết mức “phí” để chi chỉ mất 300.000 đồng/giấy kiểm dịch/xe tải. Số lượng gia cầm từ 100-1.000 con đều tính với mức “phí” trên.

Trưa 12-3, bà Thảo điện thoại xưng “em - thầy” với một người đàn ông để giao dịch việc cung cấp giấy kiểm dịch. Chưa đầy hai phút sau, bà quay qua nói “bên kia” đã đồng ý và mối sau khi lấy đủ hàng chỉ cần chạy xe qua cầu Hàm Luông (địa phận TP Bến Tre) là có người đợi ở cây xăng để đưa giấy, kẹp chì niêm phong cho xe. Sau đó, người lấy hàng có thể vô tư vận chuyển về TP.HCM. “Thông thường, khách bắt gà chỗ nào thì ghi địa chỉ ở chỗ đó, nhưng bắt ở chỗ tui (huyện Mỏ Cày Bắc - PV), tụi tui vẫn sẽ ghi cho giấy của TP, tỉnh để đi về TP.HCM dễ dàng”.

Bà Thảo bày cách cho khách cần ghi địa chỉ lò, biển số xe, tên tài xế, chủ chuyến hàng... cho bà để cán bộ thú y làm giấy kiểm dịch khống trước. Sau khi bắt gà, chỉ cần mang xe qua chỗ bà hướng dẫn để lấy giấy, kẹp chì là xong. “Do đây là khách mới, xe mới, chứ mối quen thì tui chạy qua lấy giấy, khỏi cần chạy xe đến cũng được”, và còn có thể yêu cầu “kẹp chì lỏng để nhồi thêm hàng” - bà Thảo nói.

Chúng tôi liên lạc với “thầy”, người nhận cấp giấy kiểm dịch khống cho bà Thảo. Sáng 16-3, tại một quán nước ngay ngã tư Tân Thành (xã Sơn Đông, TP Bến Tre), “thầy” xuất hiện trên chiếc xe máy màu xanh. Xách chiếc cặp da màu đen có in dòng chữ “Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre”, ông này tự nhận mình tên Bửu, hiện đang công tác tại Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre. Ông Bửu nói: “Phải có giấy chứng nhận tiêm phòng văcxin cúm gia cầm thì mới có giấy kiểm dịch, đây là điều kiện bắt buộc”. Các nguồn gia cầm thường không có loại giấy này nhưng ông vẫn có đường “binh” bằng cách lấy giấy tiêm phòng khống để làm giấy kiểm dịch cho thương lái. “Đối với gà cần tiêm phòng một lần, còn vịt thì hai lần”, ông Bửu nói. Ông ra giá chỉ cần bỏ ra 600.000 đồng là có giấy chứng nhận tiêm phòng văcxin cúm gia cầm, coi như đủ điều kiện cấp giấy kiểm dịch cho 1.000 con.

Ông Bửu cho biết thường làm giấy trước cho thương lái nhưng chỉ giao khi đã kẹp chì vào xe. Thương lái muốn làm giấy chỉ việc nhắn tin cho ông biển số xe, tên tài xế, người áp tải, địa chỉ lò giết mổ... Ông Bửu nói nếu đúng quy trình, cán bộ thú y ở huyện nào sẽ kiểm tra gia cầm và cấp giấy tại địa phương đó. Nhưng ông đã giúp cho nhiều trường hợp gà, vịt thực tế được mua ở Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam... nhưng giấy kiểm dịch lại do cơ quan thú y của TP Bến Tre cấp. Trong đó có trường hợp của bà Thảo, mối làm ăn của ông từ trước Tết Nguyên đán vừa qua đến nay.

Để chạy “lụi” (tức vận chuyển gia cầm chưa kiểm dịch) từ địa bàn các huyện đến TP Bến Tre nhưng vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng, ông Bửu tư vấn: “Đến ngã ba mũi tàu (huyện Mỏ Cày Bắc) không chạy thẳng mà nên quẹo vào trong sẽ né được”. Ông Bửu hướng dẫn thêm sau khi xe từ huyện Mỏ Cày Bắc qua cầu Hàm Luông tới ngã tư Tân Thành (TP Bến Tre) quẹo trái về hướng ngã ba Liên Thủy, gần Trường cao đẳng Bến Tre cơ sở 2, ông sẽ ra trực tiếp kẹp chì và giao giấy kiểm dịch bất kể khi nào. Riêng về việc nhận “phí”, ông nói: “Tôi cũng có cái lợi trong đó” và phân trần thêm người ký giấy kiểm dịch không phải là ông mà là người khác.

Trung chuyển gà lậu từ lò có giấy phép

RsJi0ecs.jpgPhóng to
Vợ chồng bà Ân (xã Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) giết mổ gia cầm lậu - Ảnh: K.V.

Mỗi ngày, con đường đất đỏ vào lò Ngọc Sơn (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An) mịt mù bụi bởi xe cộ tấp nập vận chuyển ra vào hàng chục ngàn gia cầm các loại. Tuy là lò mổ có giấy phép hoạt động, thường xuyên có cán bộ thú y túc trực nhưng ở đây trở thành điểm trung chuyển gia cầm lậu nổi tiếng vùng này. Phía bên cạnh khu giết mổ của lò là một gian nhà rộng chừng 1.000m2, có một số vựa chuyên cung cấp gia cầm cho khách. Mỗi ngày ở đây ra vào hàng chục ngàn gia cầm các loại cùng với thương lái khắp nơi đổ về. Người phụ nữ xưng là Út Kiều, quản lý một vựa gia cầm lớn nằm trong lò này, nói: “Trong đây toàn là gà không có giấy kiểm dịch, khách cần bao nhiêu cũng có thể đáp ứng. Sau đó, nếu cần thì về TP.HCM làm giấy lụi”.

Theo bà Kiều, nguồn gia cầm ở đây hầu hết cung cấp cho thị trường TP.HCM, chủ yếu bằng xe gắn máy. Nếu là khách hàng quen mặt thì sẽ có “nài” chở hàng đến tận nơi. Bà này mách nước: an toàn nhất nên “đi” gà vào những giờ ít có các cơ quan chức năng (thú y, quản lý thị trường, công an...) kiểm tra như vào lúc nửa đêm về sáng. Theo đó, các xe máy “chẻ” gia cầm lậu từ lò Ngọc Sơn về TP.HCM thường chọn các hẻm nhỏ để chuyển hàng về huyện Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.12, Q.Gò Vấp... Trên đường đi, các “nài” thường xuyên giơ tay ra hiệu cho nhau né các điểm cảnh sát giao thông chốt chặn. Bà Hàng, chủ một vựa khác tại lò này, chỉ: “Muốn đưa gà vịt sống về TP thì chuyển theo đường các tay “nài” chuyên chở thuê. Nếu không thì thuê nhà ở gần đây để giết mổ, sau đó chuyển về TP sẽ dễ dàng hơn”.

Nguồn gia cầm cung cấp cho khách cũng được chuyển “lậu” đến lò Ngọc Sơn bằng xe khách. 9g20 ngày 14-3, một chiếc xe khách chở vài khách từ bến xe Gò Công (Tiền Giang) - bến xe miền Tây ghé vào cây xăng Tân Phong Phú trên quốc lộ 1A (Bến Lức, Long An), lập tức bốn người đàn ông và hai phụ nữ lần lượt đưa hàng trăm con gà, vịt xiêm từ mui xe xuống xe lôi chờ sẵn. Xe lôi này chạy một mạch vào cổng chính của lò Ngọc Sơn chuyển hàng vào vựa.

NGỌC KHẢI - KHƯƠNG VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên