Phóng to |
Từ hai bàn tay trắng khi đến P.12, giờ anh Nguyễn Đức Dưỡng có nhà hàng, khách sạn hàng chục tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng quê - Ảnh: Đ.Dân |
Chỉ vài vòng xe là đi hết cả phường nhưng ở mỗi con hẻm, mỗi khu phố nơi đây đều có thể gặp những người có quê ở tất cả vùng miền. Như dân Bắc Ninh quen làm thợ hồ, buôn bán; dân Nam Định làm mộc và bán sắt thép; dân Vĩnh Phúc làm miến; dân Thái Bình làm công nhân, dân Thanh Hóa chạy xe ba gác hoặc buôn bán vật liệu xây dựng; còn dân Hà Tĩnh và Nghệ An lại chủ yếu là bộ đội và công an... Ngoài khát vọng lập nghiệp, ai cũng muốn giữ những dư vị riêng của quê hương mình.
Bắc - Trung - Nam hội tụ
“Pì chai kịn nặm”, “cháu đọc lại cho ông nghe nào”... - trong gian nhà nhỏ ở một con hẻm thuộc khu phố 16, ông Chu Văn Bắp - người dân tộc Tày - đang dạy đứa cháu nội 5 tuổi nói tiếng dân tộc mình. Ông Bắp kể: “Bố tôi là người Nùng, mẹ tôi là người Tày, hai đứa con còn giữ được chút ít, chứ mấy đứa cháu này giờ chúng nó thành người Kinh hết rồi...”.
Hàng xóm còn cho biết thời gian trước ông Bắp hay bày biện mấy cái khuyên tai, vòng đeo tay và nhiều thứ đồ khác của người dân tộc vùng núi phía Bắc trước cửa nhà để bán, nhưng người ta lại thấy ông ngồi lau chùi, ngắm nghía các món đồ như một sự gợi nhớ quê hương hơn là kinh doanh. Là quân nhân, sau ngày thống nhất đất nước, ông Bắp cùng người em trai là Chu Văn Cẩu bôn ba qua nhiều vùng đất rồi đến những năm 1990 mới về P.12 này lập nghiệp. Ông khoe: “Vợ tôi là người Bến Tre, con dâu tôi người Phú Yên, em dâu người Hà Tĩnh. Giờ gia đình tôi có trên chục người con cháu đều sống ở P.12 này. Thế nên, mỗi lần gia đình ngồi quây quần bên nhau là có giọng đủ miền”.
Cách đó một con hẻm, bà Phùng Thị Nguyệt - 47 tuổi, người dân tộc Nùng ở Cao Bằng - đang dọn dẹp tại khu phòng trọ mà gia đình bà vừa xây lên cho người dân nhập cư đến đây thuê. Giờ chỉ tính riêng khu nhà trọ của bà Nguyệt cũng đã có đầy đủ dân các vùng miền Bắc, Trung, Nam. Đi xa hơn các con hẻm khác thì có chị Trang người Khmer, ông Hùng người Ê Đê... Có người đến rồi đi nhưng cũng có người sống mãi ở vùng đất lành này.
“Qua quán hớt tóc Bắc Nam, ngồi một hôm thì biết dân nhập cư ở đây đông cỡ nào” - các tiểu thương ở chợ tạm Tân Sơn nói nhao nhao với nhiều giọng người miền Trung, miền Bắc, có người lại nói giọng Nam bộ.
Mọi người đang nhắc đến quán hớt tóc của ông Lê Sỹ Nghiêu, tổ trưởng tổ 112 của P.12 này. Năm 1996, trận vỡ đê ở xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, Hải Dương cuốn trôi vườn quất hàng trăm cây đã khiến gia đình ông Nghiêu lao đao và “cuốn” luôn ông cùng vợ và đứa con mới 2 tuổi “dạt” vào Sài Gòn, cư ngụ ở P.12 đến giờ. “Sau khi can qua nhiều nghề, cuối cùng tôi được một người cùng quê dạy cách hớt tóc, rồi ra đường Quang Trung kiếm một góc vỉa hè hành nghề cắt tóc. Vợ đi làm công nhân cho công ty may gần đây”.
Tính ra số con cháu ông Nghiêu hiện nay ở P.12 có 16 người, còn riêng hàng xóm ở cùng ngoài quê thì có tới 17 hộ gia đình đang sinh sống ở đây. Vì dân đông nên dân Thanh Cường, Thanh Hà của ông thành lập “hội làng” ngay trong phường để chia sẻ nhau khi khó khăn.
Đất lành chim đậu
Trung tá Lê Thành Hưng, trưởng Công an P.12, cho biết P.12 được bao bọc bởi bốn con đường Quang Trung, Tân Sơn, Huỳnh Văn Nghệ và Phan Huy Ích, gồm 16 khu phố, chia làm 127 tổ dân phố, dao động 52.000-54.000 dân, gần 90% là dân nhập cư từ các tỉnh đổ về. Do đặc thù địa bàn của phường trước đây là những khu đất trống rất rộng thuộc quân đội quản lý, sau này khi hình thành các khu dân cư mới, đa số các nhà đều có diện tích lớn. Do đó, người dân bắt đầu ngăn phòng cho thuê nên càng tạo cơ hội thu hút người nhập cư từ khắp nơi đổ về. |
Còn người ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lại là bộ đội đến đây vì được cấp đất ở khu vực này. Người ngoài nhìn vào ít ai biết rằng chủ nhân những ngôi nhà khang trang kia từng là bà bán xôi, người hớt tóc dạo, cô lượm ve chai hay anh bán quán lẩu dê... từ các miền đất khác dạt về.
Bác Nấc, khu phố trưởng khu phố 16, hồ hởi dẫn chúng tôi tới trước một nhà hàng năm lầu, có hầm để xe, có cầu thang máy tự động của anh Nguyễn Đức Dưỡng, quê ở Hà Nam. Anh vừa có ý tài trợ cho phường 100 triệu đồng để làm con đường trong khu phố 16. Anh Dưỡng đến đây chỉ hai bàn tay trắng, cùng với nghề nấu ăn lận lưng nên anh mở một quán lẩu dê bằng mái lá chật chội trong con hẻm nhỏ sình lầy nằm sâu trong đường Tân Sơn.
Thế nhưng nay quán mái lá chỉ là nơi anh làm nhà giữ xe cho khách. Năm 2010, anh Dưỡng đã xây hẳn một nhà hàng năm lầu trên diện tích hơn 200m2 với trị giá trên 16 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn có trong tay một khách sạn lớn trên đường Tân Sơn và vài căn nhà mặt tiền giữa Sài Gòn. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Dưỡng còn đưa hơn 30 người con cháu, hàng xóm ở quê vào TP.HCM tạo công ăn việc làm ngay trên mảnh đất mà anh đã lập nghiệp.
Những câu chuyện lập nghiệp thành công như anh Dưỡng không hiếm ở đây. Anh Tạ Văn Năng, quê Hà Tây (Hà Nội), đưa vợ con vào nhặt ve chai giờ trở thành đại gia ngành xây dựng với xe “mẹc”, nhà lầu. Còn anh Phạm Quốc Hoàng rời Thanh Hóa vào với hai bàn tay trắng, dựng lều ở tạm trong vườn điều cạnh sân bay giờ là đại gia buôn bán bất động sản nổi danh.
Rồi đến những người bần cùng như ông Nghiêu với nghề hớt tóc dạo trên vỉa hè nay có hai căn nhà lầu khang trang; bà Nguyệt bán xôi nay là bà chủ một dãy nhà trọ, chủ nhân của một căn nhà ba lầu và một rẫy điều ở Bình Phước...
Người ta vẫn thường nói “đất lành chim đậu” và P.12 đã là miền đất lành bao dung giữa Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận